Trong khuôn khổ Hội thảo "Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử", phiên thứ 2 với chủ đề " Triển vọng giải quyết tranh chấp Hoàng Sa- Trường Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế" được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào ngày 20/6.
Hội thảo "Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử" thu hút gần 100 đại biểu bao gồm các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế đến từ Mỹ, Nga, Australia, Ấn Độ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Philippines, Hàn Quốc…, cùng các học giả Việt Nam ở nước ngoài và trong nước.
Qua các chứng cứ lịch sử cùng nhiều tư liệu, tài liệu được thu thâp qua các thời kỳ của các học giả, các nhà nghiên cứu tham dự hội thảo nhất trí rằng, việc căn cứ vào những chứng cứ pháp lý, lịch sử phù hợp luật pháp quốc tế về quyền thụ đắc lãnh thổ để giải quyết tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hoà bình, ổn định, đảm bảo tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Những hành động sử dụng sức mạnh cố ý vi phạm luật pháp quốc tế, phá vỡ nguyên trạng, gây bất ổn khu vực, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ nước khác nhằm thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông của bất kỳ bên nào đều không thể chấp nhận được.
Các ý kiến tại Hội thảo cho rằng hành động của Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và chiếm đóng bất hợp pháp một số bãi ở quần đảo Trường Sa năm 1988 là vi phạm luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời nhấn mạnh hành động xâm chiếm bằng vũ lực không thể tạo ra danh nghĩa về chủ quyền
Một số ý kiến tại Hội thảo đã thẳng thắn phê phán yêu sách phi lý "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông đưa ra quốc tế năm 2009. Các đại biểu cho rằng "đường lưỡi bò" là hết sức mơ hồ và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và rõ ràng đây chính là nguyên nhân gây ra tình hình bất ổn, căng thẳng ở Biển Đông.
Các đại biểu kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông cần xác định các vùng biển của mình phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, lấy đó làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông.
Các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã tập trung phân tích và làm rõ các bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thông qua các thư tịch và bản đồ cổ phương Tây chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; những tuyên bố về lịch sử của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (các tài liệu từ thế kỷ XIX); bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen và vấn đề chủ quyền trên quần đảo giữa Biển Đông; xác lập và thực thi, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam liên tục và hoà bình tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế- Xã hội Đà Nẵng đã công bố Thư tịch và bản đồ cổ phương Tây chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Qua các chứng cứ, tư liệu lịch sử đã tiếp cận và thu thập được hơn 100 thư tịch có ghi chép về quàn đảo Hoàng Sa và quá trình khám phá, chiếm hữu xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, được xuất bản bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Hà Lan.
Ngoài các thư tịch cổ, còn có nhiều bản đồ (hơn 140 bản đồ) được các nhà địa lý, các nhà hàng hải, các nhà bản đồ học ở các nước phương Tây vẽ và xuất bản trong các thế kỷ XVI-XIX đã góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Những thư tịch và bản đồ do các nước phương Tây xuất bản trong các thế kỷ XVI-XIX ghi nhận lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến cực Nam đảo Hải Nam (nằm ở phía bắc vĩ tuyến 18 độ Bắc), hoàn toàn không bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nằm ở phía nam vĩ tuyến 17 độ Bắc) mà Trung Quốc mới đặt tên là Nam Sa quần đảo từ năm 1931 và hiện đang đỏi hỏi chủ quyền một cách phi lý và phi pháp.
Nhà nghiên cứu Dmitry Valentinovich Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về các nước Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương, Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga khẳng định vấn đề ai là chủ của những hòn đảo trong Biển Đông vẫn kéo dài cho đến tận ngày nay bởi một thực tế là Trung Quốc không chỉ cố biến những vùng đất xâm chiếm bất hợp pháp thành lãnh thổ của mình mà còn cố chứng minh rằng họ có những vùng đất đó từ xa xưa, có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Những nhà truyền giáo Trung Quốc thường nói rằng những hòn đảo này luôn nằm trong sự kiểm soát kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Điều này trái với những sự thật lịch sử mà chúng ta biết được thông qua các công trình nghiên cứu tích cực của các nhà khoa học Việt Nam.
Trong các văn kiện của Bộ Ngoại giao Việt Nam, những hoạt động có tầm quan trọng rất lớn bởi những đội hùng binh này là do Nhà nước cử đi./.