Cảnh sát giao thông than khó phạt người đội mũ bảo hiểm rởm

Trước giờ G xử phạt mũ bảo hiểm rởm, lực lượng cảnh sát giao thông than khó xử phạt mũ bảo hiểm kém chất lượng bởi chưa thể phân biệt được m rởm với mũ thật.
Cảnh sát giao thông than khó phạt người đội mũ bảo hiểm rởm ảnh 1Người độ mũ bảo hiểm kém chất lượng sẽ bị xử phạt từ ngày 1/7. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Triển khai kế hoạch số 69 của Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia, kể từ ngày mai (1/7), các lực lượng chức năng sẽ chính thức thực hiện đồng loạt xử lý người điều khiển xe máy, xe môtô, xe máy điện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng cách, mũ bảo hiểm không phải là mũ bảo hiểm theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP.

Tuy nhiên, ngay trước giờ G xử phạt, chính lực lượng cảnh sát giao thông cũng thừa nhận, họ chưa thể phân biệt được mũ đảm bảo chất lượng hay không và đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong công tác xử lý đối với hành vi này.

Chỉ nhắc nhở, chưa xử phạt

Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an thành phố Hà Nội, quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng là đúng đắn nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, Đại tá Đào Vịnh Thắng cũng thừa nhận, nếu áp dụng quy định xử phạt này, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ gặp khó khăn, bởi đến nay vẫn chỉ căn cứ vào văn bản hướng dẫn để nhận biết bằng mắt thường về mũ bảo hiểm nên không thể dễ dàng khẳng định chiếc mũ đó có đảm bảo chất lượng hay không, trong khi chưa có trang thiết bị, kỹ thuật máy móc để xác định mũ bảo hiểm giả hay thật.

Chỉ ra những khó khăn trước mắt, người đứng đầu lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho rằng, theo quy định chỉ có phạt chứ không có hướng dẫn về việc tạm giữ lại chiếc mũ không đúng chất lượng. Nếu thu mũ, người điều khiển phương tiện có tiếp tục được phép lưu hành hay không, còn như không thu mũ, rất có thể người dân lại đội mũ cũ thì cũng tiếp tục vi phạm.

Bên cạnh đó, Đại tá Đào Vịnh Thắng cũng khẳng định, người dân, phương tiện khi tham gia lưu thông chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông thì lực lượng không được phép dừng xe kiểm tra, xử lý người đội mũ bảo hiểm rởm.

“Việc áp dụng xử phạt tiền đối với người đội mũ bảo hiểm rởm chưa nên thực hiện ngay mà trước mắt phải nhắc nhở, tuyên truyền trên báo, đài, qua các lực lượng cảnh sát giao thông để người dân biết và tự ý thức việc đội mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn, quy cách là văn minh và bảo vệ tính mạng khi tham gia giao thông,” Đại tá Đào Vịnh Thắng nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm này, Đại tá Đinh Văn Ninh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, lực lượng cảnh sát giao thông hiện giờ cũng không thể nào phân biệt được đâu là mũ thật hay giả.

“Chất lượng mũ bảo hiểm thì phải giao cho các lực lượng khác để phát hiện và quản lý chứ cảnh sát giao thông không thể phân biệt được mũ giả, thật. Hơn nữa, đến cuối giờ chiều nay, Phòng Cảnh sát giao thông Ninh Bình cũng chưa nhận được văn bản hướng dẫn về chế tài tạm thu giữ mũ bảo hiểm rở’ khi phát hiện kiểm tra người đi đường vi phạm,” Đại tá Đinh Văn Ninh cho hay.

Truy xuất xứ, phạt cơ sở sản xuất, kinh doanh

Ghi nhận về tình hình thị trường bày bán mũ bảo hiểm tại Hà Nội vào cuối giờ chiều nay (30/6), theo quan sát của phóng viên Vietnam+, một số tuyến phố thường ngày tấp nập về mũ bảo hiểm “rởm” như Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Chùa Bộc, Nguyễn Trãi… đã vắng vẻ hơn.

Cảnh sát giao thông than khó phạt người đội mũ bảo hiểm rởm ảnh 2hàng bán mũ kém chất lượng trên vỉa hè vẫn còn lác đác dù sát ngày xử phạt. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo lời kể của các cơ sở bày bán mũ bảo hiểm, thời gian qua, báo đài thông báo về quy định xử phạt mũ bảo hiểm kém chất lượng nên cũng ít người mua loại mũ rởm.

Tuy nhiên, nhiều cửa hàng dù đã nhập các lô mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng nhưng số lượng người mua chủ yếu đến xem và chưa có ý định mua mũ mới bởi khách hàng cho rằng, đội mũ đạt chuẩn có kiểu dáng mẫu mã nặng và giá thành lại cao.

Theo nhận định của lực lượng cảnh sát giao thông, cơ quan quản lý Nhà nước phải quyết tâm chặn ngay tận gốc, xử phạt thật nặng đối với các đối tượng sản xuất, kinh doanh mũ giả mới hi vọng chấm dứt được nạn mũ bảo hiểm kém chất lượng.

“Giải pháp quan trọng nhất trong vấn đề này là phải xử phạt triệt để thật nặng các cơ sở sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm rởm, mũ bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, không để các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm lách luật để sản xuất. Muốn thực hiện được điều này, các lực lượng quản lý thị trưởng, cảnh sát kinh tế cũng phải vào cuộc,” Đại tá Đào Vịnh Thắng kiến nghị.

Dù các đơn vị chức năng cùng vào cuộc nhưng nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, liệu lần này, vấn đề chấn chỉnh mũ bảo hiểm có thực sự mang lại hiệu quả?./.

Theo Thông tư liên tịch số 06/2013 của liên Bộ Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải, Công an và Công thương, mũ bảo hiểm phải có cấu tạo đủ ba bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định và đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Mũ có kiểu dáng nhái, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật trên thì sẽ không được coi là mũ bảo hiểm.

Người đi đường khi đội mũ không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ bị xử phạt như đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quay đúng quy cách với mức phạt cho hành vi trên là 100.000-200.000 đồng.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục