Ngày 13/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp trực tuyến bàn về biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, tính từ ngày 3/5 đến 13 giờ ngày 13/5, Đà Nẵng ghi nhận 112 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Tổng số lượt người được xét nghiệm trong ngày 13/5 là 22.844 (đây là số lượng xét nghiệm cao nhất trong một ngày từ trước đến nay mà thành phố Đà Nẵng thực hiện được).
Hiện thành phố đang thực hiện cách ly 8.206 trường hợp F1 và F2 tại các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế và cách ly tại nhà.
Đà Nẵng: Hoàn thành đánh giá tình hình lây nhiễm ngoài cộng đồng trước bầu cử
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, kết quả triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy, thành phố có đủ năng lực, điều kiện, biện pháp kiểm soát công tác phòng, chống dịch, nhất là năng lực truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng cách ly, điều trị.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đánh giá cao sự quyết liệt của các địa phương trong việc truy vết, lấy mẫu, đưa ra kết quả xét nghiệm.
Trong ngày 13/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đã xét nghiệm được trên 20.000 mẫu và có kết quả phát hiện 6 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Ông Quảng đề nghị Sở Y tế tham mưu sớm việc lấy mẫu xét nghiệm đại diện hộ gia đình, nhằm đánh giá tình hình lây nhiễm ngoài cộng đồng và tạo sự an tâm cho người dân. Công việc này cần hoàn thành trước ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Quảng yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân hạn chế việc tiếp xúc, di chuyển; phát huy vai trò của Tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng, vừa tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, vừa vận động người dân đi bầu cử; giám sát chặt chẽ ở khu cách ly, không để tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Tối cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh có công văn chỉ đạo yêu cầu các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, các cơ quan Trung ương trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và người dân trên địa bàn hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết; không được tập trung quá 5 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; đồng thời đề nghị người dân hạn chế tổ chức hoạt động tập trung đông người sinh hoạt trong gia đình và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm túc.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng cũng đã gửi công văn hỏa tốc cho Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Giao thông vận tải-Xây dựng Lào Cai; các đơn vị kinh doanh vận tải khách trên địa bàn thành phố; các đơn vị quản lý khai thác, kinh doanh bến xe khách, yêu cầu từ 0 giờ ngày 14/5/2021 cho đến khi có thông báo mới, tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe ôtô (gồm: xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi) đi từ thành phố Đà Nẵng đến các tỉnh, thành phố có ca lây nhiễm COVID-19 theo công bố của Bộ Y tế và ngược lại; trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, xe chở bệnh nhân, người hết thời gian cách ly, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp đến làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; xe vận chuyển phục vụ phòng, chống dịch.
Đối với vận tải vận tải hành khách bằng xe ôtô có hành trình đi qua các tỉnh/thành phố trên thì không được dừng, đỗ để đón, trả khách trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (trừ trường hợp cấp thiết như phục vụ công tác phòng, chống dịch, cấp cứu, xe công vụ…)
[Tiếp tục ghi nhận 19 ca mắc COVID-19 trong nước chiều 13/5]
Đối với các tuyến đi/đến các địa phương còn lại, phương tiện vận tải hành khách được hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải và các quy định về phòng, chống dịch của địa phương nơi đến; đồng thời không được chở quá 50% số ghế và tối đa không quá 20 người/xe.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải tăng cường lực lượng, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra các phương tiện vận tải hành khách hoạt động trên địa bàn, nhất là việc dừng, đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc tổng hợp báo cáo các trường hợp quá thẩm quyền để quyết liệt ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.
Vĩnh Phúc: Vận hành bản đồ dịch tễ
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh có những biện pháp cứng rắn về phòng, chống dịch trong các nhà máy, xí nghiệp; yêu cầu chủ doanh nghiệp xét nghiệm cho 100% công nhân bằng nguồn lực của doanh nghiệp.
Các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm từ ngày 14-17/5/2021. Ngành chức năng sẽ thanh, kiểm tra, xử lý doanh nghiệp, đơn vị chưa hoàn thành theo quy định; tạm thời dừng hoạt động doanh nghiệp, xử lý đơn vị lấy mẫu xét nghiệm có vi phạm.
Chính quyền các cấp có thái độ cương quyết đối với các doanh nghiệp trong phòng, chống dịch COVID-19; báo cáo cơ quan chức năng đóng cửa doanh nghiệp không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, tỉnh phát động trong công nhân, người lao động chủ động tố giác các hành vi trốn tránh cách ly và cư trú bất hợp pháp, nhất là đối với người nước ngoài; khuyến khích toàn dân thực hiện xét nghiệm tự nguyện để bảo đảm sức khỏe, chung tay cùng chính quyền các cấp phòng chống dịch hiệu quả.
Trước đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở lao động, doanh nghiệp trong thực hiện phòng, chống dịch; đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động theo quy định.
Tính đến ngày 13/5, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 75 trường hợp mắc COVID-19, trong đó tập trung tại các huyện Bình Xuyên, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc và 2 thành phố Phúc Yên, Vĩnh Yên.
[Vĩnh Phúc vận động xã hội hóa xét nghiệm phòng dịch COVID-19]
Tỉnh đã nâng mức độ cảnh báo dịch và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ phòng, chống dịch tại địa bàn.
Vĩnh Phúc đã mở rộng, bổ sung 41 khu cách ly tập trung, cơ sở y tế với quy mô gần 6.000 giường bệnh; đưa 2 bệnh viện dã chiến vào hoạt động và nâng năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 với khả năng lấy mẫu bình quân 1.800 người/ngày, cao điểm 6.000 mẫu/ngày.
Để có thêm công cụ giúp người dân nắm bắt, cập nhật kịp thời thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc đã đưa vào sử dụng bản đồ dịch tễ tỉnh Vĩnh Phúc tại địa chỉ: covidmaps.vinhphuc.gov.vn.
Bản đồ dịch tễ tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng dựa trên cơ sở thông tin dịch tễ được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp và được tích hợp vào cơ sở dữ liệu thông tin dịch tễ bệnh nhân mắc COVID-19 toàn quốc.
Khi truy cập vào bản đồ dịch tễ tỉnh Vĩnh Phúc, người dân sẽ biết được các thông tin như bệnh nhân đã mắc COVID-19 và các trường hợp F1; các địa điểm bệnh nhân đã từng đến; khu vực nhà của bệnh nhân sinh sống; địa điểm cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh; các bệnh viện, cơ sở y tế, các chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh; các khu vực phong tỏa, khu vực cách ly y tế…
Việc đưa vào vận hành bản đồ dịch tễ tỉnh Vĩnh Phúc cũng nhằm thực hiện quan điểm của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành trong việc công khai, minh bạch thông tin về tình hình dịch COVID-19 và các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh./.