Điều chuyển luồng tuyến vận tải: Chưa doanh nghiệp nào phá sản

Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp, điều chuyển các luồng tuyến vận tải chưa phù hợp theo đúng định hướng quy hoạch, đảm bảo tính hợp lý, khoa học, không đi xuyên tâm, giảm ùn tắc giao thông.
Điều chuyển luồng tuyến vận tải: Chưa doanh nghiệp nào phá sản ảnh 1Hà Nội đã lựa chọn điều chuyển một sô tuyến phía Nam từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp, điều chuyển các luồng tuyến vận tải chưa phù hợp theo đúng định hướng quy hoạch, đảm bảo tính hợp lý, khoa học, không đi xuyên tâm nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.

Tiếp tục rà soát, điều chuyển tuyến chưa phù hợp

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện nay, khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn thành phố gia tăng nhanh, tiềm ẩn những diễn biến phức tạp như ùn tắc, tai nạn giao thông... đặc biệt tại một số trục đường chính như Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, vành đai 3, bến xe Mỹ Đình ... do một số tuyến xe đi phía Nam bố trí tại bến xe Mỹ Đinh phải đi qua các tuyến đường vành đai có lưu lượng giao thông lớn dễ gây ùn tắc giao thông và cũng chưa phù hợp với định hướng quy hoạch hướng tuyến của Bộ Giao thông Vận tải.

Do hiện nay do chưa có cách tính công suất bến xe, nên trong giai đoạn này, Sở Giao thông Vận tải căn cứ lưu lượng xe tại các bến xe và báo cáo về năng lực tiếp nhận của các bến để thực hiện việc sắp xếp luồng tuyến và đã lựa chọn điều chuyển một sô tuyến phía Nam từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm.

Theo đó, giai đoạn 1 điều chuyển 76 lượt xe từ bến xe Mỹ Đình đi các bến xe tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắk Lắk về bến xe Nước Ngầm. Giai đoạn 2 điều chuyển các tuyến từ bến xe Mỹ Đình đi các bến xe tỉnh Thanh Hóa (76 lượt xe/ngày) về bến xe Nước Ngầm. Giai đoạn 3 tiếp tục rà soát, sắp xếp, điều chuyển các tuyến chưa phù hợp theo đúng định hướng quy hoạch, đảm bảo tính hợp lý, khoa học, không đi xuyên tâm nhằm giảm thiểu tình trạng ùn, tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đồng thuận với đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nhằm mục tiêu tổ chức giao thông phù hợp tình hình thực tế để đảm bảo giao thông thông suốt, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có ý kiến chính thức đối với việc tổ chức giao thông, tổ chức vận tải và việc điều chuyển các tuyến do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất điều chỉnh Quy hoạch chi tiết theo quy định.

Sau khi nhận được văn bản của Bộ Giao thông Vận tải, ngày 29/6 vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải sớm tiếp tục triển khai theo chỉ đạo của Bộ Giao thông, báo cáo Ủy ban Nhân dân kết quả thực hiện.

Trả lời vấn đề này, ông Viện cho biết, trong tháng Bảy này, Sở Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội làm việc với các tỉnh, thành phố đề nghị các tỉnh ủng hộ chủ trương của thủ đô để đảm bảo ít xáo trộn nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, sau khi Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch sắp xếp điều chuyển theo phương án đề xuất, Sở sẽ tổ chức thông báo cho các doanh nghiệp hoạt động vận tải liên tỉnh tại các luồng tuyến và địa phương trong diện điều chuyển tại bến xe Mỹ Đình và đề nghị các doanh nghiệp đăng ký hợp đồng với bến xe Nước Ngầm theo quy định.

Vì lợi ích 10 triệu nhân dân thủ đô

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho biết, câu chuyện giảm tải cho bến Mỹ Đình không phải bây giờ mới đặt ra. Từ năm 2007, khi có bến Nước Ngầm giảm tải cho bến Giáp Bát, Cục đường bộ Việt Nam (Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện giờ) đã có điều chuyển tuyến đường dài Nghệ An, Hà Tĩnh về bến Nước Ngầm.

Đến giờ, Hà Nội đưa ra phương án di chuyển, việc này đã có sự lựa chọn và tính toán kỹ dựa trên thực tế cấp bách giao thông thủ đô nên Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam đồng thuận với chủ trương này.

Điều chuyển luồng tuyến vận tải: Chưa doanh nghiệp nào phá sản ảnh 2Việc điều chuyển xe khách khỏi bến Mỹ Đình với mục đích không để xe đi xuyên tâm, giảm ùn tắc giao thông. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo ông Thanh, phương án này dự kiến sẽ thực hiện từ tháng 1/2017, nhưng hiện nay các đơn vị bị điều chuyển lại chưa đồng thuận bởi xe đang hoạt động ổn định nên cần có lộ trình chuyển để giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Hà Nội cũng không thể hoãn từ năm này sang năm khác.

“Lỗi là tại lãnh đạo Hà Nội để cho các xe chạy xuyên tâm và sai là từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Lãnh đạo Hà Nội có dám sửa sai không và sửa sai như thế nào thì cần phải làm cụ thể và dứt khoát phải chuyển,” ông Thanh bày tỏ quan điểm.

Đồng tình quan điểm này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Vận tải Thành phố Hà Nội cho rằng, theo điều 7, Luật Giao thông đường bộ, chính quyền địa phương có quyền điều tiết phương tiện phù hợp với nhu cầu đi lại của nhân dân, địa phương đó. Do vậy, phương án điều chuyển xe này là làm đúng Luật. Bộ Giao thông Vận tải đã có ý kiến đồng thuận, các Hiệp hội Vận tải Hà Nội và Việt Nam cũng đồng ý với phương án này.

Khẳng định một số doanh nghiệp Nghệ An, Thanh Hóa phản đối phương án này là đúng, ông Liên giải thích lý do là các đơn vị này đang thụ hưởng một lợi ích nhất định do địa thế vùng miền đắc lợi của bến xe Mỹ Đình dân cư đi Nghệ An, Thanh Hóa nhiều hơn. Tuy nhiên, bến xe này chỉ tiếp nhận được vài chục xe đi Nghệ An, Thanh Hóa trong khi Nước Ngầm tiếp nhận nhiều nhưng khách lại về Mỹ Đình như vậy gây bất bình đẳng.

“Với phương án dồn phương tiện về một bến xe Nước Ngầm có cùng luồng tuyến, nhà xe nào chất lượng dịch vụ tốt thì khách đông. Như vậy, sẽ đảm bảo quyền lợi cho đại đa số doanh nghiệp chứ không phải chỉ một nhóm doanh nghiệp ở bến xe Mỹ Đình,” ông Liên nhìn nhận.

Bổ sung thêm, ông Liên cho rằng, xe điều chuyển đi đâu thì khách sẽ theo đó. Trước kia, khi bến xe Giáp Bát quá tải đã phải điều chuyển một số nhà xe về Nước Ngầm. Thời gian đầu, các doanh nghiệp không đồng tình, phản đối với lý do nếu chuyển về Nước Ngầm thì các doanh nghiệp Nghệ An bên bờ vực phá sản nhưng đến giờ vẫn chả thấy ai phá sản mà chỉ thấy tăng xe lên. Lúc đó, bến xe Nước Ngầm chỉ có 60-70 xe nhưng hiện tại thì đã tăng lên tới 300 xe.

“Như vậy, lý do điều chuyển xe từ bến này sang bến khác khiến doanh nghiệp vận tải lao đao bên bờ vực bị phá sản là không đúng và thuyết phục,” vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội quả quyết.

Ông Liên tiết lộ, Hà Nội không chỉ điều chuyển phương án xe với 2 tỉnh này mà còn làm với 12 tỉnh khác với cách không cho xe khách đi qua tuyến đường vành đai 3 để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

“Thành phố Hà Nội giao Sở Giao thông Vận tải và Công an xây dựng phương án điều chuyển xe sau đó thành phố đưa lên Bộ Giao thông Vận tải để phê duyệt. Hiện tại, chỉ còn phụ thuộc cơ quan Nhà nước có làm hay không? Nếu làm sẽ giải quyết lợi ích của 10 triệu nhân dân thủ đô trên lợi ích của một số nhóm lợi ích người dân, doanh nghiệp vận tải ở Nghệ An, Thanh Hóa,” ông Liên bày tỏ chính kiến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục