Dắt con trai đến Bệnh viện Việt Đức khám miễn phí béo phì, chị N.T.H (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Mới 9 tuổi nhưng con đã nặng tới 62kg, con tăng cân nhanh chóng trong mấy năm gần đây khiến cho vận động, sinh hoạt khó khăn. Con ăn uống mất kiểm soát, hay ăn vặt, đói là ăn.”
Cậu bé L.T.A - con trai chị H kể với bác sỹ thói quen ăn uống của mình là thích ăn đồ ăn nhanh như xúc xích, thịt rán, gà rán KFC, thịt nướng, bánh kẹo, uống nước ngọt.
Cơ thể béo lên nhanh chóng cũng khiến cậu lười vận động, suốt ngày chỉ ngồi ôm chơi máy tính, xem tivi.
Còn với bé P.A.T (ở Long Biên, Hà Nội) 7 tuổi, nặng 51kg, sau khi được đưa đến khám béo phì, tư vấn giảm cân cho bé, thì gia đình rất bất ngờ khi bác sỹ chẩn đoán bé bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, cần phải ăn uống đủ chất.
“Sau khi khám dinh dưỡng, làm làm các xét nghiệm xong thì các bác sỹ chẩn đoán là bé bị thiếu vi chất khá nặng. Bố mẹ cần điều chỉnh, cho bé giảm cân nhưng vẫn phải cân bằng dinh dưỡng thì mới đảm bảo cháu phát triển đúng, khỏe mạnh cao lớn," chị H.T.Mai - mẹ bé T kể
Giải thích về trường hợp trẻ béo phì nhưng vẫn suy dinh dưỡng, Phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Cao Thị Thu Hương, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết nhiều phụ huynh lầm tưởng chỉ những trẻ gầy còm mới biếng ăn, suy dinh dưỡng. Thực tế trẻ béo phì là một dạng của biếng ăn đặc biệt, có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng thể ẩn nghiêm trọng.
[Số học sinh thừa cân, béo phì tại TP.HCM cao hơn bình quân cả nước]
Trẻ béo phì thường chỉ thích ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng (chất béo, chất đường, tinh bột, đạm). Ngược lại, các bé thường biếng ăn các thực phẩm giàu vi chất quan trọng như sắt, kẽm, canxi, phospho, các vitamin và khoáng vi lượng... Hậu quả là cơ thể trẻ bị thừa năng lượng dẫn đến béo phì nhưng lại thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu, gọi là suy dinh dưỡng thể ẩn hay "đói tiềm ẩn". Điều này có thể gây hậu quả khó lường cho trẻ.
Trẻ béo phì, thừa cân tăng gấp đôi trong 10 năm
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thừa cân, béo phì là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện trẻ béo phì đang là vấn đề báo động.
Tại Việt Nam, theo số liệu từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ béo phì đang có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 50%, Hà Nội với 41%.
Một thống kê tại Việt Nam năm 2021 cho thấy, đáng lưu ý, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Nguyên nhân gây béo phì ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng béo phì ở trẻ, trong đó phải kể đến các yếu tố sau:
- Di truyền: Tình trạng trẻ béo phì có ảnh hưởng đến gia đình. Trẻ em có cha mẹ, anh chị em béo phì thì trẻ sẽ có nguy cơ béo phì.
- Thói quen ăn uống: Nước uống có đường, thức ăn, nước uống có chứa nhiều chất béo và năng lượng cao. Ngoài ra, có một số cha mẹ hay cho trẻ ăn thêm vào những lúc trẻ xem tivi, làm bài tập (lúc đó trẻ không đói). Béo phì xảy ra khi trẻ ăn nhiều năng lượng hơn nhu cầu.
- Lười vận động, tập thể dục, xem tivi, sử dụng các thiết bị điện tử quá lâu.
- Một số nguyên nhân béo phì do bệnh lý liên quan, trong đó hay gặp nhất là các bệnh lý liên quan đến nội tiết như suy giáp, cường năng tuyến thượng thận, cường Insulin nguyên phát,
Tuy nhiên, trên thực tế có đến 60-80% trường hợp trẻ béo phì là do nguyên nhân dinh dưỡng. Trẻ có chế độ ăn giàu chất béo (thức ăn nhanh, thức ăn chiên xào…), chất bột đường (thức ăn nhiều đường gồm kem, chè, bánh ngọt, nước ngọt...) đều có liên quan chặt chẽ với tỷ lệ gia tăng béo phì.
