Bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu tại thành phố Huế

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu tại thành phố Huế để bảo tồn, trong đó tại thành phố Huế có 11 công trình.
Bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu tại thành phố Huế ảnh 1Bảo tàng Văn hóa Huế, số 25 Lê Lợi, thành phố Huế được xây dựng trên khu đất có diện tích 5.942m2, theo kiến trúc Pháp cổ. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu tại thành phố Huế để bảo tồn.

Trong số đó, tại thành phố Huế có 11 công trình kiến trúc do các cơ quan nhà nước quản lý như Đại học Huế, Trường Quốc học, Ga Huế, Trụ sở Bảo tàng Văn hóa Huế, Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị...; 16 công trình còn lại thuộc sở hữu các tổ chức và hộ cá nhân khác.

Có thể thấy rằng các công trình kiến trúc Pháp còn lại trên đất cố đô mang dấu ấn tiêu biểu.

Bảo tàng Văn hóa Huế, số 25 Lê Lợi, thành phố Huế được xây dựng trên khu đất có diện tích 5.942m2, theo kiến trúc Pháp cổ gồm hai khối nhà, nhà làm việc 2 tầng tổng diện tích 798m2...

Riêng nhà làm việc 3 tầng có tổng diện tích 1.422m2, diện tích sàn mỗi tầng là 473m2, hành lang rộng 2,2m. Cầu thang lên xuống chung, kết cấu toàn bộ ngôi nhà kiểu tường gạch với sắt chữ I chịu lực phổ biến hồi đầu thế kỷ XX.

Mặc dù trải qua thời gian dài nhưng công trình kiến trúc này vẫn là một tổng thể hoàn chỉnh có liên hệ mật thiết giữa kiến trúc và cảnh quan.

Trung tâm Văn hóa thanh niên thành phố Huế trước kia là L’Accueil (Nhà đón khách), được xây dựng năm 1939. Tòa nhà tiêu biểu sinh động cho lối kiến trúc khai thác và ứng dụng tích cực những yếu tố thời tiết, khí hậu, văn hóa bản địa.

[Thắp sáng, tạo điểm nhấn về đêm cho du lịch Huế]

Thời gian qua, một số kiến trúc Pháp ở Huế đã bị phá dỡ để xây mới trong đó có Cửa hàng Chaffanjon (cửa hàng số 1) ở góc ngã sáu đường Hà Nội, Ngân hàng Đông Dương, biệt thự ở đường Lý Thường Kiệt...

Mới đây nhất, tháng 4/2017, ngôi biệt thự Pháp ở số 5 Lý Thường Kiệt, trước mặt khách sạn Heritage cũng bị đập bỏ. Vì thế, theo kết quả khảo sát thực địa của cơ quan chuyên môn, năm 2000, thành phố Huế còn khoảng 240 công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp nhưng đến nay, con số này đang giảm dần theo từng năm.

Nhiều công trình kiến trúc cổ bị phá dỡ do hết niên hạn sử dụng, có công trình bị thay đổi cải tạo như: Khách sạn Sài Gòn Morin, từ 2 tầng lên 4 tầng; Chi nhánh ngân hàng Đông Dương bị đập bỏ để xây dựng Trung tâm Học liệu Đại học Huế.

Trước thông tin Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu để bảo tồn, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại liệu các công trình không nằm trong danh mục này có được bảo tồn hay không.

Đơn cử như ngôi biệt thự 26 Lê Lợi, hiện đang là trụ sở Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên-Huế - công trình kiến trúc Pháp có giá trị nhưng không được đưa vào danh sách các công trình kiến trúc Pháp cần được bảo tồn. Công trình hiện nằm trong khu vực quy hoạch phát triển du lịch nên có khả năng bị đập bỏ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế nêu ý kiến việc đề ra các tiêu chí để lựa chọn 27 công trình này không rõ ràng. Ví như bảo tồn công trình "mang giá trị kiến trúc Pháp" hay "kiến trúc xây dựng thời Pháp." Bởi lẽ, trong danh mục này có nhà thờ Phủ Cam (xây dựng vào năm 1960) và nhà thờ Dòng chúa cứu thế không phải xây dựng vào thời Pháp thuộc.

Lý giải vấn đề này, ông Hoàng Hải Minh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, việc lựa chọn các công trình kiến trúc Pháp còn lại trên đất Huế dựa trên năm tiêu chí: công trình có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật; giá trị lịch sử; chất lượng hiện trạng công trình; đảm bảo khả năng an toàn cho việc tiếp tục sử dụng; đảm bảo phù hợp, cảnh quan khu vực, quy hoạch không gian được phê duyệt.

Vì thế, theo ông Minh, danh sách này không dừng lại 27 công trình mà sẽ tiếp tục bổ sung thêm các công trình cần bảo tồn trong thời gian tới.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục