Chiều 18/1, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết để thị trường bất động sản phát triển tốt hơn trong thời gian tới, phấn đấu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024, các doanh nghiệp bất động sản cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, hạn chế đầu tư dàn trải.
Thông tin thêm tại Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024: Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi,” diễn ra chiều nay, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh mặc dù thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu tích cực vào thời điểm cuối năm 2023, nhưng nhìn tổng thể năm qua vẫn là giai đoạn có nhiều khó khăn, thách thức đối với thị trường này.
63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng
Đại diện Bộ Xây dựng cho hay năm 2023, có 27 tỉnh công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.
Vì vậy, để thị trường bất động sản phát triển tốt hơn trong năm 2024, ông Sinh bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính); huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải.
Về hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp cần tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản; đảm bảo chất lượng sản phẩm khi trao đến tay khách hàng phải đảm bảo về tính pháp lý; đảm bảo chất lượng về thiết kế, công năng; bố trí đầy đủ về hạ tầng xã hội...
Về giá thành sản phẩm bất động sản, ông Sinh khuyến nghị các doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp tiết kiệm, giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền.
Ông Sinh cũng lưu ý Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua. Kết quả này cho thấy thị trường bất động sản đã được tháo gỡ với nhiều chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ, xem xét thực hiện chính sách hoãn nợ, giãn nợ, giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ đạo triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp…
Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, theo Bộ Xây dựng, đã có 27 tỉnh công bố danh mục 63 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện vay ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn khoảng 27.966 tỷ đồng.
Đến nay, một số dự án nhà ở xã hội trên cả nước đã được giải ngân 179,5 tỷ đồng. Cụ thể Công ty Minh Phương (Phú Thọ) được giải ngân 28,9 tỷ đồng; Công ty Kinh Bắc (Bắc Ninh) được giải ngân 46 tỷ đồng; liên doanh Công ty CP Nhà số 6 Hà Nội và Công ty Cổ phần tư vấn Toàn Cầu (Hà Nội) được giải ngân 93 tỷ đồng; Công ty HUD ở Bình Dương được giải ngân 11,6 tỷ đồng.
“Với những chính sách của Chính phủ, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị với những chính sách đã và đang triển khai thì trong năm 2024, thị trường bất động sản sẽ phục hồi, phát triển bền vững,” ông Sinh chia sẻ và nhấn mạnh Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm giúp cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững trong năm 2024.