Đại biểu Quốc hội tranh luận gay gắt với Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói về việc xử lý sai phạm tại 8B Lê Trực?

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, trách nhiệm xử lý sai phạm tại tòa nhàn 8B Lê Trực và tổ hợp HH Linh Đàm thuộc về thành phố Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói về việc xử lý sai phạm tại 8B Lê Trực? ảnh 1Công trường phá dỡ công trình 8B Lê Trực. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Việc xử lý vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực và tiến độ di dời các cơ quan, công sở, trường học khỏi nội thành Hà Nội là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tại phiên chất vấn chiều 4/6 (trong khuôn khổ Kỳ họp thứ bảy - Quốc hội khóa XIV).

Bộ “đá” trách nhiệm về địa phương

Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Hồng (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) đặt câu hỏi về quan điểm và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng trong việc xử lý dứt điểm sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực.

Trả lời chất vấn của đại biểu tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết việc xử lý vi phạm là trách nhiệm của thành phố Hà Nội.

“Theo thông tin chúng tôi được biết, hiện nay, Hà Nội đang thực hiên cưỡng chế phá dỡ phần vi phạm. Việc cưỡng chế, phá dỡ các tầng xây quá quy định (phần theo chiều ngang của công trình) đã làm. Tuy nhiên,  phần dỡ theo chiều dọc tòa nhà liên quan đến kết cấu và khả năng chịu lực của công trình. Nếu phía Hà Nội yêu cầu, Bộ Xây dựng sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để phá dỡ, phối hợp với Hà Nội cùng đề ra phương án xử lý hợp lý,” Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.

[Vụ 8B Lê Trực: Hoàn thành hạ cẩu tháp để đảm bảo an toàn]

Không đồng tình với câu trả lời của “tư lệnh ngành" xây dựng, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng tiếp tục tranh luận: “Bộ trưởng nói ‘nếu Hà Nội yêu cầu Bộ phối hợp thì Bộ sẵn sàng hỗ trợ’ là không đúng với chức năng quản lý nhà nước của Bộ. Vấn đề cử tri quan tâm là đến bao giờ, vấn đề đó được xử lý dứt điểm. Nếu Bộ trưởng trả lời như vậy thì rõ ràng, trách nhiệm chỉ thuộc về phía Hà Nội.”

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói về việc xử lý sai phạm tại 8B Lê Trực? ảnh 2Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng không đồng tình với nhiều phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà. (Ảnh: TTXVN)

Trao đổi kỹ hơn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, trách nhiệm không thể đẩy hết về phía địa phương như vậy! “Trong khi trách nhiệm của các Bộ là tham mưu cho Chính phủ giải quyết vấn đề khó khăn, tồn tại của địa phương. Địa phương gặp khó thì mới phải đi hỏi Bộ. Vậy mà Bộ chỉ trích dẫn văn bản pháp luật, thậm chí gây khó địa phương,” ông Hồng nói.

Tuy nhiên, khi tiếp tục trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng một lần nữa nhấn mạnh: “Từ tháng 8/2017, Bộ đã có văn bản đôn đốc Hà Nội thực hiện biện pháp và khắc phục hậu quả sai phạm của dự án, đảm bảo kết cấu chịu lực và an toàn cho người dân. Bộ cũng đã giao Cục Giám định Nhà nước cùng với Sở Xây dựng Hà nội đánh giá kết cấu chịu lực của công trình. Chúng tôi luôn chủ động phối hợp với Hà Nội để giải quyết vấn đề. Nếu Hà Nội tiếp tục có yêu cầu gì thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ.”

Ngoài ra, khi được hỏi về trách nhiệm trong việc xử lý sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh tại tổ hợp HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng: “Vi phạm đã được xác định rồi, trách nhiệm xử lý là của Hà Nội, không phải của Bộ Xây dựng.”

Tiến độ di dời trụ sở các cơ quan ra ngoại thành Hà Nội rất chậm

Liên quan đến việc di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở y tế, đào tạo, dạy nghề ra ngoại thành Hà Nội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề này đã được quy định tại Luật Thủ đô và nhiều văn bản khác của Uỷ ban Nhân dân Hà Nội. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có Quyết định số 130/QĐ-TTg (ngày 23/01/2015) về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về lý do tiến độ di dời trụ sở các cơ quan ra ngoại thành Hà Nội rất chậm, ông Phạm Hồng Hà cho biết, vấn đề này liên quan tới nhiều cơ quan, ban, ngành. Ví dụ, Bộ Xây dựng được giao lập danh mục và biện pháp di dời. Bộ Y tế có trách nhiệm lập danh sách các bệnh viện, cơ sở y tế cần di dời. Bộ Giáo dục có trách nhiệm lập danh mục, tiêu chí, lộ trình di dời cơ sở giáo dục đào tạo. Bộ Tài chính có nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách tài chính để khai thác quỹ đất trụ sở nội đô, đề xuất phương án án tài chính để đầu xây dựng trụ sở mới…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói về việc xử lý sai phạm tại 8B Lê Trực? ảnh 3Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 4/6. (Ảnh: TTXVN)

“Tuy nhiên, hiện nay, tiến độ thực hiện còn chậm dù Hà Nội đã bố trí quỹ đất cho một số địa điểm di dời, lập danh mục phải di dời. Hiện nay, mới có Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai... đã di dời. Với các cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo nghề, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa hoàn thành lập danh mục cũng như tiêu chí di dời,” ông Phạm Hồng Hà cho hay.

Với câu trả lời Bộ trưởng Phạm Hồng Hà về trách nhiệm của ngành xây dựng trong việc di dời trụ sở các cơ quan ra ngoại thành Hà Nội, bà Trần Thị Dung (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) bày tỏ quan điểm không đồng tình. Nữ đại biểu cho rằng, nhiều quy định trong Luật Thủ đô (trong đó có việc di dời trụ sở các cơ quan ra khỏi nộị thành Hà Nội) đã không được thực hiện nghiêm túc.

“Quyết định của Thủ tướng cũng quy định rõ trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị nhưng việc di dời trụ sở các cơ quan ra khỏi nội thành Hà Nội. Bộ Xây dựng có trách nhiệm trong việc di dời các cơ sở khỏi nội đô Hà Nội. Vấn đề có thể thấy hiện nay là, trong số chín cơ quan được di dời thì có tới bảy cơ sở vẫn giữ đất cũ trong nội đô, chưa có khu đất nào được sử dụng cho mục đích công cộng. Các trường học, bệnh viện cũng ngày càng bị tăng tải, đi ngược với xu hướng giảm tải dân số nội đô. Như vậy là một số quy định luật Thủ đô chưa được quan tâm thực hiện?” - đại biểu Trần Thị Dung nêu quan điểm.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau phiên chất vấn, Bộ Xây dựng phải làm việc với các Bộ để tìm biện pháp giải quyết các vấn đề tồn tại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.