"Bốc" xe khỏi bến: Hà Nội đã làm nhưng có đúng hết chủ trương?

Hà Nội đã mạnh dạn điều chuyển xe từ bến Mỹ Đình về Nước Ngầm với mục tiêu dứt khoát không để xe khách chạy xuyên tâm thành phố. Nhưng vẫn còn nhiều luồng tuyến đi ngược lại chủ trương này.
"Bốc" xe khỏi bến: Hà Nội đã làm nhưng có đúng hết chủ trương? ảnh 1Việc điều chuyển xe từ bến Mỹ Đình về Nước Ngầm với mục tiêu dứt khoát không để xe khách chạy xuyên tâm. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với quyết định di dời toàn bộ các luồng tuyến vận tải của bến xe Lương Yên chia đều về các bến khác đồng thời tiến hành điều chuyển các luồng tuyến vận tải của một số đơn vị tại bến xe Mỹ Đình, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội đã mạnh dạn và không thể trì hoãn từ năm này sang năm khác nhằm đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc đồng thời sắp xếp quy hoạch lại luồng tuyến vận tải với mục tiêu dứt khoát không để xe khách chạy xuyên tâm.

Tuy nhiên, việc điều chuyển xe khách tại các bến xe cũng vấp phải những luồng ý kiến trái chiều từ chính các đơn vị vận tải hay cơ quan chức năng.

Không để xe chạy xuyên tâm

Kế hoạch điều chuyển 75 lượt xe (các tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắc) đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình về Nước Ngầm của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã “vấp” phải sự phản đối mạnh mẽ của các doanh nghiệp vận tải. Sở Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xin “hủy” phương án điều chuyển xe này.

Theo các đơn vị nêu trên, việc điều chuyển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị và nhu cầu đi lại của người dân đồng thời không thể sắp xếp các nốt (tài) xuất bến tại các đầu bến xe do tần suất dày.

Giải thích về việc điều chuyển xe tại bến Mỹ Đình, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định, quy hoạch tại Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ngày 26/5/2015 có đề cập vấn đề ổn định luồng tuyến vận tải đến năm 2020. Tuy nhiên, quyết định này cũng nêu rõ: Phải định hình lại các tuyến đi theo tuyến đường Quốc lộ. Cụ thể, các xe đi theo Quốc lộ 1 sẽ bố trí vào các bến xe phía Nam là Giáp Bát và Nước Ngầm. Bến xe Mỹ Đình sẽ bố trí cho các xe tuyến phía Bắc và phía Tây…

“Phía Sở Giao thông Vận tải đang phối hợp với Vụ Vận tải rà soát và kiên quyết phải điều chuyển luồng tuyến vận tải theo đúng nguyên tắc khoa học, giảm lưu lượng các tuyến xe chạy xuyên tâm cũng như tuyến đường vành đai có lưu lượng lớn,” ông Viện nhấn mạnh.

Khẳng định kiên quyết phải rà soát với mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải khẩn trương lên phương án bố trí tuyến vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định, dứt khoát không để xe khách chạy xuyên tâm, xe hướng nào chạy về hướng đó. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tăng cường vận tải bằng xe buýt, cùng với thời gian sẽ tạo thói quen đi lại cho hành khách.

Là đơn vị tiếp nhận các tuyến xe từ Mỹ Đình, đại diện lãnh đạo bến xe Nước Ngầm đặt ra câu hỏi, khi quy hoạch phương tiện vận tải khách cố định liên tỉnh vào bến xe Hà Nội theo hướng Bắc-Nam-Đông-Tây tại Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT, các Sở Giao thông Vận tải địa phương đều có ý kiến đồng tình. Giờ điều chuyển, các Sở Giao thông Vận tải lại phản đối vậy thì hiệu lực pháp lý của văn bản sẽ như thế nào?

Phản bác lại tần suất xe xuất bến vào giờ cao điểm tại bến xe Vinh-Nước Ngầm 10 phút/chuyến như báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Nghệ An là không đúng, lãnh đạo bến xe Nước Ngầm cho rằng, bình quân giãn cách xe chạy từ bến Nước Ngầm-Vinh là 30 phút chuyến, Đô Lương là 100 phút/chuyến…

“Khi điều chuyển các tuyến xe ở bến Mỹ Đình về thì khoảng 90% tần suất xe không trùng với nốt tại bến Nước Ngầm. Số còn lại sẽ điều chỉnh nhưng còn khoảng thời gian giãn cách. Mặt khác, lượng xe về Nghệ An không tập trung một tuyến nên tần suất khai thác trải đều,” vị lãnh đạo bến xe Nước Ngầm quả quyết.

Theo đại diện lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội và Việt Nam, với phương án dồn phương tiện về một bến xe Nước Ngầm có cùng luồng tuyến, nhà xe nào chất lượng dịch vụ tốt thì khách đông và lý do điều chuyển xe từ bến này sang bến khác khiến doanh nghiệp vận tải lao đao bên bờ vực bị phá sản là không đúng và thuyết phục.

Nhưng có “đi ngược” chủ trương?

Liên quan đến việc điều chuyển 90 chuyến xe khách chạy tuyến Hà Nội-Hải Phòng khỏi bến xe Lương Yên trong đó phân bổ 43 lượt xe được chạy xuyên tâm theo lộ trình cầu Thanh Trì-Vành đai 3-Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi để về bến Yên Nghĩa bị cho là vừa đi ngược chủ trương, làm tăng nguy cơ gây tắc nghẽn và cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe, Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng và các doanh nghiệp vận tải hoàn toàn không nhất trí với kế hoạch này.

Theo ông Phạm Văn Huy, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng, hiện tuyến vận tải khách cố định Hải Phòng-Hà Nội có 14 đơn vị hoạt động với 264 xe, khai thác 388 chuyến/ngày. Trong đó, tuyến từ các bến xe thuộc Hải Phòng đi Bến xe Lương Yên là 95 chuyến/ngày, đi Bến xe Yên Nghĩa là 95 chuyến/ngày, đi Bến xe Gia Lâm là 145 chuyến/ngày.

“Để đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự trên tuyến vận tải khách cố định từ Hải Phòng-Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sắp xếp, điều chuyển nguyên trạng các tuyến vận tải khách cố định từ Hải phòng đi bến Lương Yên về bến xe Nước Ngầm hoặc một bến xe khách khác đủ năng lực và điều kiện tiếp nhận trên cơ sở tại bến xe tiếp nhận hiện tại không có phương tiện đang khai thác tuyến vận tải cố định từ Hải Phòng-Hà Nội,” ông Huy cho biết.

Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp vận tải chạy tuyến cố định Hải Phòng là Công ty Hoàng Ngân, Anh Huy hay Đất Cảng cũng bày tỏ sự bức xúc trước quyết định “bất thường” này khi cho rằng, hiện nay tỷ lệ % có khách tại Bến xe Yên Nghĩa là rất thấp (chỉ chiếm 32%, tỷ lệ này tiếp tục giảm do tăng số chuyến xe chạy và nay chỉ đạt khoảng trên 20%) đồng nghĩa việc lượng xe chạy “rỗng khách” là rất lớn, trong khi đó tình trạng cạnh trạnh không lành mạnh đang là vấn nạn gây nhức nhối cho dư luận xã hội, gây hoang mang và thiệt hại lớn về kinh tế cho các doanh nghiệp vận tải.

“Vì vậy, việc tăng tần suất chạy xe theo kiểu “đổ dồn” các doanh nghiệp vào một bến đang có tần suất hoạt động lớn như Bến xe Yên Nghĩa sẽ làm gia tăng tình hình phức tạp trên gây khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên tuyến,” đại diện các doanh nghiệp phân tích.

"Bốc" xe khỏi bến: Hà Nội đã làm nhưng có đúng hết chủ trương? ảnh 2Điều chuyển 43 lượt xe ở bến Lương Yên về bến Yên Nghĩa bị cho là vừa đi ngược chủ trương, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Phía các doanh nghiệp này kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xem xét điều chuyển các đơn vị vận tải tuyến Hải Phòng-Hà Nội tại bến Lương Yên về bến xe Nước Ngầm bởi bến xe này chưa có một doanh nghiệp nào khai thác tuyến Hà Nội-Hải Phòng và còn khả năng tiếp nhận, phù hợp về hướng tuyến và đặc biệt là sẽ là nơi tiếp nhận hành khách của bến Lương Yên khi bến xe này không hoạt động do có khoảng cách đến bến xe Lương Yên gần hơn rất nhiều so với bến xe Yên Nghĩa.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trên cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải khi quyết định điều chỉnh quy hoạc phải căn cứ vào tình hình kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp hiện đang kinh doanh tại bến xe Yên Nghĩa, căn cứ vào tỷ lệ % có khách và số lượng chuyến xe tăng phải đảm bảo theo đúng quy hoạch định hướng đồng thời tổ chức đối thoại các doanh nghiệp vận tải hiện đang hoạt động tuyến Hải Phòng tại bến xe Yên Nghĩa để làm rõ vấn đề liên quan đến hoạt động vận tải và những khó khăn sẽ xảy ra nếu thực hiện việc điều chuyển này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục