Ngày 9/9, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra 3 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô và có cuộc làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cùng các sở, ban ngành liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ cũng như tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Tại dự án Khu nhà ở thu nhập thấp tại khu vực Bắc Cổ Nhuế-Chèm (Đông Ngạc-Bắc Từ Liêm), Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao chủ đầu tư-Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Thủ đô đã thực hiện dự án theo đúng cam kết, bàn giao đúng tiến độ.
Đến nay, cả 4 tòa nhà đã cất nóc và chủ đầu tư dự kiến sẽ bàn giao toàn bộ 930 căn hộ cho khách hàng trong tháng 12/2014 - vượt tiến độ so với hợp đồng đã ký kết.
Mức giá bán trung bình từ 10,3 đến 10,6 triệu đồng/m2 được Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá là rất hợp lý bởi trước đây, muốn sở hữu được một căn hộ ở những dự án có kiến trúc kiểu như này thường phải từ 20-30 triệu đồng/m2. Đặc biệt, chủ đầu tư đã quan tâm đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ tối thiểu kèm theo cho người dân như nhà trẻ, khu thương mại...
Một trong những dự án nhà ở xã hội có vị trí khá đẹp với hạ tầng đồng bộ nằm tại Khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm (Hoàng Mai), sử dụng quỹ đất 20%, do Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư và phối hợp cùng Công ty cổ phần BIC Việt Nam thực hiện.
Tại dự án này, HUD đã cơ bản đầu tư xong hạ tầng kỹ thuật. Theo phương án, HUD sẽ xây dựng 3 khối nhà cao 12-15 tầng với tổng số 441 căn hộ có diện tích từ 32-68m2. Tuy nhiên, hiện dự án này đang chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra do phải mất một thời gian khá dài chờ thủ tục.
Tại hiện trường, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị thành phố Hà Nội và các Sở, ngành liên quan xem xét rút gọn các thủ tục hành chính bởi kéo dài thời gian chờ đợi sẽ làm giảm hiệu quả của dự án và nhất là chậm nguồn cung nhà ở cho người dân.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu thanh tra khi đi kiểm tra các khu vực nhà ở xã hội tại các dự án phải chú ý về mật độ theo yêu cầu tiêu chuẩn đáp ứng không gian chung, không gian phụ về nhu cầu sinh hoạt của người dân, nhất là khi đưa công trình đưa vào khai thác sử dụng phải có một bộ máy quản lý thật tốt với mức giá phù hợp với người lao động trong thời điểm hiện nay.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, HUD là doanh nghiệp của nhà nước nên càng phải tiên phong đi đầu trong xây dựng nhà ở xã hội. Tại nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore... doanh nghiệp nhà nước rất được coi trọng và được giao đảm nhận trọng trách đứng ra làm nhà ở xã hội bởi loại hình này không đem lại nhiều lợi nhuận.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước nhập cuộc cũng phải làm nhanh bởi nhu cầu nhà ở xã hội ở Hà Nội hiện rất lớn và tốc độ như hiện này là chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác, xung quanh Thủ đô cần phải có thêm nhiều khu nhà ở xã hội nữa để phục vụ người dân có mức thu nhập thấp.
“Hiện có khoảng 90% người dân có nhu cầu về loại hình nhà ở này nên nếu thực hiện các dự án không tốt sẽ làm cho bộ mặt đô thị “lem nhem.” Giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội không chỉ là giá trị nhân văn mà còn là xây dựng đô thị phù hợp với sự phát triển của nên kinh tế và thu nhập của người dân, góp phần giảm áp lực khu vực trung tâm” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong nhóm các dự án nhà ở xã hội triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội, dự án nhà ở dành cho công nhân và học sinh-sinh viên được xem là kém hiệu quả hơn cả.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết các chỉ tiêu phát triển 2 loại hình nhà ở này có khả năng không đạt yêu cầu đề ra do ảnh hưởng từ nguồn tài chính (khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hạn chế vốn ngân sách) cũng như khả năng chi trả của người thụ hưởng. Đặc biệt, các dự án ký túc xá trước đây được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nhưng nay không tiếp tục bố trí bổ sung nên chưa hoàn thành.
Trong số 10 dự án triển khai, mới có 2 dự án đi vào khai thác, sử dụng và có tới 8 dự án phải tạm dừng.
Thị sát tại dự án khu nhà ở dành cho sinh viên tại Pháp Vân, đơn vị quản lý cho biết một căn phòng ở dành cho 8 người với 4 dãy giường tầng sẽ có mức giá thuê khoảng 230.000 đồng/người/tháng. Mức giá này áp dụng cho tiêu chuẩn 7m2/sinh viên. Tuy nhiên, nếu người ở chấp nhận điều kiện chỉ 4m2/sinh viên thì giá thuê sẽ giảm được gần một nửa, chỉ còn khoảng 120.000 đồng/sinh viên/tháng.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần phải có giải pháp để hạ mức phí thuê nhà. Trong khi quỹ nhà có hỗ trợ giá còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được hết nhu cầu chung của sinh viên thì nên ưu tiên cho những trường hợp thực sự khó khăn, đối tượng chính sách, con em đồng bào dân tộc thiểu số hoặc hộ nghèo.
Theo báo cáo chung của thành phố Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có 66 dự án phát triển nhà ở xã hội đã và đang triển khai, với hơn 5 triệu m2 sàn nhà ở xây mới. Trong đó có 44 dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp (kể cả các dự án nhà ở xã hội được chuyển đổi từ nhà ở thương mại) với khoảng hơn 3,8 triệu m2 sàn nhà ở xây mới, tương đương 37.800 căn hộ; 10 dự án nhà ở sinh viên với khoảng 362.775m2 sàn xây dựng, đáp ứng cho khoảng 39.114 sinh viên; 12 dự án nhà ở công nhân với khoảng 838.410m2 sàn xây dựng, đáp ứng cho 40.794 người.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định triển khai các dự án nhà ở xã hội là chính sách đúng đắn, được người dân quan tâm, kỳ vọng; trách nhiệm tổ chức thực hiện là của các ngành, chính quyền địa phương và cả người dân. Nhà ở xã hội của Thủ đô có hình thức hiện đại, góp phần tạo ra diện mạo văn minh cho đô thị mà Khu Đặng Xá là điển hình về một tổ hợp hoàn chỉnh, hạ tầng hiện đại, thân thiện môi trường. Những mô hình này cần nhân rộng để xóa đi những mặc cảm và phân hóa giàu nghèo. Tuy nhiên, nhu cầu về quỹ nhà này vẫn rất lớn nhưng đáp ứng còn chậm.
Thị trường bất động sản đang ấm lên chính là do phát triển nhà ở xã hội, giảm lệch pha cung cầu. Muốn vậy, hoàn thiện thể chế vẫn là vấn đề cần tiếp tục triển khai. Đặc biệt, Luật Nhà ở sửa đổi sẽ được thông qua cuối năm nay có những quan điểm rất mới về phát triển nhà ở.
Bộ trưởng cho rằng, Hà Nội cần có mục tiêu, lộ trình phát triển nhà ở xã hội từ 5 đến 10 năm và đưa ra kế hoạch cụ thể cho từng năm. Cùng đó, quy hoạch phát triển nhà ở xã hội phải được rà soát để đảm bảo cân đối cung-cầu; kết nối giao thông công cộng thuận tiện. Thủ tục đầu tư mới một khu đô thị thì có thể phải làm chặt để tránh thất thoát nhưng nhà ở xã hội là nhu cầu cấp bách của dân thì cần giảm thiểu thủ tục, giao về một đầu mối nhằm rút ngắn thời gian giải quyết, nhất là các dự án chuyển đổi từ thương mại sang nhà ở xã hội./.