Ngày 23/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành các quyết định phê duyệt đơn giá đất để bồi thường đất thực hiện dự án Vành đai 3.
Theo thống kê sơ bộ, có gần 1.500 hộ dân tại ba thành phố của Bình Dương phải bàn giao mặt bằng cho dự án Vành đai 3 đi qua.
Dự án có tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 13.528 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2026.
Cụ thể có ba quyết định phê duyệt đơn giá bồi thường cho dự án Vành đai 3 tại thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An được ban hành.
Theo quyết định số 1323 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, ở thành Thủ Dầu Một, đơn giá đất bồi thường từ 4 triệu đồng/m2 đến cao nhất là trên 42 triệu đồng/m2 đất thổ cư nằm ở đoạn đường Đại lộ Bình Dương (Quốc lộ 13) đoạn từ Suối Cát đến ngã 4 sân banh (tùy từng vị trí).
Những vị trí đất có đơn giá cao chủ yếu nằm trên đường Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước-Tân Vạn. Còn các vị trí khác ở các con đường nhỏ, trong hẻm, đất nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh, đất phi nông nghiệp thì có đơn giá thấp hơn.
Còn tại thành phố Thuận An, theo quyết định số 1321 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, đơn giá đất đô thị dao động từ 4 triệu đồng/m2 đến cao nhất 41,7 triệu đồng/m2 đất thổ cư nằm ở đoạn đường Cách mạng tháng 8 (đoạn ngã tư Cầu Cống đến ranh giới địa bàn Thủ Dầu Một).
Tương tự, theo quyết định số 1322 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, thành phố Dĩ An đơn giá cao nhất khoảng hơn 41,9 triệu đồng/m2 đất thổ cư nằm ở Xa lộ Hà Nội (đoạn ranh giới giữa tỉnh Đồng Nai đến ranh giới quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh).
Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Thuận An (Bình Dương) trong tháng 6/2023 sẽ phấn đấu giải ngân tối thiểu 30% (khoảng hơn 500 tỷ đồng).
[Hơn 19.000 tỷ đồng đầu tư dự án đường vành đai 3 đoạn qua Bình Dương]
Còn theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương dự kiến đến cuối tháng 6/2023 sẽ khởi công dự án Vành đai 3 đi qua Bình Dương. Tuy nhiên, để làm được điều này, các ngành, các địa phương đang phải nỗ lực đẩy nhanh tiến độ công việc.
Bên cạnh việc chi tiền bồi thường, cũng phải hoàn thiện các thủ tục phê duyệt thiết kế, mời thầu…
Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 76,34km, đi qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Dự án được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập, có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng.
Riêng đoạn qua tỉnh Bình Dương gồm dự án thành phần 5 bao gồm: nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi (cầu vượt sông Sài Gòn nối Bình Dương-Thành phố Hồ Chí Minh), trị giá 5.752 tỷ đồng.
Dự án thành phần 6 bao gồm bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vành đai 3 qua Bình Dương, chiếm nhiều vốn nhất, tới 13.528 tỷ đồng.
Tổng chiều dài tuyến vành đai 3 qua địa bàn tỉnh Bình Dương hơn 26km, trong đó dự án thành phần 2B-Nút giao Tân Vạn dài 2,53km; đoạn Bình Chuẩn-sông Sài Gòn dài 8,23km; đoạn trùng đường Mỹ Phước-Tân Vạn dài 15,3km.
Tổng diện tích bị ảnh hưởng của dự án hơn 119ha với 936 hộ gia đình bị ảnh hưởng, dự kiến bố trí tái định cư cho 515 hộ dân bị giải tỏa trắng.
Về quy mô đầu tư dự án gồm 8 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng.
Quy mô giai đoạn hoàn thiện đối với phần đường cao tốc là 8 làn xe với vận tốc thiết kế 100 km/h.
Đối với phần đường song hành hai bên sẽ bố trí tối thiểu 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe hỗn hợp mỗi bên, vận tốc thiết kế 60 km/h với tổng mức đầu tư là 19.280 tỷ đồng./.