COVID-19: Trong gian khó vẫn sáng mãi phẩm chất 'Lương y như từ mẫu'

Trong dịch bệnh mọi người chứng kiến những nghĩa cử cao cả, đẹp đẽ, những đức hy sinh, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái… của đội ngũ bác sỹ, cán bộ và nhân viên y tế, thầy thuốc...
COVID-19: Trong gian khó vẫn sáng mãi phẩm chất 'Lương y như từ mẫu' ảnh 1Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19.(Ảnh: PV/Vietnam+)

Gần 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 hoành hành trên thế giới và trong nước. Cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta đã tạo nên thách thức chưa từng có trong tiền lệ với hệ thống y tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với quan điểm xuyên suốt là đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, ngành y tế và các đơn vị đã vào cuộc quyết liệt, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống trong các đợt dịch.

[Các địa phương lên kế hoạch tiêm nhắc lại mũi 3 vaccine COVID-19]

Trước bối cảnh dịch bệnh, cả dân tộc Việt Nam, đặc biệt là lực lượng y tế tuyến đầu đã đồng lòng đối phó, không quản ngại hiểm nguy, hàng chục ngàn nhân viên y tế sẵn sàng tình nguyện vào tâm dịch để cứu chữa cùng người dân dần dần đi qua dịch bệnh một cách kiên cường.

Những trái tim không ngại khó

Đến nay, dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát trong đợt dịch lần thứ 4 và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch bệnh thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội.

Trong hành trình gần 600 ngày chống dịch, Việt Nam đã chứng tỏ sức mạnh của sự đoàn kết, sự đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân với sự quyết liệt, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, của sự chia sẻ, của tình yêu thương và nhân ái… Đặc biệt trong số đó, đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế, thầy thuốc trên cả nước đã có nhiều hy sinh cao cả, vượt mọi khó khăn quyết tâm chống dịch.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, kể từ đầu năm 2020, khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ động chỉ đạo sát sao, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, tích cực để ngăn chặn dịch bệnh.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế nhấn mạnh, thực hiện lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngành y đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kết thành một khối vững chắc, chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Hàng trăm nghìn cán bộ, y bác sỹ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành có dịch và lực lượng thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến trung ương và địa phương trong suốt gần năm qua, đặc biệt là trong những thời khắc khó khăn nhất trong hơn 5 tháng qua đã kề vai sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu quân đội, công an và tình nguyện viên xung phong vào các điểm nóng dịch COVID-19. Họ đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao độ của người thầy thuốc, bền bỉ vượt qua khó khăn, gian khó, dũng cảm đương đầu với dịch bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giảm thiểu số ca tử vong.

COVID-19: Trong gian khó vẫn sáng mãi phẩm chất 'Lương y như từ mẫu' ảnh 2Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo thống kê của Bộ Y tế, tổng nhân lực y tế tham gia hỗ trợ chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong đợt dịch thứ 4 là gần 24.000 người, ước tính có khoảng 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm COVID-19, trong đó có 2 điều dưỡng và 1 bác sỹ ra đi mãi mãi.

Những câu chuyện có thật chứa đựng sự hy sinh lớn lao của đội ngũ nhân viên y tế khi “xông” vào tâm dịch COVID-19 để cứu chữa, điều trị chăm sóc cho bệnh nhân. Có những gia đình hai vợ chồng xung phong và tâm dịch, các nữ thầy thuốc thu xếp việc gia đình, nhờ bố mẹ chăm sóc con nhỏ để tới những miền đất xa; có những bác sỹ đã nghỉ hưu lặn lội hàng ngàn cây số vào bệnh viện dã chiến trong miền Nam; có những người phải trải qua nỗi đau mất người thân mà không thể về chịu tang...

Xây "pháo đài" vì nghĩa đồng bào

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phân tích làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4, nhanh chóng lan rộng trên địa bàn cả nước. Trong hơn 5 tháng vừa qua, cả nước đều rất vất vả chống dịch, phát triển kinh tế xã hội, đời sống của người dân bị đảo lộn.

Có thể nhận thấy, suốt 2 năm qua, cả lý trí và tình cảm của đội ngũ y bác sỹ đều thôi thúc người thầy thuốc phải luôn có mặt tại điểm nóng dịch bệnh. Đó không chỉ là nghĩa vụ với nghề, mà còn là trách nhiệm công dân khi Tổ quốc cần, là nghĩa đồng bào, tình đồng chí cao cả.

COVID-19: Trong gian khó vẫn sáng mãi phẩm chất 'Lương y như từ mẫu' ảnh 3Chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến trong những ngày dịch tại phía Nam bùng phát. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phân tích đỉnh cao trong cuộc chiến chống lại COVID-19 là đợt dịch khởi phát từ đầu tháng 6 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là thời gian hết sức căng thẳng đối nhân viên y tế từ trước đến nay, khi chưa bao giờ thấy số ca mắc lên tới hàng chục nghìn, tỷ lệ tử vong có ngày lên đến 340 ca, số lượng người trở nặng vào viện rất lớn.

"Sau hơn 4 tháng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, triệt để giãn cách xã hội, huy động tất cả mọi nguồn lực y tế, quân đội, công an và các tình nguyện viên vào Thành phố Hồ Chí Minh với số lượng khổng lồ nhất từ trước đến giờ. Với nhân viên y tế, chúng tôi huy động hơn 24.000 lượt cán bộ, trong đó có các em sinh viên, giảng viên trường đại học, các thành viên ưu tú nhất của hệ thống hồi sức, hệ thống bệnh viện trung ương, các địa phương... cùng với lực lượng quân y, sự hỗ trợ của quân đội, công an,” ông Sơn nói.

Nhờ đó, Việt Nam thực hiện được hai chiến lược hết sức quan trọng: "phường xã là pháo đài, người dân là chiến sỹ" và thành quả chống dịch đó là thành quả đồng hành của lực lượng y tế cùng với nhân dân. Vì vậy, những “pháo đài” phòng chống dịch bệnh đã được xây dựng giúp cho người dân đảm bảo tính mạng an toàn khi theo dõi sức khỏe tại nhà.

“Về mặt y tế, theo chúng tôi thấy cơ bản đã vượt qua thời gian đen tối. Tạo được chiến thắng này ở các địa phương là do có sự chỉ đạo rất chính xác, kịp thời của Đảng, Chính phủ. Bên cạnh đó ngành y tế tập trung rất nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh,” Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.

Ngành y tế đã và đang khẳng định được tâm thế, vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trước tính mệnh và sức khoẻ của người dân. Trong một thời gian ngắn triển khai hàng chục bệnh viện dã chiến, hàng trăm trạm y tế lưu động để thu dung, điều trị bệnh nhân, giảm chuyển nặng, giảm tử vong, trong khi nếu điều kiện bình thường sẽ mất rất nhiều thời gian để thực hiện.

Sáng mãi lời thề Hippocrates

Tham gia chi viện tại tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh những ngày khốc liệt nhất, bác sỹ Nguyễn Thanh Huy, Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Có bệnh nhân vừa nói chuyện ít ngày trước, sau đã vĩnh viễn bất động. Những cuộc điện thoại của người nhà bệnh nhân cứ dồn dập đến và hầu như họ đều chết lặng hoặc thảng thốt không dám tin khi nhận thông báo từ bác sĩ nên công việc cũng rấp áp lực. Lúc đầu tôi và cộng sự của mình rất khó ngủ. Nếu triền miên thế ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Người nọ chỉ cho người kia cách giữ cân bằng tâm lý, chặn lại các mệt mỏi kéo dài. Làm công việc này thực sự cảm xúc rất khó diễn tả.”

Qua những đợt dịch đối phó với “giặc” COVID-19 đã cho thấy lực lượng y tế tuyến đầu đã quên hiểm nguy để vào tâm dịch chữa bệnh cho đồng bào, đồng chí nhiễm bệnh. Những con người ấy đã gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại cuộc sống yên bình để đi vào tâm dịch. Những con người ấy đã quên đi giấc ngủ, quên những bữa ăn, quên ngày quên tháng, quên Thứ Bảy, Chủ Nhật, quên đi sự nóng nực của những bộ đồ bảo hộ giữa mùa hè đổ lửa, quên đi nỗi sợ hãi, ám ảnh khi chứng kiến những phút giây sinh tử… Nhưng đổi lại, họ cảm thấy ấm áp, vui mừng, tự tin khi từng bệnh nhân khỏi bệnh…

COVID-19: Trong gian khó vẫn sáng mãi phẩm chất 'Lương y như từ mẫu' ảnh 4Các y bác sỹ tại các bệnh viện điều trị COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Và, trong hành trình gian nan ấy, họ cũng đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình đã bị nhiễm bệnh và có người đã ra đi mãi mãi.

Tại cuộc chiến chống lại dịch COVID-19, những nhân viên y tế từ lãnh đạo cấp cao đến đội ngũ bác sỹ, dịch tễ hay những người điều dưỡng đang hòa cùng một nhịp tạo nên những thanh âm về phẩm chất của những cán bộ y tế gác bỏ lợi ích riêng mà vì sức khỏe của cộng đồng. Họ đã sống đúng với lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu” để chữa bệnh, cứu người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Họ là những minh chứng sống động nhất của hàng chục, hàng trăm nghìn nhân viên y tế tuyến đầu đang ngày đêm cần mẫn xây dựng Đảng về đạo đức và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác phòng, chống dịch. Những phẩm chất, trách nhiệm của hàng ngàn nhân viên y tế đó với công việc một cách rất tự nhiên đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong ngành y tế.

Hơn 24.000 người thuộc ngành y và hàng chục nghìn người thuộc các lực lượng khác tham gia chống dịch là hàng trăm ngàn bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Họ truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực để đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, ở đó tình đồng chí, nghĩa đồng bào.

Họ là những minh chứng thực tế góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hóa."

Với tinh thần sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tính mạng, sức khỏe của nhân dân bị dịch bệnh đe dọa, trong “cuộc chiến” chống lại “giặc” COVID-19, mỗi nhân viên y tế tuyến đầu đi chi viện như là những tấm gương bình dị mà cao quý trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Lan tỏa những tấm gương bình dị

Trước diễn biến dịch COVID-19 có mức độ ngày càng phức tạp, khó lường, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục có những chỉ đạo căn cơ, để phòng, chống dịch hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc;” tiếp tục chỉ đạo sát sao, chặt chẽ và triển khai các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là tại các địa phương đang có các ổ dịch lớn để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

COVID-19: Trong gian khó vẫn sáng mãi phẩm chất 'Lương y như từ mẫu' ảnh 5Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Trong thời gian tới, dự báo tình hình sẽ còn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Để chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được, ngăn chặn không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng; chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống.

Các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng và lãnh đạo các ngành, các cấp phải gương mẫu đi đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình phụ trách.

Những tấm gương là những nhân viên y tế bình dị ấy, họ không chỉ có trái tim nhân ái, nhân hậu mà còn trí tuệ thông minh, nghị lực kiên cường, sự chịu đựng bền bỉ, đặc biệt khi cuộc chiến diễn ra rất cam go.

Đó là những việc làm cụ thể, phát huy được sức lan tỏa, thúc đẩy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sâu rộng trên mọi mặt của đời sống xã hội; ngày càng đi vào thực chất, dần trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp, lối sống của các cán bộ, đảng viên và nhân dân trong ngành y tế tạo ra những chuyến biến tích cực trong nhận thức và hành động, tạo nên sức mạnh cộng hưởng, sự đồng lòng, quyết tâm trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, bảo vệ Tổ quốc, đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục