Sau 2 năm chuẩn bị, với sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia thuộc Tổ chức FHI 360-Alive &Thrive (tổ chức phát triển phi lợi nhuận, hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống cho con người một cách bền vững), ngày 10/4, Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh chính thức đưa vào hoạt động Ngân hàng sữa mẹ.
Đây là ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại khu vực phía Nam ra đời theo hình thức phi lợi nhuận nhằm cung cấp sữa mẹ cho trẻ sơ sinh không được tiếp cận nguồn sữa mẹ, nhất là những trẻ sinh non mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Ngân hàng sữa mẹ-Bệnh viện Từ Dũ hoạt động theo mô hình thu thập sữa tự nguyện hiến tặng từ các bà mẹ đang nuôi con nhỏ bằng sữa của mình.
Nguồn sữa hiến tặng này được các bác sỹ chọn lọc từ những bà mẹ không mắc bệnh lý (viêm gan siêu vi, HIV...), không có các hành vi nguy cơ ảnh hưởng đến sữa mẹ và được kiểm tra, xét nghiệm máu theo quy trình rất nghiêm ngặt.
Sau đó, sữa được thanh trùng, bảo quản trong điều kiện vô khuẩn và cung cấp cho trẻ sơ sinh không được tiếp cận sữa mẹ như bình thường.
Theo bác sỹ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm tại bệnh viện này có khoảng 6.000-7.000 trẻ sơ sinh non tháng với các bệnh lý đi kèm rất cần nguồn sữa mẹ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng điều trị, hỗ trợ cho quá trình hồi phục. Hiện phần lớn trẻ phải sử dụng sữa công thức do hoàn cảnh khách quan. Chính vì thế, ngân hàng sữa mẹ ra đời sẽ giải quyết được nhu cầu cấp bách này.
[Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có ngân hàng sữa mẹ chuẩn quốc tế]
Trước mắt, sữa trong ngân hàng sữa mẹ sẽ được cung cấp cho trẻ sinh non của Bệnh viện Từ Dũ. Về lâu dài, khi nguồn sữa hiến tặng dồi dào hơn, ngân hàng sẽ cung cấp sữa cho các bệnh viện sản nhi khác trên địa bàn như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh...
Tại lễ khai trương Ngân hàng sữa mẹ-Bệnh viện Từ Dũ, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết trong thực tế có rất nhiều trẻ sơ sinh không được tiếp cận nguồn sữa mẹ với những lý do bất khả kháng như: mẹ qua đời, mẹ mắc các bệnh lý khác, mẹ không thể cho con bú... Do đó, ngân hàng sữa mẹ ra đời sẽ giúp cho số trẻ này được tiếp cận với nguồn dinh dưỡng sữa mẹ, đặc biệt là trẻ sinh non, trẻ sơ sinh mắc các bệnh lý nguy hiểm.
Bên cạnh đó, ngân hàng sữa mẹ cũng giúp nâng cao nhận thức, thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ trong cộng đồng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, ngoài nguồn sữa của các sản phụ trong bệnh viện, Ngân hàng sữa mẹ cần mở rộng thu gom sữa tại các gia đình, công ty, xí nghiệp - nơi có hàng triệu người phụ nữ đang nuôi con nhỏ sẵn sàng chia sẻ những giọt sữa của mình.
Về lâu dài, Bộ Y tế chủ trương tất cả các bệnh viện sản, nhi trên cả nước đều phải có ngân hàng sữa mẹ nhằm đảm bảo mọi trẻ sơ sinh đều được sử dụng sữa mẹ, vì sự phát triển và tương lai nòi giống của người Việt Nam./.