Theo Bộ Xây dựng, trong khuôn khổ dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” sẽ có các hội nghị tập huấn "Giới thiệu kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội tại Hàn Quốc và cải thiện chính sách cho Việt Nam,” tổ chức tại một số địa bàn trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng, cho biết dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 848/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 phê duyệt chủ trương đầu tư "Đề án xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030" do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
Dự án sử dụng vốn để hỗ trợ nghiên cứu xây dựng khung chính sách và bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà và bao gồm 5 hợp phần: nghiên cứu các cơ chế chính sách hiện tại của Việt Nam; điều tra, khảo sát các nhu cầu từ các đối tượng của nhà ở xã hội; đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ và xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030; sửa đổi Luật Nhà ở 2014.
Theo ông Hà Quang Hưng, dự án này sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhà ở xã hội; đồng thời nâng cao năng lực của các cơ quan hoạch định chính sách, các cấp quản lý nhà ở tại Việt Nam.
Mặt khác, dự án còn nhằm mục tiêu quan trọng là bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu hụt nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp; đồng thời, cải thiện điều kiện sống của người có thu nhập thấp và trung bình; giúp thị trường nhà ở Việt Nam phát triển bền vững, lành mạnh... Do đó, việc triển khai dự án rất cần thiết, phù hợp với mục tiêu, kế hoạch của Chính phủ, hướng tới hoàn thiện các chính sách về nhà ở cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội, ông Hưng nhấn mạnh.
[Thời hạn vay vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội tối đa 25 năm]
Đáng chú ý, dự án là các đề xuất tổng thể nhằm cải thiện chính sách nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để các nhà hoạch định chính sách hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê; nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, chuyên viên của cơ quan có liên quan trong công tác hoạch định các cơ chế chính sách trong các giai đoạn tiếp sau.
Bằng kinh nghiệm phong phú tại các dự án phát triển nhà ở xã hội tại nhiều nước trên thế giới, các chuyên gia KOICA sẽ nhân rộng các sáng kiến, kinh nghiệm tốt từ những chương trình thí điểm khác nhau đã thực hiện và ứng dụng các phương pháp đã thành công trong điều kiện cụ thể tại Việt Nam.
Các phân tích, đánh giá, đề xuất cũng sẽ được cung cấp nhằm giúp Bộ Xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách để lồng ghép các cách tiếp cận phát triển nhà ở xã hội tiên tiến trên thế giới vào các chương trình phát triển nhà ở xã hội hiện nay.
Các nhà hoạch định chính sách và cán bộ của Chính phủ có liên quan đến xây dựng chính sách nhà ở xã hội sẽ được đào tạo, phát triển các kỹ năng, khả năng tương ứng thông qua các chương trình nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật.
Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và và thị trường bất động sản, đến nay cả nước, đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 5,4 triệu m2.
Ngoài ra, cả nước đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn hộ. Mặc dù kết quả này thể hiện nỗ lực rất lớn nhưng vẫn còn thấp so với kế hoạch, chỉ đạt khoảng 42% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 là 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội./.