Bộ Giao thông Vận tải trình 4 phương án đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ 4 phương án đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Nhà ga tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam)
Nhà ga tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam)

Nhà ga hành khách T3 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) có thể sẽ được đầu tư bằng 4 phương án như giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV-Người khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp); sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư; đầu tư xây dựng theo hình thức PPP (công-tư).

Đây là điểm nhấn được Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

[Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất: Hơn 1 nhà đầu tư, phải đấu thầu cạnh tranh]

Với phương án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, phía Bộ Giao thông Vận tải cho rằng không có tính khả thi do theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Đầu tư công, Bộ sẽ tổ chức triển khai thực hiện đầu tư khi được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư.

Hơn nữa, trong kế hoạch trung hạn đã được giao cho Bộ Giao thông Vận tải chưa cân đối được nguồn vốn cho dự án này. Thời gian thực hiện dự án cũng vì thế mà có thể bị kéo dài hơn do phải cân đối nguồn vốn.

Phương án thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư trước đây cũng đã được Bộ Giao thông Vận tải triển khai tại dự án nhà ga hành khách quốc Đà Nẵng và Cam Ranh, tuy nhiên, hiện còn có cách nhìn nhận khác nhau về phương án này và đang được tiếp tục làm rõ liên quan đến cơ sở pháp lý, hình thức đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, việc giao/cho thuê đất cũng như lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư…

Đối với phương án đầu tư xây dựng theo hình thức PPP, thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận sẽ đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia qua đó giúp giảm chi phí đầu tư, đem lại lợi ích cho nhà nước và xã hội.

Tuy nhiên, tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ACV đang quản lý khai thác sân đỗ, nhà ga hành khách T1, T2... Trường hợp có nhà đầu tư mới sẽ phải được đào tạo và cấp chứng chỉ. Khi đó, quá trình vận hành, khai thác phức tạp hơn do phải có sự phối hợp, thống nhất của ACV và nhà đầu tư vì có lợi ích ảnh hưởng lẫn nhau.

Mặt khác, nếu chọn phương án này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiến hành tổ chức công bố danh mục; lập dự án, sơ tuyển nhà đầu tư; lập hồ sơ mời thầu và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán, cấp phép đầu tư và ký kết hợp đồng theo quy định của Nghị định số 63/2018. Thời gian thực hiện theo quy trình thông thường (đấu thầu quốc tế) khoảng 57 tháng hoặc khoảng 50 tháng sau khi chủ trương đầu tư được, theo quy trình đặc thù khi lựa chọn thầu có thể rút ngắn thêm 6 tháng.

Với việc phân tích những ưu nhược điểm trên, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chọn phương án giao ACV đầu tư nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vì đây là doanh nghiệp Nhà nước được giao đầu tư các dự án có hiệu quả tài chính để bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết.

[Hơn 11.000 tỷ đồng xây thêm nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất]

Để đảm bảo công bằng, minh bạch, ACV tiến hành thủ tục đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế, nhà thầu xây lắp qua đó giúp giảm chi phí đầu tư, đem lại lợi ích cho nhà nước và xã hội.

Bên cạnh đó, ACV khai thác nhà ga hành khách T3 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả, linh hoạt dây chuyền phục vụ với các nhà ga hiện có (T1, T2) sẽ tối ưu và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản.

Điểm đáng chú ý đó là ACV đã cân đối đủ vốn để triển khai thực hiện xây dựng nhà ga hành khách T3. Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, ACV sẽ triển khai ngay dự án với thời gian dự kiến hoàn thành đưa dự án vào khai thác sau 37 tháng kể từ khi chủ trương đầu tư được duyệt./. 

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do ACV lập, nhà ga T3 có công suất 20 triệu hành khách/năm, diện tích sàn 100.000m2, mở rộng sân đỗ trên diện tích 4.650m2. Khái toán tổng mức đầu tư khoảng 11.430 tỷ đồng, thời gian xây dựng 43 tháng.

Năm 2018, sản lượng hành khách thông qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt hơn 38,3 triệu hành khách. Nhà ga quốc nội đã khai thác 23,4 triệu hành khách (vượt 1,56 lần công suất thiết kế), nhà ga quốc tế đã khai thác 14,8 triệu hành khách (vượt 1,14 lần công suất thiết kế), chất lượng dịch vụ còn hạn chế.

Trong các năm tới nhu cầu tăng trưởng của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự báo vẫn đạt trung bình từ 10-15%/năm giai đoạn đến năm 2020 và 6-10% giai đoạn đến năm 2025.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục