Hà Nội: Xe cá nhân tăng chóng mặt, ùn tắc càng ngày phức tạp

Sở Giao thông Vận tải kiến nghị thành phố sớm đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch, phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế xe cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Các phương tiện giao thông gia tăng từ 4-5%/năm, vì vậy tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Các phương tiện giao thông gia tăng từ 4-5%/năm, vì vậy tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, hiện nay, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến hết sức phức tạp khi vừa xử lý được điểm ùn tắc này thì lại phát sinh thêm điểm mới.

Xe cá nhân gia tăng từ 4-5%/năm

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tính đến tháng 11/2022, địa bàn thành phố có tổng số 7.784.657 phương tiện giao thông (ôtô 1.056.423, xe máy 6.545.317, xe máy điện 182.917), chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Thủ đô.

Trong khi đó, mạng lưới vận tải khách công cộng bằng xe buýt gồm 154 tuyến, mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%, tỷ lệ vận tải khách công cộng hiện nay đạt được khoảng 17,8%.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, tỷ lệ diện tích đất giành cho giao thông phải đạt từ 20-26%; diện tích đất giành cho giao thông tĩnh đạt 3-4%, tỷ lệ vận tải công cộng phải đạt được từ 50-55%.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thừa nhận hiện nay tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,07%; diện tích đất giành cho giao thông tĩnh mới chưa đến 1%; tỷ lệ vận tải công cộng đạt được khoảng 17,8%.

“Trong khi đó, hàng năm các phương tiện giao thông gia tăng từ 4-5%/năm, vì vậy tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải phát đột phá để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông,” ông Thường đánh giá.

[Ùn tắc giao thông Hà Nội: Khi hạ tầng tỷ lệ nghịch gia tăng xe cá nhân]

Đến hết tháng 11/2022, số điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm là 35 điểm, các điểm ùn tắc tập trung chủ yếu trong khu vực nội thành từ Vành đai 3 trở vào. Từ đầu năm đến nay Sở Giao thông Vận tải đã chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Ủy ban nhân dân các quận huyện và các đơn vị liên quan tập trung xử lý được 8/35 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm như ngã tư Linh Đường-Nguyễn Hữu Thọ, nút giao Trần Duy Hưng-Hoàng Minh Giám-Nguyễn Chánh….

Phía Sở Giao thông Vận tải cũng chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là tốc độ phát triển phương tiện giao thông cá nhân cao hơn tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông dẫn đến lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn gây quá tải kết cấu hạ tầng giao thông; ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông còn hạn chế; nhiều công trình giao thông chưa hoàn thành theo đúng tiến độ để kết nối vào mạng lưới giao thông hiện có đồng thời nhiều tuyến đường phải tổ chức rào chắn phục vụ thi công các công trình trên địa bàn thành phố.

Trên cơ sở theo dõi đánh giá giao thông trên địa bàn thành phố và tiến độ triển khai các dự án của các chủ đầu tư trên địa bàn thành phố, nhà chức trách dự kiến phát sinh 10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm gồm đường Nguyễn Xiển đoạn từ đường Nguyễn Trãi đến đường bao quanh Khu tưởng niệm Chu Văn An; đường Nguyễn Trãi (đoạn từ ngõ 495 đến đường Nguyễn Xiển); khu vực Ngã ba Kim Đồng-Giải Phóng; ngã tư Hồ Tùng Mậu-Mai Dịch; khu vực ngã tư Phùng Hưng-Tô Hiệu (Hà Đông)...

Xén mặt đường, đầu tư hạ tầng đồng bộ

Để cải thiện tình hình giao thông trong thời gian cuối năm, Sở Giao thông vận tải phối hợp với liên ngành tiếp tục tập trung công tác tổ chức giao thông xử lý 4 điểm ùn tắc giao thông gồm nút giao Lê Văn Lương-Hoàng Minh Giám; ngã tư Châu Văn Liêm-Lê Quang Đạo; Khu vực cống Trung Văn; nút giao Lê Quang Đạo-đường gom Đại lộ Thăng Long và theo dõi, điều chỉnh tổ chức giao thông trên nhiều tuyến đường khác.

Đưa ra giải pháp trước mắt, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công an thành phố, các quận, huyện và sở ngành liên quan rà soát các vị trí giao cắt gây xung đột giao thông để bố trí lực lượng chốt trực hướng dẫn giao thông nhằm giảm ùn tắc; rà soát các bất cập của tổ chức giao thông, nghiên cứu tổ chức giao thông hợp lý hạn chế xung đột (điều chỉnh chu kỳ đèn, điều chỉnh hạ tầng nút giao, điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút,…).

Hà Nội: Xe cá nhân tăng chóng mặt, ùn tắc càng ngày phức tạp ảnh 1Hà Nội cần sớm tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Các đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải, xử lý tình trạng các phương tiện cố tình đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi xe lên vỉa hè… coi đây là giải pháp tích cực nhằm xử lý nghiêm các vi phạm, tạo hiệu quả răn đe các hành vi vi phạm, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

[Hà Nội phấn đấu vận tải công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu vào 2025]

Hà Nội cũng xén mở rộng tối đa mặt đường tăng khả năng thông hành cho các phương tiện lưu thông; xén mở rộng các nút giao, tạo các nhánh rẽ phải liên tục giảm bớt lưu lượng phương tiện dừng chờ tại nút.

Để phục vụ cho công tác tổ chức giao thông, xử lý các điểm ùn tắc giao thông Sở Giao thông Vận tải đề nghị thành phố cho mua một số công cụ để hỗ trợ cho công tác tổ chức giao thông gồm phần mềm mô phỏng giao thông Vissim; phần mềm đếm xe; hệ thống thiết bị flycam, máy quay phim.

Về lâu dài, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị thành phố sớm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch, trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường Vành đai; các tuyến trục chính có tính kết nối và các cầu khác qua sông để tăng tính kết nối; tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông, vận tải…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục