Bác sỹ chuyên khoa II Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết êkíp nội soi bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa dưới ồ ạt, nguy cơ tử vong rất cao nhờ sử dụng phương pháp can thiệp qua nội soi bằng kẹp clip cầm máu.
Bệnh nhân N.V.C (65 tuổi, ngụ tại Sóc Trăng) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, niêm nhạt, da xanh, mạch nhanh, nhẹ, huyết áp khó đo, bệnh nhân thở máy, nhiều mảng bầm ở chi trên.
Bảy ngày trước nhập viện, bệnh nhân được nội soi đại tràng và có can thiệp cắt polyp đại tràng tại bệnh viện tư.
Ngày 24/12, bệnh nhân đi tiêu phân đen lẫn máu đỏ tươi với lượng nhiều nên nhập viện tại bệnh viện tuyến tỉnh.
Bệnh nhân được làm các xét nghiệm, nội soi dạ dày, nội soi đại tràng, phát hiện khung đại tràng ứ đọng nhiều máu tươi.
Tình trạng xuất huyết tiêu hóa tiếp tục diễn tiến nặng, bệnh nhân lơ mơ, bứt rứt, suy hô hấp nên được thở máy, sử dụng vận mạch nâng huyết áp, truyền máu, chống toan.
Khi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân được hồi sức tích cực nhằm đảm bảo hô hấp, bồi phụ khối lượng tuần hoàn. Đồng thời, các bác sỹ thực hiện quy trình báo động đỏ nội viện.
[Cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn do bệnh viêm cơ tim cấp]
Kết quả hội chẩn các chuyên khoa xác định bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa dưới ồ ạt chưa rõ nguyên nhân, sốc giảm thể tích, suy hô hấp, rối loạn động máu/cắt polyp đại tràng.
Bệnh nhân được tiếp tục thở máy, truyền dịch, truyền 3 khối hồng cầu từ 350ml máu toàn phần, 4 đơn vị huyết tương...
Sau hồi sức tích cực, sinh tồn bệnh nhân có cải thiện. Êkíp nội soi do bác sỹ Phan Văn Tiển đã tiến hành nội soi đại tràng cấp cứu tại giường.
Trong quá trình nội soi, các bác sỹ thấy có 3 ổ loét đường kính 1-12mm, một ổ loét có mạch máu đang chảy rỉ rả nên được kẹp 1 clip cầm máu; đại tràng ngang máu đỏ tươi. Trong quá trình bơm rửa, bác sỹ phát hiện gần góc gan có một ổ loét to đường kính 2,5cm có mạch máu to, còn rịn máu đỏ tươi nên kẹp 2 clip cầm máu.
Sau can thiệp sinh tồn, bệnh nhân ổn định, ngưng vận mạch sau 1 giờ, sau 2 giờ hồi sức bệnh nhân đã được chỉ định ngưng thở máy.
Ngày 26/12, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định, không tiêu máu đỏ thêm, niêm hồng. Bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Khoa Nội tiêu hóa.
Theo bác sỹ chuyên khoa II Bồ Kim Phương, Trưởng Khoa Nội tiêu hoá Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, xuất huyết tiêu hóa dưới chiếm khoảng 20-33% các chảy máu tiêu hóa nói chung và tỷ lệ cao các bệnh nhân không tìm đến các nơi chăm sóc y tế, dẫn đến tỷ lệ biến chứng và tử vong cao, nhất là ở những bệnh nhân cao tuổi (độ tuổi trung bình thường gặp từ 63-77 tuổi).
Nội soi đại tràng là phương tiện chẩn đoán đầu tiên thường được sử dụng trong xuất huyết tiêu hóa dưới. Nội soi đại tràng có thể phát hiện vị trí chảy máu trong 74-82% các trường hợp. Ngoài ra, các bác sỹ có thể thực hiện các thủ thuật cầm máu qua nội soi đại tràng.
Qua nội soi đại tràng, các bác sỹ có thể thực hiện các kỹ thuật cầm máu như chích cầm máu, đốt cầm máu bằng điện hay plasma argon, kẹp clip cầm máu, thắt cầm máu bằng vòng thun hay thòng lọng.../.