Thông thường, khẩu phần ăn của trẻ thừa cân béo phì thường vượt mức nhu cầu cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Do đó, phần năng lượng dư thừa sẽ được chuyển hóa thành mỡ và sẽ được tích trữ ở các cơ quan trong cơ thể gồm mặt, cánh tay, ngực, bụng, bắp đùi, nội tạng.
Những hệ lụy khi trẻ béo phì
Hầu hết các hậu quả lâu dài của trẻ béo phì là dai dẳng (khoảng 70% béo phì trẻ em tồn tại đến người lớn), là loại béo phì khó điều trị, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Béo phì ở trẻ em nếu không phòng ngừa, điều trị sớm sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội và y tế. Trẻ em dư thừa cân nặng cũng có thể gặp các vấn đề như người lớn thừa cân, béo phì.
Cụ thể, người càng thừa cân thì sẽ có nguy cơ cao mắc 1 số bệnh, trong đó thường gặp là tim mạch, tăng mỡ máu- Cholesterol máu, lipid máu; tăng huyết áp; bệnh lý mạch vành; tai biến mạch máu não; đái tháo đường; sỏi mật, bệnh ung thư, bệnh khớp, bệnh gout, đau cột sống…
Phẫu thuật trên người bệnh béo phì có nhiều biến chứng và khó lành vết thương hơn. Do nặng nề, xoay chuyển khó, người béo phì dễ bị tai nạn trong lao động và cuộc sống, điều đó làm tăng tỷ lệ tàn phế và tử vong. Tuổi thọ người béo phì ngắn hơn so với người có cân nặng bình thường.
Thực tế cho thấy, trẻ sẽ gặp tất cả nguy cơ kể trên khi trẻ không được kiểm soát cân nặng, diễn tiến thành một người lớn béo phì. Trẻ béo phì dễ bị chọc ghẹo, khiến trẻ bị tổn thương về mặt tâm lý, dễ tự ti, cô độc, ảnh hưởng đến khả năng học tập
Nhiều trẻ có khuynh hướng mắc chứng tự ti, không hài lòng với hình dáng cơ thể, trầm cảm. Do bị chọc ghẹo, bị bắt nạt… sẽ khiến trẻ để lại dấu ấn sâu đậm về tâm lý cho đến tuổi trưởng thành.
Cần làm gì khi trẻ béo phì, thừa cân?
Đối với trẻ thừa cân, béo phì cần phải can thiệp sớm. Chính vì vậy, béo phì ở trẻ cần phải can thiệp sớm. Mục tiêu giúp cho trẻ có một cân nặng và sức khỏe tốt bằng cách làm chậm tăng cân hoặc ngừng tăng cân. Kiểm soát và duy trì cân nặng lý tưởng theo chiều cao, bảo đảm trẻ tăng trưởng tốt theo lứa tuổi.
Để đạt được kết quả trên, phụ huynh cần điều chỉnh chế độ ăn bằng cách xây dựng thực đơn khẩu phần ăn cân đối, hợp lý như giảm bớt chất béo, chất bột đường, bớt gạo thay bằng ngô khoai. Tăng cường rau quả để cung cấp chất xơ. Giảm đồ ngọt, nước ngọt, bánh kẹo…
Chế biến thức ăn dưới dạng hấp, luộc, giảm chiên, xào. Hạn chế ăn thực phẩm ăn nhanh. Điều chỉnh hợp lý khoảng cách giữa các bữa ăn, không để trẻ quá đói vì nếu trẻ bị đói trẻ sẽ ăn nhiều hơn vào các bữa sau, làm mỡ tích lũy nhanh hơn.
Cùng với đó, nên tăng cường hoạt động thể lực phù hợp theo từng lứa tuổi để tiêu hao năng lượng, trẻ tham gia các hoạt động ít nhất trong 30 phút/ngày và 3 ngày/tuần. Giảm bớt thời gian xem ti vi, chơi điện tử, tránh vừa ăn vừa xem tivi.
Việc can thiệp lối sống là nền tảng đảm bảo duy trì giảm cân bền vững, an toàn bao gồm các biện pháp can thiệp dinh dưỡng, tập luyện thể lực, thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý.
Các bác sỹ lưu ý thách thức đối với phương pháp điều trị dinh dưỡng chính là giúp cho bệnh nhân phải thay đổi hành vi. Luyện tập nhiều đến mấy cũng không thể lại với ăn uống quá nhiều./.