Ẩm thực Việt Nam "tìm được chỗ đứng" tại Cộng hòa Séc

Nhà hàng Việt với các món ăn truyền thống như nem cuốn, phở... đã dần dần chiếm được cảm tình của các thực khách người Séc, trở thành "sứ giả văn hóa Việt trên đất Séc."
Ẩm thực Việt Nam "tìm được chỗ đứng" tại Cộng hòa Séc ảnh 1Các món ăn Việt thu hút thực khách trong ngày văn hóa các dân tộc thiểu số tại Praha. (Ảnh: Quang Vinh/Vietnam+)

Trong chuyến tàu đêm từ thành phố biên giới Ostrava trở về Praha tôi tình cờ ngồi cùng toa với một người đàn ông Séc trên 60 tuổi.

Ông mang dáng vẻ lam lũ, chắc không phải là người am hiểu rộng, tiếp xúc nhiều. Khi biết quốc tịch của tôi ông buột miệng: "Món ăn của các bạn ngon lắm." Rất có thể đây là tất cả những gì người đàn ông đó biết về Việt Nam.

Câu nói nghe được trên tàu trùng lặp với ý kiến của nhiều người Séc tôi gặp sau này. Và trên thực tế mở hàng ăn đang là lĩnh vực được cộng đồng người Việt tại Séc đầu tư mạnh, sau nghề kinh doanh tạp hóa và kinh doanh rau quả - thực phẩm. Xu thế chung của người Việt hiện nay là chuyển dần từ cửa hàng tạp hóa sang cửa hàng rau quả, thực phẩm hoặc quán ăn, nhà hàng.

Theo con số thống kê từ phía Séc, chỉ riêng tại Praha đã có tới 5.000 cửa hàng rau quả - thực phẩm của người Việt. Chưa có thống kê chính xác về số lượng các quán ăn nhanh, nhà hàng do người Việt làm chủ, nhưng gần 100 là con số ước đoán khiêm tốn nhất.

Người Séc thích các món ăn Việt Nam. Điều này có thể thấy rõ bằng con đường trực quan - ở một số tuyến phố ở trung tâm Praha san sát các quán ăn nhanh và nhà hàng Việt, thực khách khá đông. Nhiều người Séc đưa cả gia đình đến Trung tâm thương mại Praha (ở khu vực vắng vẻ tại rìa thủ đô Praha) vào các ngày cuối tuần chỉ để ăn phở, nem cuốn hoặc bún chả.

Sự quan tâm của người Séc đối với ẩm thực Việt Nam còn thể hiện qua tần suất đưa tin trên báo chí và con số thống kê. Kết quả một cuộc điều tra được đăng tải trên báo chí Séc đã khẳng định tình yêu của người dân nước này đối với ẩm thực Việt.

Trả lời câu hỏi: Bạn có thích các quán ăn Việt tại Praha không? thì có tới 85% số người "gật đầu." Về tần suất thưởng thức các món ăn Việt Nam, sẽ nhận được câu trả lời "thường xuyên" chiếm 67%, "rất thường xuyên" chiếm 19% và "hằng ngày" chiếm 1%. Về cảm nhận đối với các món ăn truyền thống của Việt Nam như phở bò và phở gà, có tới 52% số người trả lời "rất ngon" và 37% muốn nếm thử.

Theo báo chí Séc, nhiều năm trước các quán ăn Việt Nam phải mượn danh “Những món ăn nhanh Trung Quốc,” nhưng thực khách bản địa rất nhanh chóng học được cách phân biệt ẩm thực Việt Nam đích thực và tỏ ra thích thú. Bởi vậy những cái tên Trung Quốc được thay bằng tên Việt và thực đơn cũng biến đổi theo. Người Việt Nam hiểu rằng mình đang có trong tay "mỏ vàng" để khai thác-văn hóa ẩm thực.

Một tờ báo Séc nhận xét về món phở Việt Nam: "Đây là sự kết hợp chặt chẽ và lôi cuốn của món nước phở bò cùng với thịt, phở, hành, tất cả đồng thời tạo nên vị ngon đặc biệt nhờ có mùi thơm khác biệt của rau và gia vị. Phở bò còn hơn cả chất kích thích sinh lực tuyệt vời bởi nó cung cấp nguồn năng lượng lớn ngay tức thì..."

Thái độ phục vụ của các quán ăn, nhà hàng Việt cũng được đánh giá là "dễ chịu." Nhà báo Tomáš Procházka mô tả về một ông chủ quán tên Minh: "Ông chủ cửa hàng rất quan tâm đến thái độ phục vụ thực khách. Ông biết rằng cuộc sống của ông phụ thuộc vào khách đến ăn và không muốn họ đi quán khác và đến với chủ quán khác.

Trong lúc thăm quán chúng tôi đã được người chủ cửa hàng này khẳng định rằng người vợ đã học tại một trường dạy nấu ăn ở Việt Nam. Hầu hết những món đặc sản có trong thực đơn đều do vợ chồng chủ quán chế biến và có vị khá đặc biệt."

Người ta thường bảo rằng con đường ngắn nhất đến trái tim đàn ông là qua dạ dày. Điều này cũng đúng với thực khách bản địa nói chung, cả nam lẫn nữ. Có những người Séc đến Việt Nam rồi mới biết ẩm thực Việt. Nhưng rất nhiều người khác biết, quan tâm rồi yêu mến Việt Nam qua các món ăn đặc thù đã trở thành "thương hiệu quốc tế."

Nếu nói ẩm thực là "sứ giả văn hóa Việt trên đất Séc" thì cũng không bị coi là ngoa ngôn.

Chúng tôi đã tham dự nhiều Ngày Văn hóa Việt, Tuần Văn hóa Việt ở Cộng hòa Séc, Tuần lễ ẩm thực châu Á, ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tại Praha cũng như các tỉnh, thành phố khác. Không thể thiếu trong các hoạt động đó là tiết mục trình diễn chế biến các món ăn Việt và mời khách thưởng thức. Đây là chương trình được những người Séc tham dự chờ đợi và hưởng ứng nhiệt tình nhất.

Ẩm thực không có nghĩa là đưa thức ăn vào dạ dày. Nó là định nghĩa hẹp về một nền văn hóa, về triết lý nhân sinh, về lối sống và sự khéo léo, sáng tạo của cả một dân tộc. Nói một cách khác, văn hóa ẩm thực là nét văn hóa tự nhiên hình thành trong cuộc sống. Ẩm thực không chỉ là nét văn hóa về vật chất mà còn là văn hóa về tinh thần.

Qua ẩm thực chúng ta có thể hiểu được nét văn hóa thể hiện tính cách con người, trình độ văn hóa của dân tộc với những đạo lý, phép tắc, phong tục trong cách ăn uống… Cộng đồng nhập cư có thể phải thay đổi rất nhanh về trang phục và ngôn ngữ để hòa nhập với xã hội bản địa. Song ẩm thực dân tộc thì vẫn được những người con xa xứ gìn giữ lâu dài.

Vào một ngày đầu Thu, chúng tôi cũng đã có mặt tại buổi họp mặt của Hội những người yêu ẩm thực Việt Nam tại nhà hàng Hoàng Thành trong Trung tâm Thương mại Sapa. Thành viên 8 câu lạc bộ từ thiện ở Praha - gồm các doanh nhân thành đạt, các quan chức và những người bình thường giàu lòng nhân ái, hằng tháng lại gặp nhau để giao lưu.

Chủ đề cuộc gặp tháng Tám là "nghệ thuật ẩm thực và triết lý nhân sinh qua các món ăn." Không phải ngẫu nhiên mà nhà hàng Việt với các món ăn truyền thống, trong đó có nem cuốn, được lựa chọn. Sau màn trình diễn cuốn nem của các nhân viên nhà hàng, một thực khách Séc vốn là chuyên gia ẩm thực, đã nhận xét: "Món nem cuốn gồm bún, trứng tráng, thịt ba chỉ, giò thái sợi, tôm hấp, rau sống, nước chấm... thực sự là "quốc bảo" của nước Việt.

Chế biến đơn giản mà thanh tao, hấp dẫn, đủ vị, đủ màu sắc, chứa đủ năng lượng mà không gây ngấy, không gây béo, hợp với cả nam lẫn nữ, trẻ lẫn già. Đó không chỉ là món ăn mà là nghệ thuật chế biến và thưởng thức," thực khách này nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bánh dầy Quán Gánh

Bánh dầy Quán Gánh

Làng nghề bánh dầy Quán Gánh tại thôn Thượng Đình, xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội, có từ lâu đời được người dân nhiều đời gìn giữ. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)