Các địa phương cần đề xuất rõ những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết. Các bộ, ngành, cơ quan phải có trách nhiệm chung tay hướng dẫn tháo gỡ. Mục tiêu cuối cùng là tăng tốc, khẩn trương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, để đáp ứng yêu cầu hết sức cấp bách, cần thiết của cuộc sống, tháo gỡ khó khăn, đưa ra chính sách tốt hơn.
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, chiều 8/10, tại Trụ sở Chính phủ.
Giải phóng nguồn lực đất đai
Thông tin tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, trong một thời gian ngắn, áp lực về rút ngắn thời gian Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch ban đầu, với sự chủ động, tích cực, quyết tâm cao, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, kịp thời ban hành và có hiệu lực đồng thời với Luật tạo sự thống nhất, đồng bộ và căn cứ pháp lý cho việc triển khai thi hành Luật Đất đai thuận lợi, phát huy hiệu quả của các chính sách mới, tiến bộ mà Luật đã đề ra.
Đối với nhiệm vụ xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, đến nay, đã có 50/63 tỉnh, thành phố ban hành một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Tuy nhiên, chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Một số địa phương chưa ban hành văn bản nào để triển khai thực hiện.
Trong số 50/63 tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản, chỉ có tỉnh Hải Dương ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong luật. Các địa phương còn lại nội dung ban hành chủ yếu liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư, quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, điều kiện tách thửa hợp thửa...
13 tỉnh, thành phố chưa ban hành văn bản gồm Cao Bằng, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đăk Nông, Tiền Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Phú Yên, Bình Phước và An Giang.
Sau thời gian 2 tháng thi hành, với các quy định mới của Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn thi hành, bước đầu cho thấy, chính sách mới đã mang lại hiệu quả như phân cấp, phân quyền về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, xác định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lấn biển... tạo đồng thuận của đa số người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự thống nhất của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, góp phần giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm bắt tình hình, phản ánh của cơ quan thông tin và báo cáo của các địa phương, việc tổ chức thi hành còn có một số khó khăn, lúng túng liên quan đến tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 theo thẩm quyền của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; điều chỉnh Bảng giá đất để tiếp tục áp dụng đến 31/12/2025; công tác đấu giá quyền sử dụng đất...
Về tình hình triển khai Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, liên quan đến các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Nghị định, 1 Quyết định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Đối với văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ, ngành, Bộ Xây dựng đã ban hành 2 Thông tư, 2 Quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.Theo báo cáo mới nhất, 13 địa phương ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở (Lào Cai, Lai Châu, Bắc Ninh, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Định, Tây Ninh, Cà Mau); 50 địa phương chưa ban hành (10 địa phương đã hoàn thiện việc xây dựng và đang trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, ban hành; 40 địa phương đang trong quá trình xây dựng hoặc đang trình lấy ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp).
Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; đồng thời thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc bộ ngành, địa phương khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành theo nhiệm vụ được giao tại 2 luật trên.
Xây dựng các văn bản trước ngày 15/10
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương Nguyễn Hoài Long cho biết, ngay từ những ngày đầu triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Hải Dương đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giúp các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nắm vững quy định mới. Việc ban hành các văn bản với thời hạn rõ ràng, đảm bảo tiến độ thông qua các quy trình rút gọn, linh hoạt.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị tỉnh Hải Dương công khai các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trên trang thông điện tử để các địa phương khác cùng tham khảo và nghiên cứu.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng, An Giang, Nam Định... nhận trách nhiệm trong việc chậm trễ ban hành các văn hướng dẫn triển khai thi hành các luật; khẳng định trong thời gian tới quyết tâm cao nhất, tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản này theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Văn Thạch cho biết, đối với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức điều chỉnh chương trình phát triển nhà của tỉnh Cao Bằng đến năm 2030 và xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Hiện Cao Bằng chưa hình thành các khu công nghiệp; nhu cầu về nhà ở xã hội còn rất thấp, chưa thu hút nhà đầu tư quan tâm, các dự án trên địa bàn tỉnh còn ít. Tỉnh đang giao các sở, ban ngành nghiên cứu để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy định chi tiết về Luật Nhà ở.
Tương tự, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, đối với Luật Đất đai, đến nay, Thành phố đã ban hành 8/14 văn bản theo thẩm quyền, trong đó có các văn bản quan trọng gắn với bảng giá cho nhà ở, công trình, vật tư, kiến trúc trong quá trình bồi thường, công tác hỗ trợ tái định cư.
Trong 6 văn bản còn lại, có 5 văn bản thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân Thành phố đang được lấy ý kiến, phấn đấu sau ngày 15/10 sẽ ban hành; 1 văn bản thuộc thẩm quyền Hội đồng Nhân dân Thành phố về các tiêu chí quyết định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất cũng đang hoàn thiện và sẽ đăng ký để trong kỳ họp Hội đồng Nhân dân Thành phố sớm nhất ban hành văn bản này.
Thông tin về 6 văn bản ban hành thuộc thẩm quyền, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, Hà Nội cũng tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những văn bản không còn hiệu lực, bảo đảm chặt chẽ về quy định, song cũng có hướng dẫn cụ thể để cho người dân, doanh nghiệp dễ tra soát, dễ thực hiện, các địa phương không bị vướng mắc.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành cam kết sẽ hoàn thành việc ban hành các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trước ngày 15/10 tới.
Đề xuất rõ những khó khăn, vướng mắc
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp... đã cùng tham gia, thống nhất xây dựng các nghị định, quyết định, thông tư để đưa các luật đi vào thực tiễn cuộc sống.
Phó Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực trước 5 tháng là yêu cầu từ thực tiễn, hết sức cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai các cơ chế, chính sách mới tạo thuận lợi hơn cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Đây cũng là nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền, các đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân cả nước.Chính phủ đã cùng với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản theo thẩm quyền 15 Nghị định và 2 Quyết định của Thủ tướng, không có thông tư nào bị chậm ban hành.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm ban hành các quyết định theo thẩm quyền; mức độ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, việc huy động nguồn lực đất đai, vận hành của thị trường bất động sản; việc thực hiện cơ chế, chính sách về nhà ở...
Cùng với các văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành, các luật đã giao trực tiếp một số nội dung cho địa phương xây dựng và ban hành đồng thời. Công điện của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, các bộ trưởng, trưởng ngành phải hỗ trợ các địa phương gặp khó khăn trong quá trình xây dựng văn bản, do đó cần nghiên cứu, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo này.
Lãnh đạo các địa phương nắm chắc danh mục văn bản cần ban hành, tình hình, tiến độ thực hiện; chỉ rõ những bất cập, hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực và có giải pháp khắc phục với tinh thần "quyết liệt phải ra kết quả cụ thể." Các địa phương có thể xem xét hình thức rút gọn khi ban hành những văn bản kế thừa chính sách cũ, đã được quy định trong luật; thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục đối với văn bản phức tạp, ảnh hưởng, tác động lớn.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổng hợp các nhóm khó khăn, vướng mắc của địa phương khi xây dựng văn bản quy định để trao đổi, làm rõ và tháo gỡ./.
Thủ tướng chỉ đạo triển khai 3 luật về đất đai, nhà ở và bất động sản
Thủ tướng vừa ký Công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản nhằm tạo động lực mới cho phát triển KT-XH.