Cảnh báo bệnh dại gia tăng: Đừng để chết vì chủ quan

Hầu hết các nạn nhân tử vong vì bệnh dại đều có điểm chung là chủ quan không tiêm phòng, hoặc tiêm không đầy đủ, đúng lịch sau khi bị chó, mèo cắn.
Cảnh báo bệnh dại gia tăng: Đừng để chết vì chủ quan ảnh 1Tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Ngày 14/7, ông Ng.Th.H (sinh năm 1974, trú ở phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) đã tử vong do bệnh dại sau hơn 4 tháng bị chó hàng xóm cắn.

Theo lời kể của người thân trong gia đình, ngày 3/3/2023, ông H. bị chó của nhà hàng xóm cắn, vị trí vết thương ở ngón trỏ bàn tay phải, nông, chảy lượng máu không nhiều. Sau khi bị chó cắn, ông H. đã rửa vết thương bằng nước và chưa can thiệp gì, không tiêm vaccine. Hai ngày sau khi cắn người, con chó đã chết.

Từ khi bị chó cắn, ông Ng.Th.H không có biểu hiện gì, sức khỏe bình thường nhưng đến chiều 11/7, ông H. cảm thấy mệt mỏi. Đến ngày 12/7, ông H. trở nặng và được gia đình đưa đến bệnh viện và được chẩn đoán bệnh dại. Dù đã được điều trị và chuyển viện lên tuyến cao hơn nhưng đến ngày 14/7, bệnh nhân đã tử vong.

[Quảng Bình: Một người đàn ông tử vong sau khi bị chó cắn]

Ông H. chỉ là một trong số không ít các bệnh nhân tử vong do bệnh dại sau khi bị chó cắn. Liên tiếp trong thời gian gần đây, số ca tử vong do bệnh dại gia tăng ở nhiều địa phương. Tại tỉnh Gia Lai, riêng 6 tháng đầu năm 2023, địa phương có 8 người chết do bệnh dại; trong đó, huyện Đức Cơ dẫn đầu với 3 ca, các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Kông Chro, Đak Đoa mỗi huyện 1 ca.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, cho biết từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn tỉnh đã có ba người bị chó mắc bệnh dại cắn, khiến một người tử vong.

Tại Nghệ An đã có 3 trường hợp tử vong do bị chó dại cắn, trong đó có hai trẻ nhỏ.

Đáng lo ngại hơn, hầu hết các nạn nhân tử vong vì bệnh dại  đều có điểm chung là chủ quan không tiêm phòng, hoặc tiêm không đầy đủ, đúng lịch sau khi bị chó, mèo cắn.

Tử vong 100% nếu bị bệnh dại

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000-70.000 người và hàng triệu loài động vật.

Bệnh dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn lơ là, chưa hiểu rõ về bệnh dại nên rất chủ quan hoặc điều trị sai cách gây nguy hiểm đến mạng.

Nguyên nhân gây ra bệnh dại là do một loại vi khuẩn có tên là Rhabdovirus có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.

Ngay khi vào cơ thể, virus dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. Mỗi ngày, virus dại di chuyển được “đoạn đường” từ 12-24mm. Ngay khi virus đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.

Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh dại từ chó mèo thả rông

Các vụ tử vong đau lòng do bệnh dại đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng thiếu kiểm soát việc chó, mèo thả rông và tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên chó mèo thấp.

Theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, với trên 2,5 triệu người phải điều trị dự phòng bệnh dại trong giai đoạn 5 năm 2017-2021, chiếm 2,25% dân số, cho thấy số người bị chó, mèo cắn vẫn rất lớn.

Nếu chính quyền các địa phương và ngành thú y không kiểm soát được bệnh dại trên động vật thì chi phí điều trị sẽ tiêu tốn gấp 150 lần so với phòng dịch trên động vật.

Năm 2022, cả nước ghi nhận 70 người tử vong do bệnh dại tại 25 tỉnh, thành phố, trong đó nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre (13 ca), Kiên Giang (5 ca), Nghệ An (5 ca) và Quảng Bình (5 ca), tăng 5 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Cục Thú y, nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh dại gia tăng là tỷ lệ tiêm phòng cho chó mèo còn thấp.

Tổng đàn chó, mèo của cả nước hiện đã lên tới gần 7 triệu con, trong khi tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng trung bình rất thấp, đạt khoảng 40%. Hiện chỉ có 13 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn.

Cảnh báo bệnh dại gia tăng: Đừng để chết vì chủ quan ảnh 2Chó thả rông bị bắt nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng. (Ảnh TTXVN phát)

Bên cạnh đó, việc quản lý chó mèo còn lỏng lẻo cũng là nguyên nhân quan trọng làm tăng bệnh dại, bởi chó mắc bệnh dại chủ yếu là chó không xác định được chủ, chưa được tiêm phòng vắcxin dại. Nhiều người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt dẫn đến tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm khá nhiều.

Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh duy nhất

Theo WHO, hiện chưa có một loại thuốc nào có thể chữa được bệnh dại. Một khi đã nhiễm virus dại, người bị dại chắc chắn không có cách cứu chữa. Khi lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%.

Biện pháp duy nhất để cứu người khi bị chó mèo dại cắn là tiêm vaccine dại và huyết thanh dại càng sớm càng tốt.

Có thể thấy rõ hiệu quả của việc tiêm vắcxin dại sau khi bị chó cắn điển hình như với trường hợp của em Tr.M.Q (nam, sinh năm 2012, cùng trú ở phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) có liên quan đến con chó đã cắn ông Ng.Th.H tử vong.

Em Q bị con chó trên cắn cùng ngày với ông Ng.Th.H. Ngay sau khi bị chó cắn, người nhà đã đưa Q đến Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Bình tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại, đúng và đủ liều. Hiện tại sức khỏe của Q bình thường.

Để phòng chủ động phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.

Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.

Khi bị chó, mèo cắn cần: Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có).

Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục