Vietnam Airlines có thể giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay là sự nỗ lực áp dụng các giải pháp để tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thiệt hại, tìm kiếm và tận dụng những cơ hội để gia tăng doanh thu, vượt qua đại dịch.
Xung quanh vấn đề này, Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines.
Bơm vốn để… thanh lọc cơ thể
- Ông có thể cho biết dự kiến thời điểm nào Vietnam Airlines sẽ triển khai và hoàn thành kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với quy mô phát hành lên tới 8.000 tỷ đồng?
Ông Đặng Ngọc Hòa: Trong năm 2021, Vietnam Airlines có kế hoạch tăng vốn 8.000 tỷ đồng. Sau khi Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua ngày 14/7, hãng đang làm việc với Ủy ban Chứng khoán, các Công ty phát hành để phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tăng vốn 8.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines.
Dự kiến đến hết quý 3/2021 việc tăng vốn sẽ hoàn tất. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để trả nợ các khoản vay ở các tổ chức tín dụng đã quá hạn; trả các khoản nợ vay mà Vietnam Airlines đang nợ các nhà cung ứng, đặc biệt là các đơn vị cho thuê máy bay; bổ sung các dòng vốn lưu động của Vietnam Airlines để đảm bảo sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Hiện nay, với việc tăng vốn 8.000 tỷ đồng, cổ đông Nhà nước ủy quyền cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Nhà nước để đầu tư vào Vietnam Airlines, quá trình này đang tiến hành rất thuận lợi, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như các cơ quan hữu quan. SCIC sẽ đầu tư vào theo đúng các quy định của pháp luật.
- Vừa qua, 3 ngân hàng đã tái cấp vốn cho Vietnam Airlines khoản 4.000 tỷ đồng theo đúng chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ. Vậy, khoản tiền này đến nay đã được giải ngân chưa, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Hòa: Ngày 7/7 vừa qua, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng. Khoản tiền này sẽ được giải ngân trong tuần tới đây.
[Vietnam Airlines ký kết vay 4.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng]
Vietnam Airlines chỉ sử dụng nguồn lực này để thanh toán các khoản nợ quá hạn và các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh phát sinh tại thời điểm giải ngân, tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.
- Những khoản hỗ trợ của Chính phủ này sẽ giúp hãng vượt qua khó khăn dịch COVID-19 ra sao?
Ông Đặng Ngọc Hòa: Dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 đã làm Vietnam Airlines lỗ hợp nhất lên tới trên 11.000 tỷ đồng, dòng tiền âm rất lớn. Khoản 12.000 tỷ đồng này sẽ trợ giúp cho Vietnam Airlines để hỗ trợ thanh khoản cho thời điểm này và cả những tháng đầu năm 2021.
Ngoài nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ, Vietnam Airlines đã có nhiều giải pháp khác như tiếp tục tái cơ cấu lại tổ chức, tài chính, danh mục đầu tư, đặc biệt là đàm phán với các chủ nợ, các nhà cung cấp để giảm, giãn hoãn các chi phí này.
Bên cạnh đó, hãng tiếp tục tăng thu thông qua sử dụng máy bay để tăng cường chở hàng hóa, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo giao thương cho Vietnam Airlines đồng thời tiếp tục báo cáo các cấp mở lại các chuyến bay quốc tế một cách thận trọng, tìm mọi giải pháp để đưa hoạt động của Vietnam Airlines trở lại bình thường.
Vietnam Airlines hy vọng sự quyết tâm của Chính phủ về chiến lược vaccine sẽ giúp ngành hàng không trong thời gian tới, đặc biệt là cuối quý 3, đầu quý 4/2021 sẽ khởi sắc.
Nội lực là yếu tố quyết định
- Những nỗ lực của chính Vietnam Airlines đã giúp hãng giảm lỗ, tiết kiệm các chi phí và tái cơ cấu mạnh mẽ, chờ cơ hội mở cửa bầu trời. Vậy, ông có thể nói cụ thể về việc này được triển khai như thế nào?
Ông Đặng Ngọc Hòa: Vietnam Airlines là doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối (chiếm 86,19%), nhưng chúng tôi cũng là doanh nghiệp hội nhập quốc tế từ nhiều chục năm nay. Trước đại dịch, chúng tôi đã phải cạnh tranh với các hãng hàng không quốc tế bay tại Việt Nam. Thị phần Vietnam Airlines trong mạng bay quốc tế trước COVID-19 chiếm khoảng hơn 30%. Tại thị trường nội địa, các hãng hàng không khác cũng có sự cạnh tranh rất lớn.
Chính vì thế, mặc dù là doanh nghiệp vốn Nhà nước chi phối, được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng nỗ lực tự thân của Vietnam Airlines vẫn là một yếu tố quyết định.
Cụ thể, Vietnam Airlines tập trung vào các giải pháp tự thân đã giúp tiết kiệm chi phí tới 6.800 tỷ đồng trong năm 2021 (bao gồm tiền thuê mua tàu bay, tiền sửa chữa tàu bay; lương nhân công; chi phí dịch vụ hàng không…). Đây là một con số mà ngay bản thân lãnh đạo, cán bộ công nhân viên của hãng cũng chưa từng mường tượng tới khi bắt tay vào làm. Các giải pháp của Chính phủ về giãn khấu hao, thay đổi, phân bổ lại quỹ bảo dưỡng được đẩy mạnh, giúp các mức tiết kiệm được tương đương trong năm 2020.
Chúng tôi xác định, nội lực của Vietnam Airlines vẫn là một yếu tố quyết định trong khó khăn này.
[Vietnam Airlines tái cơ cấu toàn diện, chờ cơ hội mở cửa bầu trời]
Hãng cũng kiến nghị Chính phủ có các chính sách vĩ mô của ngành hàng không để khi phục hồi thì tất cả các hãng bay trong nước có nội lực và năng lực tài chính đủ mạnh để cạnh tranh sòng phẳng với các hãng bay trên thế giới.
- Dịch COVID-19 đã làm Vietnam Airlines gặp nhiều khó khăn và việc cắt giảm lao động để giảm chi phí là điều cần làm. Trong thời gian tới, hãng sẽ có những chính sách đối với lao động nghỉ việc ra sao, liệu có cắt giảm nhân sự tiếp nữa hay không?
Ông Đặng Ngọc Hòa: Theo thống kê của Vietnam Airlines, trong sáu tháng của năm 2021, khoảng 9.700 lao động của hãng không có công ăn việc làm. Vietnam Airlines đã có chính sách dài hạn đối với người lao động như phi công tiếp viên làm theo giờ bay thực tế, số còn lại huấn luyện đào tạo chờ thị trường phục hồi.
Với những lao động gián tiếp sẽ thực hiện tạm hoãn hợp đồng trong sáu tháng tới một năm. Người lao động ngưng việc được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng, duy trì các chế độ phúc lợi, bảo hiểm đồng thời khuyến khích người lao động nghỉ hưu sớm…
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.
Năm 2021, trước tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Vietnam Airlines xây dựng kế hoạch khả thi với mục tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, tương đương 88,4% so với năm 2020. Để vượt qua đại dịch và nắm bắt cơ hội phát triển, Vietnam Airlines đặt mục tiêu duy trì an toàn khai thác, phòng chống dịch bệnh, giữ vững vị thế chủ lực của Vietnam Airlines Group trong ngành hàng không, tái cơ cấu toàn diện và thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. |