Chủ tịch nước: Cần thực hiện tốt giám sát thi hành án dân sự

Chủ tịch nước lưu ý cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và chính quyền các địa phương nhằm đẩy mạnh công tác thi hành án, thực hiện tốt công tác giám sát thi hành án dân sự.
Chủ tịch nước: Cần thực hiện tốt giám sát thi hành án dân sự ảnh 1Chủ tịch nước Trương tấn Sang làm việc với Bộ Tư pháp về công tác thi hành án dân sự. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Ngày 28/7, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương cùng đại diện lãnh đạo các Ban Nội chính Trung ương, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương… đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp để nghe báo cáo về kết quả thi hành án dân sự 9 tháng qua và tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp trong tổ chức, hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, số lượng vụ việc và thụ lý tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2014.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, 9 tháng qua (từ tháng 10/2014 đến tháng 6/2015), hệ thống thi hành án dân sự đã giải quyết xong 354.992 việc tương ứng với số tiền thu được là 31.500 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 68,53% về việc và 44,78% về tiền.

Cùng với tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện chỉ tiêu thi hành án, công tác triển khai Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung được tổ chức kịp thời; hệ thống tổ chức, bộ máy được kiện toàn, kỷ cương, kỷ luật, ý thức trách nhiệm được tăng cường.

Tuy nhiên, báo cáo và kiến nghị của các đại biểu tại buổi làm việc đã chỉ rõ công tác thi hành án dân sự vẫn còn hạn chế. Đó là số tiền và việc chuyển kỳ sau còn nhiều; việc thi hành án đối với các bản án của vụ án kinh tế lớn tiến độ còn chậm. Nhiều vụ việc kết quả thu hồi rất thấp; số tiền thu hồi lớn nhưng tài sản để đảm bảo thi hành có giá trị nhỏ, khó thi hành. Bản án tuyên kê biên tài sản, nhưng tài sản kê biên thuộc diện tài sản chung của bị án với người khác...

Nguyên nhân do cơ chế quản lý tài sản của công dân còn thiếu minh bạch, hành lang pháp lý về quản lý cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn theo Luật Phòng chống tham nhũng chưa được cụ thể hóa. Quá trình tố tụng, các cơ quan có thẩm quyền không kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản của đương sự, công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa đầy đủ, kịp thời...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận những kết quả đạt được của ngành thi hành án dân sự thời gian qua kể cả thu hồi về tài sản và tham gia xây dựng thể chế chính sách. Chủ tịch nước cho rằng hiện nay thị trường nước ta vẫn sử dụng quá nhiều tiền mặt, chưa thanh toán qua tài khoản. Đây là một trong những khó khăn lớn trong kiểm soát tài sản của cá nhân, tổ chức.

Việc ngành tư pháp trình Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Luật Đấu giá và dự kiến đề xuất Luật Đăng ký tài sản và thừa phát lại là nội dung quan trọng để xây dựng xã hội minh bạch, đồng thời tháo gỡ được những vướng mắc trong thi hành án.

Chủ tịch nước cho rằng lỗ hổng tồn tại trong thi hành án dân sự là do chưa có luật đăng ký tài sản, bởi thực tế không phải các cá nhân, tổ chức không có tài sản mà vấn đề là không kiểm soát được, việc không thu hồi được tài sản trong các vụ án lớn.

Các cơ quan lập pháp, hành pháp cần phải nghiên cứu các mô hình quản lý của các nước tiên tiến trong đăng ký tài sản, kê biên phong tỏa tài sản để kịp thời đề xuất thể chế các quy định pháp luật trong quản lý cũng như thi hành án.

Chủ tịch nước lưu ý để công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thi hành án với các cơ quan liên quan, giữa trung ương và chính quyền các địa phương nhằm đẩy mạnh công tác thi hành án, thực hiện tốt công tác giám sát thi hành án dân sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục