Vietnam Airlines xây dựng đề án hãng hàng không vận tải hàng hóa

Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam vận chuyển hàng hóa trên cabin và tháo ghế tàu khách để chở hàng trong bối cảnh dịch COVID-19.
Máy bay của hãng hàng không Vietnam Airline vận chuyển hàng hóa sang các nước châu Âu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Máy bay của hãng hàng không Vietnam Airline vận chuyển hàng hóa sang các nước châu Âu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Liên quan đến việc vận tải hàng hóa đang giữ vai trò chủ lực và đem lại nguồn doanh thu trợ lực lớn cho các hãng bay, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới vận tải hành khách, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết hãng đang xây đề án và hoàn thiện đề án hãng hàng không hàng hóa ngay sau dịch bệnh COVID-19.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 của Vietnam Airlines vào sáng nay (ngày 14/7), theo ông Hà, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận tải hàng không và Vietnam Airlines đã có các giải pháp để cố thoát ra khỏi vòng xoáy này; trong đó giải pháp đã làm là vận chuyển hàng hóa trên cabin và sau đó tháo ghế sử dụng tàu hành khách “cõng” hàng đã đóng góp và mang lại hiệu quả quan trọng trong giai đoạn 2020-2021, đặc biệt là mấy tháng gần đây.

Cụ thể, Vietnam Airlines đã tháo ghế 5 tàu bay chuyên chở hành khách (bao gồm 2 tàu A350, 3 máy bay A321) để vận chuyển hàng hóa. Năm 2020, với sự trợ giúp của Cục Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam vận chuyển hàng hóa trên cabin và tháo ghế tàu khách để chở hàng.

Đối với dự án thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa, ông Hà khẳng định Vietnam Airlines đã nghiên cứu từ cách đây 4 năm nay nhằm khai thác vận tải hàng hóa riêng biệt. Tuy nhiên, việc tổ chức hãng hàng không hàng hóa cần đảm bảo quy mô đủ lớn (gồm đội tàu bay, mạng bay) để khai thác các nguồn hàng, chân hàng cho các luồng hàng luân chuyển giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Vị Tổng giám đốc Vietnam Airlines cũng dẫn chứng thực tế với các hãng bay vận tải hàng hóa như Korean Air và China Air có mạng đường bay và đội bay đủ lớn nên mang lại hiệu quả.

“Vài năm trước, việc tổ chức bay hàng hóa của Vietnam Airlines chưa đem lại hiệu quả, nhưng dịch bệnh 2020-2021 hãng đã sử dụng máy bay chở hàng, đây cũng là bước tập dượt quan trọng cho khối hàng hóa của Tổng công ty và hãng đang xây dựng và hoàn thiện đề án hãng hàng không vận tải hàng hóa ngay sau dịch bệnh,” ông Hà cho hay.

Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Vietnam Airlines đã tiến hành hoán cải nhiều tàu bay Boeing 787, Airbus A350, Airbus A321 để chở hàng trên khoang hành khách, làm tăng năng lực chuyên chở hàng hóa trên mỗi loại máy bay lên gấp 1,8-2 lần so với chở hàng tại khoang bụng. Vietnam Airlines đã xây dựng lịch bay thường lệ chở hàng quốc tế với 30 đường bay và tổ chức hơn 3.500 chuyến bay chở hàng.

Những nỗ lực này giúp doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và chiếm gần 30% tổng doanh thu của hãng (giai đoạn trước dịch COVID-doanh thu hàng hóa chỉ chiếm 9%). Năm 2020, Vietnam Airlines đứng đầu trong các hãng hàng không Việt Nam về thị phần vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế.

[Hãng bay Việt chuyển hướng 'cõng' hàng hóa để sống sót trước COVID-19]

Về vấn đề lập hãng hàng không vận tải hàng hóa, Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị lập hãng hàng không vận tải hàng hoá IPP Air Cargo.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines) đều đã được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (bao gồm cả việc chở hành khách và hàng hóa) và đang triển khai thực hiện các chuyến bay chuyên chở hàng hóa, gồm cả việc chở hàng trên khoang hành khách nhằm tăng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa và có thêm nguồn thu để bù đắp thiệt hại do dịch COVID-19.

Đặc biệt, tỷ trọng doanh thu từ vận tải hàng hóa trong tổng doanh thu từ vận tải hàng không của các hãng hàng không giai đoạn trong dịch đều tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước dịch (tính trong giai đoạn 1 năm).

Tuy nhiên, phía Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục kiến nghị chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay (bao gồm cả việc thành lập hãng hàng không chuyên chở hàng hóa) vì đây là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung/cầu của thị trường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường, ảnh hưởng của dịch bệnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về khả năng thành lập hãng hàng không mới vào thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến 2022)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục