Hiệu quả thấp, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với xăng sinh học E5

Theo đại diện Petrolimex, muốn triển khai thành công xăng sinh học E5 trên toàn quốc thì cần có cơ chế chính sách giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả.
Hiệu quả thấp, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với xăng sinh học E5 ảnh 1Hiện chỉ có 3 doanh nghiệp đầu mối đang triển khai bán xăng sinh học E5 (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày ​1/12​/2015, mặt hàng xăng sinh học E5 sẽ được bán đại trà trên cả nước. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện ​đã cận kề, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc.

Hiệu quả vẫn là bước cản lớn

Báo cáo tại hội nghị giao ban do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30/11, ông Phạm Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, để thực hiện quyết định của Thủ tướng, từ thời điểm ngày 30/11/2014, doanh nghiệp này đã triển khai 204 cửa hàng bán xăng sinh học E5 tại 8 tỉnh thành phố.

Và để chuẩn bị cho lộ trình triển khai trên toàn quốc, áp dụng từ ngày 1/12/2015, Petrolimex đã bố trí trên 330 cửa hàng nhằm thực hiện bán mặt hàng này một cách rộng rãi.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, việc kinh doanh xăng E5 đang gặp rất nhiều khó khăn, cụ thể là về cơ chế chính sách cũng như quá trình tổ chức thực hiện.

Cụ thể, lãnh đạo Petrolimex cho rằng, giá vốn để sản xuất xăng sinh học E5 hiện cao hơn xăng khoáng hơn 100 đồng/lít, chưa kể chi phí kinh doanh xăng E5 của tập đoàn là hơn 200 đồng/lít, như vậy đối với doanh nghiệp đang hụt trên 300 đồng/lít khi kinh doanh xăng E5.

Chính vì thực tế này mà nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà triển khai bán xăng sinh học. Thống kê cho thấy, hiện cả nước mới chỉ có 3 đầu mối kinh doanh xăng E5 là Petrolimex, PetroVietnam và Saigon Petro.

Một khó khăn nữa được đại diện Petrolimex chỉ ra là về thuế, theo lộ trình, từ 1/1/2016 nhà nước sẽ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 ở mức 8% trong khi xăng khoáng là 10%, sẽ là một khó khăn nữa cho doanh nghiệp trong bối cảnh đầu ra cũng hết sức căng thẳng,

"Về chính sách vẫn chưa có giá cơ sở để chỉ đạo xăng E5 mà hiện vẫn áp dụng như xăng khoáng đã dẫn đến nhiều bất cập. Do vậy, chính sách cần làm sao để doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, khuyến khích nhiều doanh nghiệp cùng tham gia," ông Thắng phân tích.

Cần có mức giá hợp lý hơn?

Liên quan đến xăng E5, theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, hiện thuế môi trường đánh vào mặt hàng xăng đang ở mức 3.000 đồng/lít và việc thay đổi các mức thuế thuộc quyền của Quốc hội nên rất khó để thực hiện việc điều chỉnh.

Trong khi đó, muốn khuyến khích tiêu thụ mặt hàng này, theo ông Quyền, cần phải tìm ra được chính sách hấp dẫn, đủ để khuyến khích cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo bảng giá của Petrolimex, giá mặt hàng xăng sinh học E5 Ron 92 áp dụng cho vùng 1 đang ở mức 16.550 đồng/lít, thấp hơn xăng khoáng Ron 92 là 500 đồng/lít.

Tuy nhiên, ông Quyền cho rằng, theo kiến nghị của các Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam thì mức chênh đối với xăng khoáng Ron92 so với mặt hàng xăng E5 cần giữ trong khoảng 1.000-1.500 đồng thì kinh doanh mới có hiệu quả.

"Việc triển khai lộ trình sử dụng xăng E5 cần theo quan điểm thị trường hay mệnh lệnh hành chính. Nếu có thể dùng cơ chế giá thì phải tuyên truyền khuyến khích để người dân lựa chọn," ông Quyền nói.

Trao đổi thêm về xăng E5, theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ khoa học và Công nghệ cho rằng, trong quyết định 53/TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn dùng cơ chế khuyến khích để thay thế dần mặt hàng xăng khoáng cũng như giúp doanh nghiệp thích nghi với cơ chế kinh doanh mới.

"Để triển khai thành công thì cần phài có chính sách về thuế và giá cho xăng E5, có thể phải tính theo phương án như đã áp dụng đối với mặt hàng xăng Mogas 83 trước kia, tức là xác định khi rút là rút luôn ra khỏi thị trường," ông Cường nêu ý kiến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.