Bệnh tan máu bẩm sinh tiềm ẩn trong cộng đồng dân tộc thiểu số

Bệnh tan máu bẩm sinh đang tiềm ẩn khá lớn trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và là một trong những bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng dân số.
Bệnh tan máu bẩm sinh tiềm ẩn trong cộng đồng dân tộc thiểu số ảnh 1Điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh Thalasemia tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) đang tiềm ẩn khá lớn trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và là một trong những bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng dân số với tỷ lệ người mang gen bệnh khoảng 23%.

Để tăng cường các biện pháp giảm thiểu bệnh tan máu bẩm sinh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền, nghiên cứu, triển khai các giải pháp chủ động phòng tránh bệnh và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài. Đặc biệt, tổ chức lấy máu xét nghiệm để phát hiện gen bệnh, tư vấn và sàng lọc trước sinh tại địa phương.

Hiện buồng truyền máu, khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình chỉ có 10 giường bệnh nhưng lúc nào cũng có từ 15-20 bệnh nhân nhi nằm chờ đợi để được truyền máu.

Anh Bùi Văn Hoàn ở xóm Đam, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) đang chăm con là bệnh nhi Bùi Đức Dũng (sinh năm 2001) tại đây cho biết đều đặn 11 năm nay, một tháng hai lần, gia đình phải đưa con đi truyền máu. Nhiều lúc khó khăn nhưng nhìn con đau đớn, không đành lòng, gia đình lại cố gắng chạy vạy, vay mượn khắp nơi để đưa con đi bệnh viện.

Bác sỹ Đinh Thị Diệu, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình trăn trở bệnh nhân mắc chứng bệnh tan máu bẩm sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện vùng sâu, vùng xa. Việc điều trị bệnh tan máu bẩm sinh không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Có thời điểm bệnh viện thiếu máu nên bệnh nhân tan máu bẩm sinh phải nằm viện dài ngày để chờ máu và nếu được truyền thì cũng không đủ với chỉ định.

Trung bình một bệnh nhi phải truyền từ 4-6 đơn vị máu/lần, 6-8 lần/năm, bệnh nặng phải truyền 1 lần/tháng. Ước tính lượng máu cần truyền riêng cho bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh chiếm khoảng 60% tổng lượng máu khoa cần.

Từ năm 2009, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã tích cực phối hợp với Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Nhi Trung ương triển khai mô hình can thiệp giảm thiểu mắc bệnh tan máu bẩm sinh tại ba xã Vĩnh Đồng, Đú Sáng, Nam Thượng của huyện Kim Bôi.

Đến năm 2013, mô hình đã được triển khai đến 100% số xã của tất cả các huyện trong tỉnh. Hiện Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đang nỗ lực thành lập Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán bệnh tan máu bẩm sinh, nhằm đẩy mạnh các hoạt động giảm tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng và bệnh nhân không phải lên tuyến trên điều trị, đồng thời, làm các kỹ thuật như tổng phân tích tế bào máu, huyết đồ, tủy đồ, sức bền hồng cầu và sinh hóa máu.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương - Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hòa Bình cho biết bệnh tan máu bẩm sinh đến nay chưa có biện pháp chữa khỏi nhưng có thể phòng tránh bằng cách sàng lọc, phát hiện người mang gen ẩn và tư vấn trước hôn nhân để nam-nữ mang gen bệnh không kết hôn với nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục