Đại diện Bộ Xây dựng cho biết trước thực trạng nhu cầu vật liệu ngày càng tăng, cơ quan này đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương đưa ra các giải pháp gỡ khó, trong đó xác định phát triển vật liệu thay thế cát tự nhiên là vấn đề cấp thiết.
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, nhu cầu sử dụng vật liệu thay thế cát sông để phục vụ cho các Dự án trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, Sân bay Long Thành và một số dự án phát triển kinh tế xã hội tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từ nay đến năm 2025 và năm 2030, là rất lớn; ước tính khối lượng dự kiến lên tới 100 triệu m3.
Trước thực tế nêu đó, thời gian qua, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất cát nghiền thay thế cát tự nhiên, đẩy mạnh việc xử lý tro xỉ làm vật liệu san lấp, vật liệu tái chế từ chất thải ngành công nghiệp.
Ngoài ra, để kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng cát biển thay thế cát tự nhiên (cát sông) phục vụ các dự án của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Đồng Tháp nói riêng, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ Giao thông vận tải, Xây dựng thực hiện dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long,” trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
[Hoàn trả Nhà nước gần 16 tỷ đồng chi phí thăm dò tiềm năng khoáng sản]
Trên cơ sở đó, dự án đã lựa chọn vị trí có tiềm năng khai thác nguồn cát biển thay thế cát tự nhiên và đảm bảo hiệu quả kinh tế là vùng biển Sóc Trăng, với tài nguyên dự báo khoảng 13,9 tỷ m3, phân bố ở 6 vùng; trong đó có 335 triệu m3 có thể làm cát bê tông, số còn lại có thể sử dụng làm cát xây trát và vật liệu san lấp.
Về phía Bộ Xây dựng, cơ quan này cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, tính toán cân đối cung cầu cát xây dựng và vật liệu san lấp, sử dụng vật liệu thay thế có sẵn tại địa phương, hạn chế sử dụng cát tự nhiên khai thác từ lòng sông; đặc biệt sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa thay thế cát tự nhiên.
Bên cạnh đó, cơ quan đầu ngành về xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu công nghệ tuyển rửa cát biển, phụ gia sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng; nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, định mức xử lý tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng./.