Huế, Đà Nẵng hợp tác bảo tồn và phát huy giá trị Hải Vân Quan

Tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng vừa thỏa thuận hợp tác theo hình thức góp vốn 50-50% từ ngân sách địa phương cho dự án bảo tồn và phát huy giá trị Hải Vân Quan.
Nền móng các công trình tại Di tích Hải Vân Quan được phát lộ. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Nền móng các công trình tại Di tích Hải Vân Quan được phát lộ. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng vừa thỏa thuận hợp tác theo hình thức góp vốn 50-50% từ ngân sách địa phương cho dự án bảo tồn và phát huy giá trị Hải Vân Quan theo đúng các quy định hiện hành, hồ sơ dự án được duyệt theo trình tự thống nhất giữa hai bên.

Thời gian thực hiện và hoàn thành từ năm 2019-2020; chia làm hai đợt: từ khi phê duyệt dự án đến tháng 2/2020; từ tháng 2/2020 đến khi kết thúc.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và các đơn vị liên quan của hai địa phương xây dựng kế hoạch, cơ chế quản lý, duy tu, bảo dưỡng, phát huy giá trị và khai thác dịch vụ du lịch của di tích, đảm bảo lợi ích chung giữa hai địa phương.

[Hải Vân - Sức hấp dẫn ma lực từ những cung đèo ám ảnh]

Hải Vân Quan nằm trên núi Hải Vân thuộc địa giới hành chính của thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). Do nằm ở vị trí giáp ranh giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng, nhiều năm qua, di tích Hải Vân Quan dường như bị lãng quên.

Tại quyết định 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14/4/2017, Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đây hiện đang là điểm tham quan hấp dẫn của du khách khi đến hai địa phương.

Hiện tại, việc bảo tồn Hải Vân Quan có thể chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 tiến hành khai quật khảo cổ, xác định các công trình nguyên gốc của di tích, trong đó bao gồm cả công tác khảo sát, đo đạc xác định hiện trạng của di tích (cổng Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan). Sau khi có kết quả, hai địa phương tổ chức xin ý kiến để tiến hành triệt giải, loại bỏ các bộ phận không liên quan đến hiện trạng gốc của di tích như các vọng gác bên trên hai cổng, các lô cốt xung quanh, các công trình xây dựng mới…; đồng thời tiến hành loại bỏ các công trình, các yếu tố ảnh hưởng đến cảnh quan và tầm nhìn của di tích.

Giai đoạn 2 tiến hành phục hồi hai cửa vòm, cũng như khảo sát và có kế hoạch bảo quản một số đoạn thành; làm lại hệ thống bậc cấp từ dưới chân đèo lên cửa ải Hải Vân và hệ thống lối đi trong khu di tích. Cuối cùng là tôn tạo cảnh quan, di chuyển các công trình không phù hợp, tác động đến cảnh quan của di tích; trồng thêm các loại cây phù hợp với khu vực rừng đặc chủng tạo thêm màu xanh cho di tích, góp phần làm tăng thêm giá trị cho địa điểm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh của di tích độc đáo này.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Dung cho biết: Hải Vân Quan là một di tích đặc biệt trong hệ thống di tích triều Nguyễn. Từ trấn Bình Đài (Kinh thành Huế) xuống Trấn Hải Thành (Thuận An) đến Hải Vân Quan là cả một cụm di tích lịch sử phản ánh trình độ kiến trúc quân sự của một triều đại, tạo nên sự đa dạng cho quần thể di tích cung đình Huế. Ngoài những giá trị về mặt lịch sử và quân sự, Hải Vân Quan còn được biết đến là một danh thắng nổi tiếng.

Được xây dựng trên núi Hải Vân, ở độ cao 490m, Hải Vân Quan được xem là "quan ải hoành tráng nhất dưới bầu trời." Hải Vân Quan được các nhà quân sự đánh giá là một vị trí hết sức quan trọng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Sự hiện diện của Hải Vân Quan dưới triều Nguyễn đã phản ánh phần nào tinh thần giữ nước của người xưa, một giá trị truyền thống Việt Nam.

Đến nay, Hải Vân Quan đã trải qua 193 năm lịch sử (1826 - 2019) với nhiều biến động. Đặc biệt di tích này đã bị chiếm dụng bởi thực dân, đế quốc và chịu sự tác động rất lớn của bom đạn từ hai cuộc chiến tranh kéo dài hơn hai thập kỷ nên diện mạo thay đổi rất nhiều. Sau năm 1975, Hải Vân Quan tiếp tục xuống cấp trầm trọng do không được quan tâm một cách đúng mức trong một thời gian dài. 

Đây là một điểm nhìn tuyệt đẹp về vịnh và thành phố Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm cùng những cung đường quanh co, khúc khuỷu của đèo Hải Vân. Di tích này là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước trong nhiều thập niên qua. Hiện nay, di tích bị hoang tàn, xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đó một lượng lớn du khách trong và ngoài nước vẫn đến đây tham quan hàng ngày.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.