Hãng bay sẵn sàng mở lại đường bay quốc tế để sớm vượt qua đại dịch

Hãng bay sẵn sàng mở lại đường bay quốc tế để sớm vượt qua COVID-19

Hiện các hãng hàng không Việt Nam đã sẵn sàng và chuẩn bị kế hoạch cho việc mở lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ nhằm vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.
Các hãng hàng không Việt đã sẵn sàng và có các kế hoạch để khôi phục lại đường bay quốc tế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Các hãng hàng không Việt đã sẵn sàng và có các kế hoạch để khôi phục lại đường bay quốc tế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Khi chính phủ Việt Nam mở cửa đường bay quốc tế, số lượng chuyến bay và khách trên các đường bay quốc tế tăng sẽ là một yếu tố quan trọng giúp hãng hàng không có thêm doanh thu, bù đắp chi phí, sớm vượt qua khó khăn đại dịch COVID-19 và nắm bắt cơ hội phục hồi.

Rốt ráo chuẩn bị cho “giờ G”

Chỉ còn gần 1 tuần nữa là đến thời điểm cho phép khôi phục đường bay quốc tế thương mại (ngày 1/1/2022). Hiện các hãng hàng không Việt Nam đã sẵn sàng và chuẩn bị kế hoạch cho việc mở cửa biên giới bầu trời.

Trên cơ sở dịch bệnh được kiểm soát tích cực tại nhiều quốc gia và kết quả đàm phán của các nhà chức trách, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trong nửa đầu năm 2022.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng việc nối lại các đường bay sẽ được thực hiện trong hai giai đoạn và phụ thuộc vào việc phê duyệt, triển khai của cơ quan chức năng.

Cụ thể, giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu từ 1/1/2022, Vietnam Airlines lên kế hoạch khai thác các chuyến bay hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia. Giai đoạn này dự kiến chỉ thực hiện trong thời gian ngắn khoảng hai tuần. Vietnam Airlines sẽ mở bán vé sau khi có phê duyệt của nhà chức trách.

Giai đoạn 2, Vietnam Airlines lên kế hoạch khôi phục thêm các đường bay hai chiều giữa Việt Nam và Anh, Pháp, Đức, Nga, Australia, Hongkong (Trung Quốc), Malaysia.

Tần suất khai thác theo phương án phân bổ của Cục Hàng không Việt Nam. Trong giai đoạn 1, mỗi chặng bay dự kiến từ 1-4 chuyến/tuần và sẽ tăng dần dựa trên nhu cầu khai thác thực tế và yêu cầu phòng chống dịch bệnh; trong đó số lượng chuyến bay tập trung trên các đường bay có nhu cầu lớn như Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Các chặng bay đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Nga, Australia, Hoa Kỳ dự kiến sẽ được Vietnam Airlines khai thác bằng các dòng tàu bay thân rộng lớn nhất của hãng là Boeing 787 hoặc Airbus A350.

[Kế hoạch khôi phục các đường bay quốc tế thường lệ hiện ra sao?]

Trong khi đó, hãng hàng không Vietjet đã sẵn sàng mở lại đường bay quốc tế thường lệ đến Tokyo, Seoul, Đài Bắc (Đài Loan), Bangkok, Singapore, Phnom Penh khi được nhà chức trách phê duyệt.

Bên cạnh đó, hãng hàng không Vietjet mới đây cũng công bố đường bay thẳng Việt Nam-Nga từ tháng 7/2022, kết nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang với Moscow. Vé máy bay quốc tế sẽ được hãng hàng không mở bán khi được cấp phép.

Mới đây nhất, tại Melbourne (Australia), hãng hàng không Bamboo Airways công bố đường bay thẳng Thành phố Hồ Chí Minh- Melbourne và theo kế hoạch sẽ triển khai đường bay thẳng thường lệ ngay từ đầu năm 2022, khi điều kiện thị trường cho phép.

Các hãng hàng không khuyến cáo hành khách theo dõi thông tin và đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhập cảnh tại điểm đến theo quy định của các cơ quan chức năng trước khi mua vé, như các yêu cầu về hộ chiếu vaccine, xét nghiệm âm tính, tình trạng tiêm chủng hoặc khỏi bệnh COVID-19, nơi lưu trú tại điểm đến, thời gian cách ly…

Vẫn chờ sự thống nhất giữa các quốc gia

Đại diện các hãng hàng không thừa nhận khó khăn lớn nhất hiện nay là việc các hãng bay chưa được Cục Hàng không Việt Nam phân bổ đường bay, số chuyến bay đến thị trường nào.

Khẳng định vẫn đang tiếp tục làm việc với các nhà chức trách để bổ sung, hoàn thiện kế hoạch bay, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết đã định hướng xây dựng mạng bay quốc tế giai đoạn sau phục hồi COVID-19 gồm chủ động triển khai sớm trên cơ sở chính sách về mở cửa biên giới của Chính phủ; đưa tải nhanh, sớm với mục tiêu giành thị phần trên cơ sở bù đắp chi phí biến đổi; ưu tiên khai thác các đường bay trong khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, các đường bay có dung lượng thị trường lớn trong quá khứ để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường; ổn định khai thác các đường bay dài tới châu Âu, Australia, Mỹ với lợi thế đội tàu bay thân rộng hiện đại.

Sau khi thị trường phục hồi và không cần quy định hạn chế số chuyến bay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu sẽ phục hồi lại sớm nhất tần suất khai thác như trước khi đại dịch xảy ra.

Hãng bay sẵn sàng mở lại đường bay quốc tế để sớm vượt qua COVID-19 ảnh 1Dự báo khách du lịch và thăm thân sẽ là đối tượng khách hồi phục sớm nhất với hàng không. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng tiết lộ, các tổ chức lớn trên thế giới đều dự báo khách du lịch và thăm thân sẽ là đối tượng hồi phục sớm nhất. Trên cơ sở đó, ngành hàng không và du lịch sẽ có nhiều cơ hội để phục hồi sản xuất kinh doanh.

[Mở lại đường bay thương mại quốc tế: Giải pháp cho du lịch, hàng không]

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, các nước rất quan tâm đến việc mở lại đường bay quốc tế, tuy nhiên họ vẫn đang cân nhắc một số vấn đề; trong đó có việc nhu cầu kiểm dịch như thế nào, có thuận lợi không, có đảm bảo cho các hãng của bạn bay đến hay không? Ngoài ra, các nước cũng đang cân nhắc bố trí số chuyến phân bổ của nước mình, phân bổ cho hãng nào? Chỉ định ai bay?...

Hiện Cục Hàng không Việt Nam đang tích cực triển khai các công việc để sớm khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách tới các địa bàn có hệ số an toàn cao.

Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội hàng không Việt Nam (VABA) cho rằng việc mở đường bay quốc tế là sự thỏa thuận giữa hai nước. Muốn phân bổ lịch bay phải được cả 2 bên chấp nhận, không thể đơn phương bên nào quyết định.

Ông Nề cũng đánh giá chủ trương mở lại đường bay quốc tế thường lệ của Chính phủ giúp các hãng hàng không giảm chi phí rất lớn, chủ động xây dựng lịch bay, mở bán 2 chiều chở khách. Trước đây, chi phí phục vụ các chuyến bay không thường lệ, nhất là ở các đầu bay nước ngoài có giá dịch vụ cao. Khi bay thường lệ, chi phí các hãng hàng không sẽ giảm bớt, là cơ sở điều chỉnh giá vé thấp để hành khách đi lại thuận lợi./.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không sẽ phục hồi vào khoảng năm 2023, tuy nhiên tốc độ phục hồi của các thị trường khác nhau, phụ thuộc vào quá trình tiêm vaccine và kế hoạch mở cửa của các quốc gia.

IATA cũng dự báo đến năm 2022, khu vực châu Á cũng sẽ phục hồi dần, tuy nhiên tốc độ phục hồi còn chậm hơn châu Âu và Bắc Mỹ.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục