Với sự phối hợp của Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương, công tác chuẩn bị mặt bằng và mỏ vật liệu phục vụ dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đang được đẩy nhanh tiến độ và phấn đấu sẽ khởi công trước ngày 31/12/2022.
Áp tiến độ mặt bằng, tìm thêm mỏ vật liệu
Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy đến nay, các địa phương đã thực hiện công tác đo đạc tại thực địa đạt trên 93%, kiểm kê tài sản trên đất đạt 87% và đang tích cực triển khai xây dựng khu tái định cư, lập phương án đền bù..., phấn đấu giải phóng mặt bằng 70% diện tích trước ngày 20/11/2022 và khởi công toàn bộ các dự án trước ngày 31/12/2022, bàn giao toàn bộ các diện tích còn lại trong quý 2/2023 theo yêu cầu của Chính phủ.
Hiện tại, dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đã được Bộ Giao thông Vận tải giao kế hoạch vốn 7.174,8 tỷ đồng (năm 2022) cho các địa phương để triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Đến nay, các địa phương đã giải ngân được 408,5 tỷ đồng (Hà Tĩnh 220,23 tỷ đồng; Quảng Bình 15,6 tỷ đồng; Bình Định 118,75 tỷ đồng; Cà Mau 54 tỷ đồng) và tiếp tục tích cực triển khai công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng như thực hiện giải ngân.
Theo ông Lê Quốc Đạt, Giám đốc Ban quản lý dự án và đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, với số vốn hơn 870 tỷ đồng được bố trí cho tiểu dự án giải phóng mặt bằng, dự kiến đến cuối tháng Mười và đầu tháng 11/2022, các huyện sẽ tiến hành chi trả đợt 1 khoảng 190 tỷ đồng cho phần đất nông nghiệp.
“Quảng Ngãi cam kết sẽ bàn giao ít nhất 50% mặt bằng của dự án trước ngày 5/11 và bàn giao ít nhất 70% mặt bằng của dự án trước ngày 30/11/2022 để làm cơ sở cho việc khởi công gói thầu xây lắp của dự án,” ông Đạt nói.
[Giao mặt bằng đúng tiến độ để khởi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2]
Về phía tỉnh Bình Định, dự kiến đến ngày 20/11/2022 địa phương này cũng hoàn thành bàn giao 70% mặt bằng và đến quý 2/2023 hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng của dự án. Đến hết tháng 11/2022, tỉnh có kế hoạch chi trả đền bù cho 2.429 hộ, tương đương 78% trên tổng khối lượng phải giải phóng mặt bằng (400 tỷ đồng).
Đối với nguồn vật liệu, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay chủ đầu tư, tư vấn đã cơ bản hoàn thành khảo sát mỏ vật liệu xây dụng thông thường, thỏa thuận với các địa phương và đưa vào hồ sơ mỏ vật liệu.
Cụ thể, đối với vật liệu cho 10 dự án thành phần từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa, hồ sơ khảo sát đã xác định 147 mỏ đất đắp nền đường với tổng trữ lượng khoảng gần 188 triệu m3, đáp ứng đủ nhu cầu của dự án khoảng hơn 59,5 triệu m3.
Khó khăn nhất chính là cát đắp nền đường của các dự án cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khi theo tính toán cần khoảng 39 triệu m3, trong khi nguồn cát đắp bảo đảm chất lượng chủ yếu tập trung ở tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát lại quy hoạch mỏ cát sông trong khu vực này, nghiên cứu dự án dùng cát biển để đắp nền đường bảo đảm nguồn cung cấp cho các dự án.
Đưa ra tiêu chí để sàng lọc nhà thầu
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi của Bộ Giao thông Vận tải, 12 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có tổng chiều dài 720km (ngắn hơn gần 8km so với báo cáo tiền khả thi).
Dự án có tổng mức đầu tư 147.000 tỷ đồng (giảm 4 tỷ đồng so với bước nghiên cứu tiền khả thi), bình quân hơn 200 tỷ đồng/km. Dự kiến, công trình này cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Để phục vụ công tác lựa chọn nhà thầu, từ đầu tháng 9/2022, phương án tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ.
Cụ thể, 12 dự án thành phần với chiều dài 720km được đề xuất chia thành 30 gói thầu (phạm vi khoảng 20-40km/ gói thầu). Giá trị dự kiến khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng/ gói thầu. Số lượng nhà thầu liên danh khoảng 3 nhà thầu/ gói thầu. Một nhà thầu có thể được chỉ định thầu nhiều hơn 1 gói thầu.
Theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, trong tháng 10/2022, công tác thiết kế kỹ thuật dự án phải hoàn thành; trong tháng 11/2022 hoàn thành dự toán toàn bộ dự án đồng thời mời đơn vị kiểm toán vào kiểm tra, thẩm định trước khi tiến hành chỉ định thầu.
Kế đến, tháng 12/2022 dự án sẽ tiến hành lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát trước ngày 16/12; ký hợp đồng xây lắp trước ngày 20/12 và chuẩn bị công tác khởi công các gói thầu đầu tiên từ ngày 21-24/12. Các gói thầu còn lại hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công trong quý 1/2023 theo đúng yêu cầu Nghị quyết số 18 của Chính phủ.
Là đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ đầu tư dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn dài 88km, có tổng mức đầu tư là 20.469 tỷ đồng, ông Lê Minh Nam, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 2 cho biết công tác thiết kế và lập dự toán đoạn tuyến này đang được Ban gấp rút triển khai thực hiện và sẽ trình Cục Quản lý đầu tư xây dựng thẩm định dự toán.
[Thủ tướng: Chấm dứt tình trạng thông thầu, bán thầu, chia cắt dự án]
“Một gói thầu từ 3.000 tỷ đồng trở lên đã có thể lựa chọn được nhà thầu lớn có đủ năng lực, kinh nghiệm thi công và tránh được tình trạng manh mún trong phân chia thầu. Chưa kể, trong năm nay sẽ hoàn thành 4 dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 thì những nhà thầu này đã có năng lực thi công, tài chính chắc chắn sẽ tham gia tiếp vào giai đoạn 2,” ông Nam nói.
Mặt khác, theo ông Nam, trường hợp liên danh tham gia gói thầu, từng thành viên phải đáp ứng điều kiện năng lực, kinh nghiệm tương ứng nội dung, phạm vi công việc đảm nhận theo thỏa thuận liên danh theo các tiêu chí trên đồng thời có các chế tài xử lý đúng quy định theo hợp đồng đã ký
Trong khi đó, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng công tác chỉ định thầu cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 tới đây cần phải công khai rộng rãi cả về tiêu chí và kết quả lựa chọn.
“Khi ấy, giám sát doanh nghiệp trúng thầu không chỉ là chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước mà còn là người dân, các nhà thầu trong lĩnh vực giao thông bị ‘trượt’ vòng chỉ định. Căn cứ vào hồ sơ do thầu chính đề xuất, nếu thầu phụ kém, không đúng năng lực so với khối lượng công việc được giao, việc xử lý thầu chính cũng phải thực hiện,” ông Chủng nói./.