Trao đổi bên lề Hội nghị “Thông báo Khảo cổ học lần thứ 49” do Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức sáng nay (25/9) tại Hà Nội, tiến sỹ Bùi Văn Liêm - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết: Cuộc khai quật khảo cổ học tại quần đảo Trường Sa (diễn ra vào cuối tháng Sáu vừa qua) đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Cụ thể, trong đợt khai quật này, đoàn khảo cổ đã tiến hành khai quật tại các đảo: Trường Sa Lớn, Nam Yết, Phan Vinh và Sơn Ca.
Tại đảo Trường Sa Lớn, đoàn đã tiến hành khảo sát toàn bộ bề mặt đảo và mở một hố thám sát có diện tích 1m2. Kết quả, hiện vật thu lượm khi khảo sát bề mặt đảo gồm một mảnh bát thời Trần, hai mảnh gốm men trắng vẽ lam thời Lê và nhiều mảnh sành thuộc thế kỷ XVIII-XIX. Cùng với đó, hiện vật trong hố thám sát thu được gồm bốn mảnh gốm thô thời tiền sử.
Tại đảo Sơn Ca, đoàn khảo cổ cũng thu được một số mảnh sành từ thế kỷ XVIII đến nay. Tại đảo Nam Yết, các nhà khảo cổ thu được một mảnh gốm men trắng vẽ lam thời Lê và một số mảnh sành có niên đại từ thế kỷ XVIII.
Chương trình khai quật khảo cổ học lần này do Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Bảo tàng Khánh Hòa… phối hợp thực hiện.
“Kết quả thu được từ đợt khảo sát đã tiếp nối, bổ sung và củng cố thêm kết luật các đợt khảo sát trước được tổ chức trong các năm 1993, 1994, 1999. Đó là những bằng chứng khoa học khẳng định sự có mặt sớm, liên tục của người Việt và các hoạt động trên biển của cư dân tiền sử ở quần đảo Trường Sa,” tiến sỹ Bùi Văn Liêm khẳng định.
Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, những tư liệu này góp phần quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
Bên cạnh đó, tiến sỹ Bùi Văn Liêm cho biết, trong năm 2014, ngành Khảo cổ học Thời đại Đá cũng đã phát hiện ra nhiều di tích khảo cổ mới tại các huyện An Khê, Đak Pơ, Kông Chro thuộc tỉnh Gia Lai.
Cụ thể, các nhà khoa học đã phát hiện ra sáu địa điểm chứa các di vật, dấu tích thuộc thời đại Đá cũ và 24 di tích khảo cổ học tiền sử ở huyện An Khê. Tại huyện Đak Pơ, các chuyên gia đã tìm thấy bốn địa điểm chứa các di vật, dấu tích thời đại Đá cũ, 2 địa điểm chứa các di vật, dấu tích thuộc thời đại Đá mới muộn.
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 6 địa điểm là công xưởng chế tác rìu đá ở huyện Kông Chro.
Đoàn khảo cổ đã phát hiện các công cụ rìu lưỡi dọc, rìu lưỡi ngang, dao cắt... được đẽo thô sơ từ đá quartz, granit được cho là có cách đây từ khoảng ba vạn năm.
“Những phát hiện này có giá trị đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu về giai đoạn bình minh của lịch sử dân tộc, minh chứng cho diễn trình phát triển lịch sử văn hóa thời tiền sử ở thượng du sông Ba (Gia Lai) nói riêng và ở Việt Nam nói chung,” tiến sỹ Bùi Văn Liêm nhìn nhận.
Đánh giá về hoạt động khảo cổ học năm 2014 nói chung, ông Liêm cho hay: các chương trình khai quật khảo cổ học, nghiên cứu di tích, di vật được thực hiện trong thời gian qua có ý nghĩa thiết thực trong việc phục vụ nghiên cứu chuyên sâu, xây dựng hồ sơ di sản, bảo tồn và phát huy giá trị di tích…./.