Cải thiện giao thông TP Hồ Chí Minh: Gỡ những điểm nghẽn

Dù nguồn lực đầu tư không đạt theo kế hoạch, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai, thực hiện được nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký, giúp tạo thêm trục hướng ngoại cho giao thông Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký, giúp tạo thêm trục hướng ngoại cho giao thông Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Trong giai đoạn 2016-2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung các nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, đồng thời khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu… Nhờ đó, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trong thời gian qua cơ bản được kiểm soát.

Tuy nhiên, những vấn đề như khó khăn về nguồn vốn và vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, phương tiện giao thông tiếp tục tăng, các giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân chưa được triển khai, chưa có loại hình vận tải khối lượng lớn…, đã ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an toàn giao thông và khả năng không thể hoàn thành một số chỉ tiêu của Chương trình đột phá giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020.

Do vậy, trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh cần triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải.

TTXVN giới thiệu loạt bài về thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua, những kết quả tích cực cũng như tồn tại và định hướng tháo gỡ nhằm phát triển hạ tầng giao thông tại thành phố.

Bài 1: Gỡ những điểm nghẽn

Dù nguồn lực đầu tư không đạt theo kế hoạch, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai, thực hiện được nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng. Nhiều dự án hoàn thành, đưa vào khai thác đã tạo nên điểm sáng cho giao thông thành phố, nhất là các khu vực cửa ngõ.

Từ hạ tầng đường bộ…

Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã hoàn thành 51/172 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn (tỷ lệ 29,65%). Nhiều công trình giao thông trọng điểm hoàn thành, đưa vào sử dụng giúp giảm áp lực tại các “điểm nút” như tại nút giao thông Mỹ Thủy, An Sương, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các nút giao Nguyễn Thái Sơn-Nguyễn Kiệm, Trường Sơn-Đường nối Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài…

Đặc biệt, thành phố đã đẩy nhanh thi công các công trình trọng điểm, gỡ những “điểm nghẽn” tại khu vực cửa ngõ phía Đông, phía Tây Bắc...

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông), cho biết chỉ từ tháng 8-10/2020, thành phố đã và sẽ có 8 công trình, dự án được Ban Giao thông thi công hoàn thành, đưa vào khai thác phục vụ người dân thành phố.

Nhưng, nổi bật nhất là đưa vào sử dụng toàn bộ dự án nút giao thông An Sương trong tháng 9/2020. Tại ngã tư An Sương, khu vực giao cắt giữa Quốc lộ 1 đi về Đồng bằng sông Cửu Long và Quốc lộ 22 đi cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh), luôn có áp lực giao thông rất lớn và là điểm đen về tai nạn giao thông nhiều năm qua.

Năm 2002, thành phố đã hoàn thành và đưa vào khai thác cầu vượt trên Quốc lộ 1 tại điểm giao cắt này. Tuy nhiên, do bến xe An Sương nằm ở khu vực này khiến tình trạng ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên xảy ra.

[Hoàn thành công trình đường Tô Ký kết nối vùng ven TP Hồ Chí Minh]

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, dự án nút giao thông An Sương hoàn chỉnh có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, tổ chức lưu thông hàng hóa; đặc biệt giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, điểm đen giao thông của thành phố trong nhiều năm.

Ông Lương Minh Phúc cho hay, giai đoạn 2021-2025, thành phố giao cho Ban Giao thông tiếp tục triển khai một số dự án nhằm tăng cường khả năng lưu thông khu vực cửa ngõ Tây Bắc như kết nối liên vùng: cải tạo, mở rộng Quốc lộ 22, dự án tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài và sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải thực hiện dự án đường Vành đai 3 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong 5 năm tới, hệ thống giao thông nói chung và đặc biệt cửa ngõ Tây Bắc thành phố, kết nối với Tây Ninh ngày càng ổn định, phát triển.

Cũng trong đầu tháng 10/2020, Ban Giao thông đã khánh thành công trình nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký (Hóc Môn), một dự án không chỉ giải quyết bài toán giao thông, mà còn giúp giảm ngập cho khu vực này. Những công trình, những con đường mới được đưa vào sử dụng, đã tạo nên diện mạo mới trong đời sống người dân.

