Chú trọng đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới cho bệnh viện tuyến dưới

Thời gian qua, Bệnh viện Trung ương Huế chú trọng công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới cho các bệnh viện tuyến tỉnh và khu vực theo Đề án 1816.
Chú trọng đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới cho bệnh viện tuyến dưới ảnh 1Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế là trung tâm y tế chuyên sâu của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Thời gian qua, Bệnh viện Trung ương Huế chú trọng công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới cho các bệnh viện tuyến tỉnh và khu vực theo Đề án 1816; trong đó có 7 bệnh viện ở khu vực miền Trung gồm: Bệnh viện Đa khoa các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Phú Yên.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, đơn vị tăng cường công tác chỉ đạo tuyến nhằm nâng cao hơn nữa năng lực khám chữa bệnh cho đội ngũ y, bác sỹ bệnh viện tuyến dưới; đồng thời, quan tâm phát triển kỹ thuật mới ở các lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Bệnh viện Trung ương Huế sẽ sắp xếp, tiếp tục cử cán bộ đến bệnh viện tuyến tỉnh, huyện để có kế hoạch đào tạo, chuyển giao kỹ thuật hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Trước đây, công tác chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Trung ương Huế chủ yếu mang tính hỗ trợ. Từ khi thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh và chỉ đạo tuyến, hàng năm, Bệnh viện Trung ương Huế bám sát thực tế nhu cầu ở bệnh viện tuyến dưới nhằm triển khai tập huấn, đào tạo chuyển giao các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao ngắn và dài hạn. Việc chuyển giao kỹ thuật từng bước sẽ hạn chế sai sót, nâng cao hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới. Điều này vừa mang lại lợi ích cho người bệnh vừa giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Trong 10 tháng năm 2017, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức 13 khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho hơn 400 y, bác sỹ ở Thừa Thiên - Huế và các tỉnh miền Trung; tổ chức 38 lượt đưa bác sỹ hỗ trợ trực tiếp ở tuyến dưới để chuyển giao các kỹ thuật cao.

[TP.HCM diễn tập xử lý ngộ độc thực phẩm tập thể quy mô lớn]

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc triển khai Đề án 1816 đã đem lại nhiều kết quả tích cực, khắc phục khó khăn về tình trạng thiếu bác sỹ; đồng thời đưa các dịch vụ y tế chuyên sâu về cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và tính công bằng thụ hưởng các dịch vụ y tế.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) Nguyễn Đức Lợi cho biết, để đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh nhân chất lượng, bình quân hàng năm đơn vị có 2-3 y, bác sỹ tham gia các lớp đào tạo chuyên khoa tại Bệnh viện Trung ương Huế. Sau khi đào tạo, các bác sỹ cập nhật nhiều kiến thức, giúp đơn vị triển khai những kỹ thuật mới như mổ nội soi dạ dày, mổ trĩ bằng phương pháp longo…

Bác sỹ Trần Duy Vĩnh - Phó Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Trung ương Huế ) cho biết, hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị có tỉ lệ chuyển tuyến giảm từ 40-50%. Đây là một trong những bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế đã được chuyển giao các chuyên khoa ngoại chấn thương, tim mạch và ung bướu. Thời gian qua, Bệnh viện Trung ương Huế đã có nhiều khóa đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị. Đến nay, hầu hết các kỹ thuật được chuyển giao (thay khớp háng, kết hợp xương các loại; nội soi khớp gối; phẫu thuật ung thư vú...) đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị thực hiện thường quy, thu hút nhiều bệnh nhân, giảm việc chuyển lên tuyến trên điều trị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục