Giá nhiên liệu, tỷ giá “nhảy múa”: Các hãng bay "than" thu không đủ chi

Trong bối cảnh giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ liên tục biến động, các hãng hàng không đang gặp nhiều khó khăn khi thu không đủ bù chi và việc phục hồi sản xuất, kinh doanh đang gặp nhiều trở ngại.

Các hãng hàng không Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về doanh thu và với những khoản lỗ nặng nề, chưa thể khắc phục. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các hãng hàng không Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về doanh thu và với những khoản lỗ nặng nề, chưa thể khắc phục. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với việc các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ liên tục thay đổi, trong khi giá vé máy bay vẫn “đóng đinh” khung giá trần từ năm 2015 khiến doanh thu không đủ bù chi, các hãng hàng không vẫn đang phải “gồng mình” để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đôi cánh bay “nặng trĩu” chi phí đầu vào

Từ đầu năm 2023 đến nay, giá nhiêu liệu bay liên tục biến động mạnh, trong khi các hãng thường phải xây dựng mức giá cố định dựa trên cơ sở dự báo giá dầu thô Brent. Do đó, rủi ro giá nhiên liệu rất khó lường do tác động của kinh tế vĩ mô, thị trường năng lượng và địa chính trị thế giới.

Trong cơ cấu chi phí đầu vào của giá vé máy bay như nhiên liệu, tỷ giá… đều liên tục biến động. Chi phí nhiên liệu hàng không chiếm khoảng 36% chi phí vận chuyển, do đó biến động nhiên liệu làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không.

“Năm 2023, giá nhiên liệu bay được xây dựng khoảng 112 USD/thùng. Giá nhiên liệu bay chỉ cần tăng hoặc giảm 1 USD/thùng có thể tác động chi phí nhiên liệu năm nay tăng/giảm tương ứng khoảng 224 tỷ đồng,” đại diện Vietnam Airlines phân tích.

Để thấy được sự tác động của giá nhiên liệu đe dọa đến doanh thu của các doanh nghiệp vận tải hàng không, một co số so sánh cho thấy, giá nhiên liệu trung bình năm 2023 so với năm 2015 (thời điểm khung giá vé máy bay hiện tại được áp dụng) đã tăng tới 58,6%, từ mức giá 67,37 USD/thùng trung bình năm 2015 tăng lên mức 106,86 USD/thùng năm 2023. Với diễn biến này, theo tính toán của Vietnam Airlines chi phí nhiên liệu của Hãng năm 2023 sẽ tăng so với 2019 ở mức trên 6.200 tỷ đồng.

Mặt khác, chi phí vận chuyển hàng không có hơn 70% là chi phí bằng ngoại tệ trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại bằng VNĐ. Do vậy, những biến động tỷ giá giữa USD và VNĐ được các hãng hàng không thừa nhận sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến biên độ lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không.

Bổ sung thêm, đại diện Vietravel Airlines khẳng định hiện các hãng hàng không đã gần như kiệt quệ tài chính khi đang gặp các áp lực trong việc hoàn trả các khoản nợ phát sinh trước đó kèm mặt bằng lãi suất tăng cao trong thời gian qua.

“Các hãng hàng không đang trong tình trạng giá vé máy bay bán ra không đủ bù chi phí nên việc kéo chi phí di chuyển bằng máy bay về với đi tàu hỏa, xe khách là điều không tưởng,” đại diện Vietravel Airlines thẳng thắn nói.

Khách chờ làm thủ tục tại Nhà ga T1 Nội Bài.jpg
Các hãng hàng không đang trong tình trạng giá vé máy bay bán ra không đủ bù chi phí. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) cho rằng trải qua 3 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, các Hãng hàng không vẫn đang “gồng mình” đương đầu với những khó khăn, thách thức phục hồi như trước dịch (năm 2019). Vừa qua, các Hãng bay cũng đã công bố báo cáo tài chính với những khoản lỗ vẫn còn nặng nề mà hậu quả từ chính “di chứng” COVID-19.

Trong điều kiện hiện nay, ông Nề cũng cho biết giá nhiên liệu tiếp tục “nhảy múa” và vượt ngoài dự báo của theo kế hoạch đề ra của năm thì những kế hoạch về doanh thu tài chính sẽ kéo theo sự biến động và điều này làm cho kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh của các hãng bay bị ảnh hưởng rất lớn.

“Với đà tăng của đồng USD trên thị trường thế giới, biên độ chênh lệch tỷ giá USD/VND trong nước tính ra con số không đáng kể nhưng lại gây áp lực lớn lên giá vé máy bay, đặc biệt đối với giá vé máy bay nội địa được định vị bằng VND và không có phụ thu nhiên liệu,” Phó Chủ tịch VABA đánh giá.

Cấp thiết nới lỏng “vòng kim cô” giá trần

Nhìn nhận bức tranh hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không vẫn khó khăn ở thời điểm hiện tại, thậm chí là nhiều thách thức, ông Nề cũng chỉ ra lý do là giá bán vé máy bay không đủ bù đắp chi phí khi các biến động đầu vào như giá nhiên liệu, giá dịch vụ tại các Cảng hàng không, sân bay, chi phí không lưu không giảm, khung giá trần vé bay vẫn chưa được cơ quan quản lý Nhà nước điều chỉnh và điều này dẫn đến việc các Hãng bay chưa thể đạt được kết quả doanh thu tốt nhất.

Phân tích thêm, theo ông Nề, giá vé máy bay hiện được các Hãng hàng không đưa ra với nhiều dải vé khác nhau và đa dạng nhưng phụ thuộc nhiều vào khung giá trần Nhà nước quy định và không được vượt qua “vòng kim cô” này.

“Khung trần vé máy bay vẫn ‘đóng đinh’ từ năm 2015 và thực tế này hiện đã không còn phù hợp với tình hình đường bay nội địa nên cần được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp theo cơ chế thị trường. Các nước trên thế giới đều đang đi theo hướng nới lỏng và bỏ các quy định khung giá vé vận tải hàng không sẽ cho phép các hãng có biên độ điều hành giá vé rộng hơn, giúp chủ động trong việc linh hoạt cân bằng giữa việc đảm bảo giá vé cạnh tranh nhưng vẫn đáp ứng các yêu cầu của thị trường,” Phó Chủ tịch VABA nói.

hanh khach bay.jpg
Giá bán vé máy bay không đủ bù đắp chi phí khi các biến động đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá khiến các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhấn mạnh việc điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ là cần thiết, nhưng về lâu dài biện pháp này chưa đủ, ông Nề cho rằng VABA đã từng kiến nghị Nhà nước nên thực hiện cơ chế thị trường một cách triệt để hơn, không quy định giá trần cho các dịch vụ vận chuyển hàng không.

Dù các hãng hàng không đã cắt giảm nhiều chi phí để hạ giá thành cơ cấu giá vé, tuy nhiên, lãnh đạo VABA cũng cảnh báo sẽ là tác hại lớn nếu giá vé máy bay giảm sẽ kéo theo tỷ lệ thuận với doanh thu và nếu kéo dài sẽ khiến các Hãng hàng không “lỗ chồng lỗ”.

Chỉ ra thực tế năm 2023 và dự báo 2024 ngành hàng không vẫn còn đương đầu với những thách thức rất lớn về giá xăng dầu, tỉ giá, mức độ mở cửa của các thị trường quốc tế trọng điểm, nhằm gỡ khó khăn cho các hãng bay, VABA kiến nghị Nhà nước tiếp tục xem xét các chính sách hỗ trợ ngành hàng không, du lịch trong năm 2024, nhất là các hãng hàng không Việt Nam như điều chỉnh phí, lệ phí, áp dụng thuế môi trường đối với nhiên liệu bay với mức thấp nhất của khung thuế hiện hành là 1.000 đồng/lít, nới lỏng khung giá trần vé máy bay.../.

Trong văn bản trả lời các kiến nghị của VABA, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra quan điểm việc dỡ bỏ dần quy định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa cần có lộ trình và trong giai đoạn trước mắt, để tôn trọng và bảo đảm quyền định giá của doanh nghiệp, trong dự thảo Luật giá đã kịp thời hoàn chỉnh theo hướng chuyển từ quy định khung giá sang quy định giá tối đa nhằm tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh lành mạnh để giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục