Hà Nội dự kiến thu 2.200 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất

Năm 2015, Hà Nội xác định đấu giá quyền sử dụng đất là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng thu ngân sách, với dự kiến thu 2.200 tỷ đồng.
Hà Nội dự kiến thu 2.200 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất ảnh 1(Ảnh minh họa: Hoàng Lâm/TTXVN)

Năm 2015, Hà Nội xác định công tác đấu giá quyền sử dụng đất là một trong nhưng nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách.

Do đó, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ một số giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất. Hà Nội dự kiến thu 2.200 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2015.

Để đạt được kết quả trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề xuất thành phố và các địa phương ngay từ đầu năm phải cân đối, bố trí đủ nguồn vốn chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng đối với các dự án chuyển tiếp; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật các khu đất tổ chức đấu giá theo quy định.

Đối với những dự án khó khăn về nguồn vốn, Sở cho rằng nên chia thành nhiều giai đoạn và thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư cũng như giảm áp lực về nguồn vốn đầu tư từ ngân sách. Trường hợp dự án quy mô trên 5.000m2, các đơn vị chức năng nên ưu tiên thực hiện theo hình thức đấu giá thực hiện dự án đầu tư, nhằm giảm áp lực và chi phí về vốn khi thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh chỉ đạo, đối với các địa phương còn quỹ đất đủ điều kiện đấu giá nhưng năm 2014 không tổ chức đấu giá theo quy định, chậm nhất đến tháng Sáu tới phải hoàn thiện các thủ tục đấu giá theo quy định (đơn cử như dự án đấu giá đất khu 50,7ha thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy...).

Đối với quỹ đất nhỏ lẻ, xen kẹt, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát khai thác và ứng nguồn kinh phí địa phương bố trí cho việc chuẩn bị quỹ đất đấu giá. Trường hợp này các quận, huyện, thị xã có thể lựa chọn theo 2 phương thức: đấu giá thực hiện dự án đầu tư hoặc đấu giá làm nhà ở tại đô thị, nông thôn cho hộ gia đình, cá nhân. Riêng quỹ đất công ích, đất bãi bồi ven sông, đất chưa sử dụng, Ủy ban Nhân dân cấp huyện đôn đốc cấp xã hoàn thiện hồ sơ theo quy định và thực hiện đấu giá quyền thuê đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (thời hạn 5 năm).

Cũng theo kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân. Đối với quỹ đất nhỏ lẻ, xen kẹt, đấu giá quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân cho phép không thuê tư vấn xác định giá đất, giao cấp huyện tổ chức điều tra khảo sát giá đất thị trường và đề xuất giá khởi điểm. Căn cứ giá khởi điểm do Ủy ban Nhân dân cấp huyện đề xuất, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng liên ngành sẽ xem xét, tổng hợp trình thành phố phê duyệt.

Năm 2014, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Nhân dân thành phố, sự vào cuộc tích cực của Tổ công tác liên ngành thành phố, đặc biệt là việc cải cách chính sách đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013, Hà Nội đã thu được gần 3.000 tỷ đồng từ công tác đấu giá quyền sử dụng đất với diện tích đất tổ chức đấu giá 18,38ha. Trong đó, đấu giá quỹ đất do thành phố quản lý (trên 5.000m2) có 10 đơn vị đã tổ chức đấu giá với diện tích là 11ha đất, số tiền trúng đấu giá hơn 2.073 tỷ đồng; vượt 38% so với kế hoạch giao đầu năm; đạt 105% so với kế hoạch bổ sung năm 2014.

Đấu giá quỹ đất do cấp huyện quản lý (trên 5.00m2) có 16/30 quận huyện thị xã đã tổ chức đấu giá với diện tích là 7,38ha đất, số tiền trúng đấu giá là 916,17 tỷ đồng; góp phần tăng thu ngân sách cấp huyện, tạo nguồn vốn đầu tư phát triển và xây dựng nông thôn mới.

Điểm mới trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất năm qua là thực hiện Quyết định số 6187/QĐ-UBND ngày 25/11/2014 của Ủy ban Nhân dân thành phố về việc thành lập Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất thành phố, từ tháng 12/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình thành phố phê duyệt 5 phương án đấu giá thực hiện dự án đầu tư.

Đến ngày 31/12/2014, Ủy ban Nhân dân quận Long Biên đã tổ chức đấu giá thành công 1 dự án xây dựng nhà ở thấp tầng để bán đối với 4 lô đất A3, A5, A6, A7 thuộc khu đấu giá phường Thạch Bàn với kết quả trúng đấu giá là 184,93 tỷ đồng.

Có thể kể đến một số địa phương, đơn vị có kết quả đấu giá tốt như Quận Long Biên gần 673/200 tỷ đồng, vượt 226%; quận Hà Đông gần 370/100 tỷ đồng, vượt 269%; huyện Đông Anh gần 243/200 tỷ đồng, vượt 22%; huyện Mê Linh gần 172/50 tỷ đồng, vượt 243%; huyện Thanh Trì hơn 160/100 tỷ đồng, vượt 61%; huyện Sóc Sơn gần 96/50 tỷ đồng, vượt 91%... Các đơn vị có kết quả đấu giá thấp là: Cầu Giấy, Đan Phượng, Trung tâm giao dịch đất đai và phát triển quỹ đất Hà Nội.

Về khó khăn cơ chế chính sách, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chỉ rõ, đối với các dự án đấu giá quyền sử dụng đất làm nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân do thành phố quản lý (dự án có quy mô diện tích trên 5.000m2), thành phố phê duyệt phương án đấu giá.

Tuy nhiên, trước đây các dự án này thành phố đã giao các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư để thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất.

Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ các dự án này đề nghị thành phố ủy quyền cho Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân (tương tự như trường hợp tại huyện Gia Lâm, Ủy ban Nhân dân quận Long Biên đã được thành phố cho phép thực hiện)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.