Kể từ khi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) bán vé tàu Tết qua mạng vào ngày 1/12, phương thức bán vé điện tử thuận tiện và minh bạch đã giúp hành khách có thể chủ động đặt mua vé tàu, tìm chỗ ngồi phù hợp trong thời gian ngắn, đã nhận được sự ủng hộ của người dân.
Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên bán vé tàu Tết, ngành đường sắt và Công ty FPT-đơn vị cung cấp hệ thống bán vé điện tử đã phát hiện đối tượng dùng địa chỉ ảo để đầu cơ vé tàu.
Lập địa chỉ ảo, đầu cơ vé tàu
Theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR, tốc độ bán vé tàu điện tử bình quân đạt gần 12.000 vé/ngày. Những ngày cao điểm mở bán, có thời điểm đông người truy cập một lúc trên hệ thống là 30.000 lượt. Với dung lượng này thì hệ thống hoàn toàn đáp ứng yêu cầu (2 triệu lượt truy cập cùng lúc) vẫn đảm bảo thông suốt, không bị quá tải và nghẽn mạng.
Đánh giá về lượng truy cập mua vé tàu điện tử, ông Hoạch cho rằng, toàn hệ thống đã phục vụ tốt việc bán vé qua mạng internet, qua hệ thống bưu điện, ngân hàng Quốc tế (VIB) và qua trực tiếp tại các nhà ga của ngành đường sắt. Đây là kết quả bước đầu khá thành công của Công ty FPT và VNR.
“Phương thức bán vé điện tử thuận tiện và minh bạch đã giúp hành khách có thể chủ động tìm kiếm vé tàu, chỗ ngồi phù hợp trong thời gian ngắn đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Ngoài ra hệ thống cũng giúp giảm ‘đầu cơ’ vé do toàn bộ thông tin về vé tàu đã được đưa lên mạng internet, hỗ trợ ngành đường sắt nhanh chóng nắm bắt nhu cầu, tình hình vé bán thực tế một cách nhanh chóng và thuận tiện để đưa ra kế hoạch điều hành sản xuất phục vụ hành khách,” vị Phó Tổng giám đốc VNR nói.
Đề cập đến việc trong những ngày đầu tiên bán vé tàu Tết qua mạng, đã có khoảng 324 vé tàu được đặt thành công trên mạng nhưng người dân không nhận được vé, ông Hoạch chỉ ra nguyên nhân là do hành khách chuyển đổi phương thức thanh toán...
Ngoài ra, các đơn vị đã phối hợp và tìm ra hơn 20 địa chỉ ảo trên mạng dùng đề đầu cơ vé tàu. VNR đã cùng với FPT khắc phục tình trạng này, không để lan rộng và đảm bảo quyền lợi của hành khách.
Theo đại diện của FPT, 20 trường hợp mua vé ảo là các trường hợp mua vé mà khai thông tin sai như: Họ và tên đăng ký mua vé chỉ có chữ “A,” số điện thoại không tồn tại, email sai, số chứng minh thư không đúng. Do đó, các trường hợp này đều không thể mua được vé.
Nhằm hỗ trợ hành khách gặp sự cố khi thực hiện thao tác mua vé trên mạng, VNR đã kéo dài thêm thời gian giữ vé cho khách từ 10 phút lên 30 phút, kéo dài thời gian giữ chỗ của phương thức thanh toán trực tuyến từ 24 lên 48 giờ.
Khẳng định việc đặt chỗ trên internet, bưu điện, ngân hàng hay tại ga thì cơ hội mua vé của tất cả hành khách là như nhau, theo ông Hoạch, nhà ga không có quyền can thiệp vào kho vé. Do đó, quan niệm đến nhà ga mua vé tàu mới yên tâm không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
Không thể mua hộ vé
Ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc VNR cho biết, mục tiêu khi xây dựng hệ thống này, hành khách phải được hưởng dịch vụ thân thiện, giao diện đơn giản, dễ dùng, chống đầu cơ “vé chợ đen.”
“Bài toán mà VNR đặt hàng FPT là làm thế nào để cả Tổng Giám đốc cũng không can thiệp được khi có người nhờ mua giúp mới đạt yêu cầu. Bây giờ không thể mua hộ vé,” ông Tùng nói.
Liên quan đến việc vẫn còn hiện tượng “cò” vé lừa hành khách, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR thừa nhận, qua thực tế kiểm tra tại ga Sài Gòn, hiện tượng “cò” vé là có thật.
Ga Sài Gòn có hiện tượng khai Chứng minh nhân dân ‘rởm’ để mua vé... Thậm chí, các “cò” vé tuyên bố có thể lo được cho hành khách lên tàu. Tuy nhiên, đây chỉ là chiêu lừa bịp người nhẹ dạ.
“Ngành đường sắt đã quy định bán vé tàu qua mạng phải ghi số Chứng minh nhân dân của hành khách để hệ thống lưu và in trên vé nhằm đảm bảo quyền lợi cho những ‘Thượng đế’ có nhu cầu đi tàu thực sự. Nếu số Chứng minh nhân dân không khớp trên vé, coi như không hợp lệ,” ông Thành khẳng định.
Đưa ra lời khuyên đối với hành khách mua vé, ông Thành đề nghị, những người dân không đủ điều kiện về trình độ để tiếp cận công nghệ tin học thì có thể đến 6.000 bưu cục của Tổng Công ty Bưu điện hoặc các cửa nhà ga để đặt mua vé.
Thời gian tới, VNR vẫn tiếp tục nhận những thông tin phản ánh từ người sử dụng về hệ thống bán vé điện tử bằng nhiều hình thức như: tại nhà ga, qua phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tổng đài hỗ trợ… để ghi nhận các ý kiến từ đó hoàn thiện hệ thống.
Ngoài ra, VNR sẽ đề xuất với các cơ quan chức năng cho phép sử dụng vé điện tử thay thế vé giấy truyền thống để người dân không cần ra ga in vé mà có thể trực tiếp cầm vé điện tử để đi tàu./.