Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Hồ Ngọc Loan, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long-chủ đầu tư 2 dự án thành phần Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là Bãi Vọt-Hàm Nghi và Hàm Nghi-Vũng Áng cho biết, đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã bàn giao 97,81% mặt bằng sạch cho 2 dự án thành phần, các khu tái định cư đang được triển khai. Đặc biệt, khó khăn về vật liệu thi công cao tốc cũng được địa phương này cơ bản tháo gỡ.
Cụ thể, ông Hồ Ngọc Loan cho hay để hoàn thành việc giải phóng mặt bằng những diện tích còn lại, hiện các địa phương ở Hà Tĩnh có cao tốc đi qua đang tập trung xây dựng các khu tái định cư; chi trả tiền giải phóng mặt bằng cho hộ dân thuộc diện tái định cư, hộ bị ảnh hưởng một phần tài sản, vật kiến trúc, cây cối; di dời hạ tầng đường điện và các công trình kỹ thuật; tháo gỡ vướng mắc trong khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ tốt nhất cho dự án triển khai và hoàn thành đúng tiến độ.
"Như vậy về giải phóng mặt bằng, hiện tại Hà Tĩnh chỉ còn vướng hệ thống đường điện cao thế và trung thế, một số trang trại lợn, vướng các nhà dân do chờ xây dựng các khu tái định cư….các vị trí này chưa ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Vì vậy, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh hơn việc này," ông Hồ Ngọc Loan khẳng định.
Về tiến độ trên công trường, ông Hồ Ngọc Loan thông tin, hiên các nhà thầu đang dồn lực đẩy nhanh tiến độ. Đáng mừng nhất là tỉnh Hà Tĩnh đã khơi thông được vấn đề mỏ vật liệu. Tuần qua, các nhà thầu đã bắt đầu khai thác được các mỏ đất và mỏ cát cho dự án.
Đây là điều kiện tiên quyết để các nhà thầu tăng tốc đẩy tiến độ. Các nhà thầu như Tổng công ty 319 – Bộ Quốc phòng, Công ty cổ phần Xây lắp 368 (Nghệ An), Công ty Trách nhiệm Hữu Hạn Xây dựng Tự Lập… đang có tiến độ tốt trên công trường và cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ khi mỏ vật liệu đã được giải quyết.
Chia sẻ về kết quả có được trong giải phóng mặt bằng của địa phương, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, cho hay đến nay, Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, phần vướng mắc còn lại chỉ rất ít đang tiếp tục được giải quyết. Kết quả đó khiến chúng tôi thực sự hài lòng bởi Hà Tĩnh là một trong ít địa phương đạt được kết quả giải phóng mặt bằng cao như vậy.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho rằng kết quả trên thể hiện sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và sự ủng hộ, đồng thuận lớn của nhân dân. Bởi địa phương xác định đây là công trình trọng điểm huyết mạch giao thông quốc gia, những lợi ích từ công trình mang lại là rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của tỉnh và rút ngắn thời gian đi lại, tạo thuận lợi cho người dân. Vì thế, từ khi có chủ trương đầu tư xây dựng cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua tỉnh Hà Tĩnh cả hệ thống chính trị của Hà Tĩnh đã vào cuộc.
[Đã giải ngân hơn 13.600 tỷ đồng dự Dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông]
Ông Võ Trọng Hải chia sẻ nhờ làm tốt việc tuyên truyền nên nhân dân hiểu và đã đồng thuận rất cao. Khi đã tuyên truyền xong, chính quyền tổ chức thành lập các hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng ở các huyện, thị. Hội đồng này làm việc đúng quy định, công khai, minh bạch, công tâm nên việc kiểm đếm thiệt hại, chi trả bồi thường, hỗ trợ được thuận lợi.
Về tháo gỡ khó khăn trong việc cấp mỏ vật liệu cho cao tốc Bắc-Nam ở Hà Tĩnh, ông Võ Trọng Hải thông tin, so với các địa phương khác thì Hà Tĩnh là tỉnh có số mỏ vật liệu phục vụ cao tốc Bắc-Nam lớn, đến 11 mỏ đất, cát. Đó cũng là một khó khăn rất lớn. Thế nhưng, nhờ đôn đốc quyết liệt, chủ động tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh giải quyết thủ tục nên đến nay nhiều mỏ đã được khai thác để phục vụ thi công.
Tại buổi kiểm tra hiện trường các dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giữa tuần qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đã ghi nhận sự nỗ lực của địa phương về giải phóng mặt bằng và mỏ vật liệu.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhìn nhận với các dự án xây dựng hạ tầng giao thông nói chung và các dự án cao tốc nói riêng, mặt bằng và vật liệu là 2 yếu tố tiên quyết tác động trực tiếp tới tiến độ dự án. Tới đây, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng để biểu dương Hà Tĩnh về những kết quả đã đạt được trong thời gian qua.
Đặc biệt, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhìn nhận: "Chưa bao giờ có địa phương nào chỉ trong 2 tuần mà giải quyết xong thủ tục mỏ cho nhà thầu khai thác. Chưa ở đâu mà từ trên xuống dưới, từ cấp tỉnh đến địa phương và nhân dân ủng hộ cho dự án như vậy. Làm cái gì cũng nhanh. Điều này cho thấy một khi tất cả đồng lòng sẽ biến những cái không thể thành có thể."
Đối với các chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu, tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu phải tăng tốc, bố trí thêm nhiều mũi thi công. Tranh thủ lúc điều kiện thuận lợi để tăng ca tăng kíp, tăng sản lượng bù cho những ngày mưa. Giai đoạn này càng phải chú ý đến chất lượng, nhất là công tác lu nền. Đây là hạng mục cực kỳ quan trọng tác động tới chất lượng đường sau này.
Cao tốc Bắc-Nam phía Đông qua địa bàn Hà Tĩnh đang triển khai gồm 4 dự án thành phần với tổng chiều dài hơn 107km gồm: Diễn Châu-Bãi Vọt; đoạn qua Hà Tĩnh dài gần 5km; dự án Bãi Vọt-Hàm Nghi dài hơn 35km, Hàm Nghi-Vũng Áng dài gần 54km và đoạn Vũng Áng-Bùng (đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh dài gần 14km).
Quy mô thiết kế tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh giai đoạn phân kỳ đầu tư 4 làn xe, mặt đường 17m; giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, nền đường 32,25m. Dự án dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026./.