Tuyến đường sắt đô thị đoạn số 3, Nhổn-ga Hà Nội đang được các nhà thầu gấp rút thi công 4 ga đi ngầm để đảm bảo tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối năm 2022.
Là đơn vị nhà thầu chuyên môn, đảm nhiệm việc thi công đoạnđi ngầm đoạn Voi Phục-Trần Hưng Đạo, hiện nay, FECON đang triển khai song song các gói thầu tại 4 ga ngầm thuộc dự án Metro số 3.
Cụ thể, tại ga S9 (Kim Mã), ngoài gói thầu lắp ráp máy đào hầm đầu tiên (TBM), FECON đang thi công tường vây rộng 800mm, sâu 29m làm tường chắn cho dốc hạ ngầm. Dự kiến, ngày 15/12 sẽ hoàn thiện gói thầu này, mặt bằng sau khi thi công xong sẽ phục vụ lắp đặt cẩu long môn và đầu máy TBM số 2.
Tại ga S10 (Cát Linh), FECON đã hoàn thiện công tác xử lý nền bằng phương pháp Jetgrouting (khoan phụt vữa áp lực cao) thuộc hầm 2 (cạnh khách sạn Pullman) từ tháng 6/2020 và đang chờ mặt bằng để xử lý nền hầm 1 (giáp khu dân cư đường Cát Linh).
Với ga S11 (Văn Miếu), FECON đang làm biện pháp để chuẩn bị để triển khai công tác xử lý nền vào giữa tháng 12.
Tại ga S12 (ga Hà Nội), đơn vị này cũng đang triển khai công tác thi công giai đoạn 2 được 500/710 cọc và đảm bảo sẽ hoàn thành trong tháng 12/2020. Tại đây, FECON đã thử nghiệm thành công công nghệ khoan phụt vữa áp lực cao mới nhất của Nhật Bản - phương pháp phụt vữa xiên nhằm tạo ra một khu vực địa chất đồng nhất trước khi TBM khoan đến. Phương pháp này được phát triển để giải quyết những khó khăn gặp phải trong quá trình thi công ở khu vực đô thị, giảm thiểu các tác động bất lợi đối với các công trình lân cận.
Với việc tham gia lắp ráp và vận hành trực tiếp robot khiên đào TBM (Tunnel Boring Machine), theo ông Lê Quang Hanh, Phó Tổng giám đốc FECON, công nghệ đào hầm bằng robot khiên đào TBM là công nghệ hiện đại tốt nhất trên thế giới hiện nay, phù hợp với điều kiện địa chất yếu và đã được nhiều nước áp dụng.
[Máy đào hầm metro Nhổn-ga Hà Nội sẽ chạy thử vào giữa tháng 1/2021]
Nguyên lý hoạt động của máy TBM là tạo ra áp lực cân bằng với áp lực đất nhằm hạn chế sự thay đổi trạng thái ứng suất có thể gây ra mất ổn định dẫn tới việc trồi, sụt tại vị trí đào đồng thời khác với phương pháp đào hầm hở, việc khoan dưới lòng đất được thực hiện dưới độ sâu 15-30m, do vậy trong quá trình thi công tuyến ngầm sẽ không cần di dời, giải tỏa các công trình trên mặt đất, không ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Để làm chủ công nghệ này, ông Hanh cho biết FECON đã có một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và tích lũy kinh nghiệm như đã tham gia vận hành robot khiên đào TBM tại dự án metro số 1 tuyến Bến Thành-Suối Tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh.
“Việc trúng các gói thầu khác nhau tại metro Nhổn-ga Hà Nội không chỉ là cơ hội để FECON góp phần hoàn thiện một công trình giao thông quy mô lớn của Thủ đô, mà còn là cơ hội để nhà thầu nội nâng cao năng lực thi công tại những công trình khó như metro và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm xây dựng áp dụng công nghệ mới và khó tại Việt Nam,” ông Hanh nhấn mạnh.
Hiện tại, phần đuôi TBM số 1 đã được lắp ráp khoảng 70%. Các bộ phận khác như đầu cắt, khiên đào, tay trộn, buồng điều áp, xi lanh đẩy, hệ thống vận chuyển đất thải... sẽ lần lượt được chuyển về ga S9 và lắp ghép hoàn chỉnh.
Dự kiến, cuối tháng 1/2021, TBM số 1 sẽ được lắp ghép hoàn chỉnh, TBM số 2 sẽ được hoàn thiện vào tháng 3/2021.
Robot đào hầm đầu tiên của thành phố Hà Nội do hãng Herrenknecht (Đức) chế tạo với chiều dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn với bộ phận khiên đào phía trước đường kính 6,55m. Khoan đến đâu vỏ hầm sẽ được lắp đến đấy. Theo thiết kế, trong điều kiện lý tưởng, mỗi ngày máy sẽ đào được khoảng 10m đường hầm./.
Dự kiến tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội sẽ khai thác thương mại trước đoạn trên cao dài 8,5km vào cuối năm 2021, bắt đầu từ Nhổn đến ga S8-Đại học Giao thông Vận tải; 4km đoạn đi ngầm còn lại sẽ khai thác vào cuối năm 2022. Theo dự kiến, tuyến metro số 3 tiếp tục đi ngầm dưới phố Trần Hưng Đạo rồi sang phía Nam thành phố tới quận Hoàng Mai, thêm 8km ngầm nữa. Các nghiên cứu đã được tiến hành để công việc bắt đầu trên cơ sở tiếp tục dự án hiện tại. Dự án này có thể nhận được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ châu Âu, trong đó có Cơ quan Phát triển Pháp, bên cạnh Ngân hàng Phát triển châu Á. |