Sau sự kiện giải tỏa bến xe Lương Yên, điều chuyển phương tiện về ba bến xe Yên Nghĩa, Gia Lâm và Nước Ngầm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang tiếp tục rà soát sắp xếp lại một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh chạy các tỉnh phía Nam như Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắk Lắk từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm.
Đây được xem như một liều thuốc công hiệu cao để giải quyết tình trạng “loạn” luồng tuyến do xe chạy xuyên tâm, chạy vào các tuyến có lưu lượng giao thông cao, gây ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.
Thế nhưng, phương án Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đưa ra lại chưa được các địa phương và doanh nghiệp vận tải đồng tình, chấp thuận.
Việc điều chuyển các tuyến vận tải liên tỉnh từ bến xe Lương Yên về hoạt động tại ba bến Nước Ngầm, Gia Lâm và Yên Nghĩa đã khiến các doanh nghiệp vận tải đang hoạt động ổn định tại đây “sốc” khi bến xe Lương Yên đã chấm dứt "sứ mệnh" lịch sử của một bến xe tạm.
Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp vận tải phải di chuyển đã ký hợp đồng với bến mới. Tuy nhiên, sau 20 ngày hoạt động các nhà xe vẫn thường xuyên vắng khách, lượng khách mua vé lên xe sụt giảm đáng kể, thậm chí có những chuyến không có khách để xuất bến.
Để tồn tại các doanh nghiệp vận tải đang loay hoay tìm đủ mọi phương cách để thu hút khách.
Các nhà xe loay hoay “hút” khách
Đăng ký hoạt động tại bến xe Yên Nghĩa, tức là chấp nhận cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt khi ở đây đã có các “ông lớn có máu mặt” như nhà xe Anh Huy-Đất Cảng; Gia Bảo Linh cùng chạy tuyến Hà Nội-Hải Phòng, khả năng bị lép vế rất cao nhưng nhà xe Đoàn Xuân vẫn tin tưởng về sự “đi trước đón đầu.”
Bởi, khi tuyến đường sắt số 2 Cát Linh-Hà Đông được đưa vào hoạt động thì nơi đây sẽ là ga cuối của lộ trình, lượng hành khách đến bến xe Yên Nghĩa sẽ ngày càng đông hơn.
Chính vì vậy, trong khi nhà xe Hoàng Long lo sợ nếu chuyển về bến xe Yên Nghĩa hoạt động khó khăn sẽ phải tự đóng cửa tuyến Hà Nội-Hải Phòng để tìm kiếm thị trường ở miền Nam và miền Tây thì nhà xe Đoàn Xuân đã quyết định đăng ký về hoạt động tại bến xe Yên Nghĩa với số lượng 22 chuyến/ngày.
Sau khi chuyển về bến Yên Nghĩa, lượng khách của nhà xe này sụt giảm, mỗi chuyến xe 47 chỗ chỉ có 5-7 khách. Nhưng ông Hoàng Văn Chỉnh, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Đoàn Xuân hy vọng lượng khách sẽ ngày càng đông lên.
Ông chia sẻ, hiện tại nhà xe đang tăng cường quảng bá, phát tờ rơi để thu hút khách mới nhưng bị một số đối tượng ngăn cản, đe dọa không cho phát tờ rơi ở nút giao thông BigC.
Để hành khách chọn nhà xe, theo ông Chỉnh phải nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường quảng bá chứ không phải mang xe ra để tranh cướp khách.
Tại bến xe Gia Lâm, các nhà xe Đức Phúc chạy tuyến Hà Nội-Quảng Ninh và Hoàng Hà chạy tuyến Hà Nội-Thái Bình cũng trong tình trạng vắng khách tương tự.
Lý giải nguyên nhân, Giám đốc bến xe Gia Lâm Nguyễn Như Trúc cho rằng, lượng khách ở bến Lương Yên bị san sẻ sang các bến khác cùng với sự “nở rộ” của dịch vụ đưa đón khách tại nhà là nguyên nhân khiến lượng hành khách sụt giảm so với ở bến Lương Yên trước đây. Hơn nữa, việc phải bắt xe buýt để sang bến Gia Lâm cũng làm hành khách e ngại.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn vận tải Hoàng Long là đơn vị chiếm một nửa lượng xe khách phải chuyển khỏi bến xe Lương Yên. Sau khi chuyển từ bến Lương Yên về bến xe Nước Ngầm chạy tuyến Hà Nội-Hải Phòng, lượng hành khách của nhà xe tương đối ổn định, trung bình 30 khách cho mỗi lần xuất bến.
Để thu hút khách theo xe về bến mới, ngoài bến Gia Lâm đã được kết nối tuyến xe buýt từ bến xe Lương Yên về, để kết nối với bến xe Nước Ngầm, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có văn bản đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kéo dài điểm cuối một số tuyến buýt, thay vì quay đầu ở bến xe Giáp Bát thì cho quay đầu ở bến xe Nước Ngầm.
Bên cạnh đó, kéo dài một số tuyến để đi qua cổng bến xe Nước Ngầm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và giúp các doanh nghiệp hoạt động tại đây kinh doanh thuận lợi hơn.
Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền quyết định sớm kéo dài tuyến buýt 32 (Nhổn-Giáp Bát) xuống bến xe Nước Ngầm để tạo điều kiện cho việc thực hiện quy hoạch Bắc-Bắc, Nam-Nam.
Nỗi lo xe dù, bến cóc
Ủng hộ việc điều chuyển luồng tuyến của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khi chuyển từ bến xe Lương Yên về bến xe Yên Nghĩa nhưng ông Hoàng Văn Chỉnh, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Đoàn Xuân bày tỏ lo ngại, các doanh nghiệp vận tải liên tỉnh hoạt động tại bến phải cạnh tranh với “xe dù” và xe hợp đồng “trá hình” đón trả khách tại nhà.
“Để cạnh tranh với xe hợp đồng, đón trả khách tại nhà, xe dù, doanh nghiệp cũng muốn được mở thêm văn phòng đại diện và đưa xe nhỏ vào gom khách nhưng làm thế e rằng các doanh nghiệp khác phản ứng cho là hoạt động trá hình” - ông Chỉnh bày tỏ.
Việc các cá thể nhỏ, lẻ đăng ký kinh doanh hoạt động vận tải, nhưng có đơn vị chỉ có 1,2 xe thì được len lỏi vào nội đô “vợt khách” trong khi doanh nghiệp lớn nếu đi gom khách thì bị cho là hoạt động trá hình đã gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong bến. Có tuyến huyện chạy Hải Phòng-Yên Nghĩa, nhà xe trong bến phải cạnh tranh với vài chục xe kinh doanh cá thể chạy hợp đồng, đón trả khách tại nhà.
Để ngăn chặn tình trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình, các chuyến xe hợp đồng du lịch cần phải có hợp đồng từ trước, có số ghế cụ thể chứ không được đón khách tùy tiện như hiện nay, ông Chỉnh đề xuất.
Trước thông tin về việc doanh nghiệp sẽ bỏ bến, chạy dù nếu về bến mới vắng khách, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội lo ngại, nếu không tổ chức tốt việc điều chuyển xe khỏi bến Lương Yên trong khi xe, dù bến cóc vẫn lộng hành thì các doanh nghiệp làm ăn tử tế trong bến rất khó tồn tại.
Để doanh nghiệp vận tải sớm ổn định hoạt động tại bến mới, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã yêu cầu các bến xe phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp vận tải được điều chuyển về, hạn chế tối đa cạnh tranh không lành mạnh, gây mất trật tự.
Đặc biệt, lực lượng chức năng sẽ liên tục kiểm tra, giám sát và yêu cầu các bộ phận giám sát hành trình theo dõi phương tiện bỏ bến, chạy dù, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đã giao các đơn vị chức năng nghiên cứu lắp đặt hệ thống giám sát tại các bến xe khách trên địa bàn và một số điểm trọng yếu trên tuyến vận tải để phát hiện, xử lý xe khách có hành vi phạm như chạy vượt tuyến, chạy sai hành trình; đón, trả khách sai quy định…
Các đơn vị khai thác, quản lý bến xe nắm bắt, thông tin kịp thời tới Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố và các cơ quan có thẩm quyền về “xe dù”, “bến cóc” hoạt động xung quanh khu vực bến xe để có biện pháp quản lý. Việc trang bị camera theo dõi, ghi hình và xử lý “nguội” vi phạm sẽ là biện pháp thiết thực để ngăn chặn tình trạng trên./.