Đề nghị tháo dỡ hàng loạt nhà hàng, công trình tạm ven biển Đà Nẵng

Sở Xây dựng Đà Nẵng phát hiện hàng loạt công trình xây dựng không phép, sai phép và đề nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo đơn vị chức năng sớm thực hiện việc tháo dỡ các nhà hàng, công trình tạm này.

Qua kiểm tra, rà soát các nhà hàng, công trình xây dựng khu vực ven biển, Sở Xây dựng Đà Nẵng phát hiện hàng loạt công trình xây dựng không phép, sai phép.

Đại diện Sở Xây dựng đã đề nghị lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng như các địa phương liên quan chỉ đạo đơn vị chức năng sớm thực hiện việc tháo dỡ các nhà hàng, công trình tạm xây dựng vi phạm này.

Trước đó, xuất phát từ tình hình thực tế khó khăn, khoảng đầu năm 2012, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố đồng ý cấp giấy phép xây dựng tạm tại một số lô đất trống mà chủ đầu tư chưa có điều kiện để đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

Từ ngày 10/9/2014 đến nay, Sở Xây dựng Đà Nẵng cấp giấy phép xây dựng tạm (có thời hạn) trên địa bàn thành phố, bao gồm 10 tuyến đường có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan với 743 giấy phép xây dựng (nhà ở có 515 công trình và công trình khác là 228), trong đó, trên địa bàn quận Sơn Trà có 173 công trình.

Qua rà soát trên địa bàn quận Sơn Trà, lực lượng chức năng phát hiện một thực trạng là hầu hết các công trình, nhà hàng, quán tạm kinh doanh chủ yếu trên các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp (có 55 công trình nhà hàng, quán tạm).

Trong số đó, số công trình, nhà hàng có giấy phép xây dựng là 38 (đã có 6 giấy phép hết hạn sử dụng) và xây dựng không phép là 17 công trình.

[TP. Hồ Chí Minh siết chặt vi phạm trật tự xây dựng]

Nhìn chung, các nhà hàng, quán tạm đều xây dựng lấn chiếm phần diện tích khoảng lùi 4m (diện tích đỗ xe) phía trước để làm trụ sắt, bạt kéo phục vụ mục đích kinh doanh, buôn bán, một số công trình được chuyển đổi công năng từ nhà ở, nhà biệt thự sang nhà hàng; quá thời hạn và hết hạn sử dụng công trình theo giấy phép xây dựng được cấp (từ 3 đến 5 năm) và một số công trình không đáp ứng mỹ quan chung tại khu vực...

Trước thực trạng đó, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng Thái Ngọc Trung đã đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng bãi bỏ việc cấp phép tạm (có thời hạn).

Đối với các công trình trước đây đã được cấp phép xây dựng tạm (có thời hạn) mà chủ đầu tư tự xây dựng lấn chiếm khoảng lùi phía trước 4m, xây dựng vượt tầng, thành phố giao Ủy ban Nhân dân quận, huyện chỉ đạo đơn vị chức năng tháo dỡ phần sai phạm nêu trên để trồng cây xanh làm bãi đậu xe; đôn đốc chủ đầu tư có lộ trình thực hiện việc tháo dỡ công trình theo cam kết của chủ đầu tư để xây dựng theo đúng quy hoạch.

Đối với công trình xây dựng không phép hoặc hết thời hạn sử dụng, Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chủ trì, có kế hoạch yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ trong quý 2/2019 để xây dựng theo đúng quy hoạch.

Đối với các trường hợp chủ đầu tư tự chuyển đổi công năng sử dụng từ công trình nhà ở riêng lẻ (nhà liền kề mặt phố thành nhà hàng), thành phố đề nghị chủ đầu tư phải hoàn thành các thủ tục liên quan đến môi trường và phòng cháy chữa cháy, diện tích đậu đỗ xe theo đúng quy định.

Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành, địa phương liên quan rà soát, kiểm tra việc bảo vệ môi trường (rác thải, khí thải, tiếng ồn, nước thải…) của các nhà hàng, quán tạm, trong đó đặc biệt lưu ý đến vấn đề xử lý nước thải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.