Bà Bùi Thị Thanh Trà, chủ khách sạn trên đường Tô Ký (huyện Hóc Môn) cho biết, trước đây đường Tô Ký nhỏ hẹp, ngập úng và thường xảy ra tai nạn. Từ ngày mở rộng đường, người dân rất phấn khởi bởi con đường đẹp, không còn ngập úng, đi lại khó khăn như trước đây.

Khi nhà nước ban hành quyết định thu hồi đất để làm dự án là gia đình mình bàn giao ngay, khoảng hơn 20 m2 mặt tiền đường Tô Ký. Lúc đầu ảnh hưởng chút xíu, nhưng chấp nhận được và bây giờ rõ ràng tốt hơn, đường đẹp.

Điểm sáng Metro

Dù gặp một số trắc trở trong giai đoạn 2017-2018 do vi phạm trong thủ tục điều chỉnh dự án các tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (tuyến metro số 1 và số 2), nhưng đến nay các dự án này đã trở lại “bắt nhịp” và tạo được những bước chạy đà thuận lợi.

Cuối tháng 8/2020, các nhà thầu cũng đã triển khai thi công hạng mục kết nối với các nhà ga trên cao tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu giai đoạn triển khai đồng bộ kết nối các nhà ga của tuyến metro số 1 với những loại hình giao thông khác xung quanh nhà ga.

Cải thiện giao thông TP Hồ Chí Minh: Gỡ những điểm nghẽn ảnh 1Sau khi hoàn thành, tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn cho giao thông Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Ngày 30/9, Đoàn tàu đầu tiên thuộc Tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) đã chính thức rời cảng Kasado (Nhật Bản). Theo kế hoạch, đoàn tàu sẽ cập cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 8/10 và được vận chuyển về depot Long Bình trong ngày 10/10.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 dự kiến về đến thành phố ngày 10/10 sắp tới tạo động lực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án với mục tiêu đạt 85% tổng khối lượng năm 2020 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2021.

Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng của tuyến metro số 2 Thành phố Hồ Chí Minh (Bến Thành-Tham Lương) rất tích cực và nỗ lực khởi công xây dựng trong năm 2021. Dự án tuyến metro số 2 đi qua địa bàn của 6 quận gồm Quận 1, Quận 3, Quận 10, Quận 12, Tân Bình, Tân Phú. Tổng diện tích thu hồi là 251.136 m2, với 603 trường hợp bị ảnh hưởng.

Đến cuối tháng 8/2020, các quận đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành Quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ xây dựng tuyến metro số 2. Theo đó, các quận đã hoàn tất thủ tục ban hành quyết định cho 590/603 trường hợp (đạt 97,8%); trong đó Quận 1, Tân Bình, Tân Phú đạt 100%. Hiện mặt bằng nhà ga S10-Phạm Văn Bạch, S11-Tân Bình, nhà ga S5-Lê Thị Riêng… cũng đã được bàn giao.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, tuyến Metro 2 khó khăn nhất là đền bù, giải phóng mặt bằng, nhưng hiện nhận được sự hưởng ứng rất cao của người dân. Cơ bản đến lúc này, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đã rất tốt, còn một số trường hợp khó khăn, thành phố sẽ tập trung giải quyết. Cuối tháng 10/2020, sẽ ban hành các quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để triển khai dự án.

Trong khi đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa trình Hội đồng thẩm định nhà nước xin chủ trương đầu tư tuyến metro số 5, giai đoạn 1.

Đây là tuyến có vai trò rất quan trọng trong tổng thể mạng lưới đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn 1, tuyến metro số 5 sẽ kết nối tuyến metro số 1 và Metro số 2, chạy dọc hành lang đường Điện Biên Phủ, Bạch Đằng, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ. Đây là một trong những hành lang nối khu vực nội đô đi sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Dự án có chiều dài 8,9km, chủ yếu là đi ngầm, gồm 8 nhà ga, tổng mức đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD. Nếu mọi việc thuận lợi, dự án có thể được khởi công xây dựng vào năm 2025, chạy thử vào năm 2029 và đưa vào vận hành chính thức năm 2030.

Dù nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, nhưng việc đầu tư và đưa vào khai thác các công trình trọng điểm đã góp phần cải thiện tình hình giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Những công trình giao thông trọng điểm cùng với việc hình thành các tuyến Metro được chờ đợi sẽ tạo nên sức bật mới, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông tại thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục