Năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương tiếp tục báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh trình Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua các danh mục dự án, công trình thu hồi đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo chỉ tiêu đã phân bổ của Chính phủ.
Cụ thể là thu hồi trên 2.877ha đất để thực hiện 567 dự án, công trình phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng; chuyển mục đích sử dụng trên 902ha đất trồng lúa, trên 33ha đất rừng phòng hộ, gần 1ha rừng đặc dụng để thực hiện 583 dự án, công trình.
Ông Phạm Quang Hưng, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương cho rằng, hiện nay việc quy định giá đất vẫn chưa sát với giá thị trường, dẫn tới nhiều khiếu kiện kéo dài; việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất luôn gặp khó khăn, chậm trễ.
Ông Hưng đề nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu để kịp thời điều chỉnh giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất sau khi một số địa phương trên địa bàn được nâng cấp lên đô thị; việc đền bù đất nông nghiệp cần có mức tương đương với các tỉnh, thành phố giáp ranh.
Ngày 25/11, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án; giá đất, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024.
[Trà Vinh: Thu hồi các dự án đã cấp phép đầu tư chậm triển khai]
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích đề nghị tất cả các dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất cần thông qua Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương, trừ những dự án cấp bách mới trình Thường trực Hội đồng Nhân dân.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cần tham mưu với Ủy ban Nhân dân tỉnh để xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để tránh tình trạng các huyện, thị xã, thành phố trình các dự án mang tính chất đón đầu mà chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp nhận chủ trương đầu tư.
Là cơ quan tham mưu chính, bà Bích đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cần có sự tham mưu chuẩn, để xem xét, thẩm tra năng lực của nhà đầu tư, tránh tình trạng giao dự án mà không triển khai.
Đối với các dự án không triển khai, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh kiên quyết thu hồi.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, trong kế hoạch sử dụng đất được duyệt năm 2019, tổng số công trình, dự án trong năm kế hoạch trên địa bàn tỉnh là trên 7.712ha với 1.790 công trình, dự án, gồm các loại đất như quốc phòng, an ninh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất phát triển hạ tầng.
Kết quả thực hiện ước đến hết tháng 10/2019 là trên 2.622 ha với 1.085 công trình, dự án, đạt 36,6% kế hoạch được duyệt. Trong đó, công trình, dự án phải thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương là hơn 4.673ha với 1.353 công trình, dự án; kết quả thực hiện ước đến hết tháng 10/2019 là 1.962ha với 800 công trình, dự án, đạt 42% kế hoạch được duyệt.
Khu vực cần chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất và góp vốn bằng tiền sử dụng đất là trên 2.498ha với 437 công trình, dự án.
Đến hết tháng 10/2019, Hải Dương đã thực hiện được trên 660ha với 285 công trình, dự án, đạt 26,4%.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, kết quả sử dụng đất năm 2019 vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như kết quả triển khai đạt thấp cả về số lượng dự án và diện tích đất; một số huyện kết quả đạt rất thấp như Bình Giang, Cẩm Giàng và thành phố Hải Dương; việc thực hiện các trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng ở một số địa phương còn vướng mắc, thời gian kéo dài.
Nhiều dự án sản xuất kinh doanh, dự án khu đô thị, nông thôn, tiến độ triển khai còn chậm. Một số công trình hạ tầng xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương do thiếu vốn nên việc giải phóng mặt bằng còn chậm, kéo dài./.