Chuyên gia Đức phê phán yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Một chuyên gia Đức cho rằng hành động của Trung Quốc không nhằm thăm dò hay khai thác dầu mà chủ yếu để thực hiện yêu sách tuyên bố chủ quyền với vùng biển này.
Chuyên gia Đức phê phán yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh 1Người Việt tại Đức biểu tình phản đối Trung Quốc. (Ảnh: Mạnh Hùng-Thanh Hải/Vietnam+)

Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đã gây làn sóng phản ứng dữ dội trên thế giới. Tại Đức, nhiều tờ báo lớn của nước này đã đăng tin bày tỏ phản đối hành động khiêu khích của Trung Quốc.

Tiến sỹ Gerhard Will, một chuyên gia về Đông Nam Á thuộc viện Khoa học và Chính trị Đức (SWP), đã bày tỏ phê phán hành động này của Bắc Kinh.

Theo ông Will, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam không chỉ khiến Việt Nam, mà nhiều nước khác cũng đặc biệt quan ngại.

Ông nêu rõ "hành động này là một sự thụt lùi nghiêm trọng cho những nỗ lực nhằm giảm thiểu xung đột trên Biển Đông cũng như việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc ký kết."

Tiến sỹ Will cho rằng hành động nêu trên của Trung Quốc là nhằm đòi yêu sách về lãnh thổ mà trong suốt 30 năm qua, Trung Quốc đã thông qua các hành động như chiếm đảo, tăng cường quân sự... để thể hiện và thực thi chính sách vũ lực của họ.

Chuyên gia Đức cũng cho rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rõ ràng vi phạm các quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) cũng như DOC.

Ông cho rằng hành động của Trung Quốc không nhằm thăm dò hay khai thác dầu mà chủ yếu để thực hiện yêu sách tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển này.

Theo ông, hành động hiếu chiến của Trung Quốc không có lợi cho quan hệ kinh tế và chính trị với các nước láng giềng phía Nam, đồng thời gây tổn hại nghiêm trọng cho mối bang giao giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Ông cũng nhấn mạnh rằng để căng thẳng tiếp tục leo thang không phải là điều mong muốn của các nước Đông Nam Á cũng như lợi ích lâu dài của Trung Quốc và điều cần làm lúc này là phản ứng thận trọng trước sự khiêu khích của Trung Quốc - điều theo ông không hề dễ dàng với đại đa số người Việt.

Ông cho rằng Việt Nam và các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc như Malaysia và Philippines cần bàn thảo để có tiếng nói chungkhi giải quyết tranh chấp với Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục