Các sự cố tàu bay trong thời gian qua đã được Cục Hàng không Việt Nam làm rõ nguyên nhân để đảm bảo an toàn bay đồng thời việc cấp phép mở hãng bay mới cũng được phía Bộ Giao thông Vận tải giải thích rõ ràng.
Tại họp báo quý 3 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều tối 27/9, đối với sự cố liên quan đến động cơ dòng máy bay mới Airbus A321neo, theo ông Hồ Minh Tấn, trưởng phòng An toàn Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục Hàng không đã làm việc với nhà sản xuất máy bay Airbus khắc phục, chủ yếu do vấn đề vật liệu.
“Lô máy bay Airbus A320, A321 đã có giải pháp khắc phục động cơ triệt để. Động cơ của các hãng bay đang khai thác sẽ khắc phục trong vòng 10-12 tháng liên quan đến thiết bị vật tư phụ tùng. Đây là cố gắng lớn của nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney,” ông Tấn thông tin.
Liên quan đến việc tàu bay Boeing 737 của hãng hàng không T’way (Hàn Quốc) gặp sự cố khi phát hiện tiếng động lớn ở mũi máy bay và phải xin hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 19/9 vừa qua, theo ông Tấn, sự cố được xác định do tác động bên ngoài. Trong thường hợp nguyên nhân có vật thể lạ như máy bay không người lái sẽ do Bộ quốc phòng xác định.
Trả lời về sự cố chuyến bay Vietnam Airlines từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Melbourne (Australia) ngày 18/9 suýt hạ cánh nhưng chưa bung càng (bánh xe của máy bay), ông Tấn chỉ rõ nguyên nhân tiếp cận sân bay Melbourne không ổn định.
“Vụ việc đang được Cục Hàng không Australia tải dữ liệu, phân tích, lập công tác điều tra do phía nước bạn thực hiện và Cục Hàng không Việt Nam đã cử đại diện sang Australia để phối hợp, làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân sơ bộ đánh giá là do yếu tố con người về việc tiếp cận không ổn định, nhưng rất may đã có cảnh báo của cơ quan kiểm soát không lưu Australia nên tàu bay đã tiếp cận lần 2 và hạ cánh an toàn.
Liên quan đến việc các hãng hàng không mới và đang xin giấy phép để mở đường bay, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đưa ra quan điểm chung ủng hộ thị trường hàng không tăng trưởng sẽ mang lại lợi ích cho người sử dụng khi giá cả tốt cho hành khách.
[Hạ tầng yếu kém, thêm hãng bay mới liệu có ‘vỡ trận’ hàng không?]
Tuy nhiên, theo ông Đông, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có quy trình chặt chẽ cấp phép cho hãng hàng không mới ra đời. Ví dụ như trường hợp của Bamboo Airways mất hơn 1 năm mới xong.
“Việc cấp phép cho hãng bay mới là ngành kinh doanh có điều kiện nên phải xem xét kỹ, trong đó có yếu tố dự phòng mở hãng đó với nhu cầu thị trường đánh giá trên cơ sở tăng trưởng để đáp ứng tốt hơn, xem xét phù hợp lộ trình năng lực Cảng hàng không (đặc biệt hãng mới mở phải xem xét kỹ về tính cạnh trạnh, lộ trình đầu tư, điểm đến…),” Thứ trưởng Đông nói.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, các hãng đều phải trải qua quy trình thủ tục trên mới được xem xét cấp phép hoạt động như KiteAir dự kiến đặt tại sân bay Chu Lai (Quảng Nam); Vietravel Airlines dự kiến đặt căn cứ tại sân bay Phú Bài (Huế)...
Về thị trường hàng không tăng trưởng nóng, hạ tầng sân bay quá tải xuống cấp, theo Thứ trưởng Đông, hạ tầng hàng không Việt Nam còn hạn chế trong bối cảnh tăng trưởng hàng không duy trì 10 năm nay rơi vào 2 con số từ 15-17% gây áp lực đến nhà ga, sân bay, đường lăn… mà hiện hữu là sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Nội Bài, Phú Quốc...
“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu xây dựng danh mục dự án kêu gọi dự án xã hội hóa nhà đầu tư báo cáo Thủ tướng sớm nhất. Phần hạ tầng nào kêu gọi vốn doanh nghiệp xã hội hóa sẽ cho xây dựng và nếu không được thì phía Nhà nước sẽ đầu tư,” ông Đông nói rõ./.