Khoảng 200.000 người Việt Nam mắc bệnh đột quỵ mỗi năm

Điều đáng lo ngại là 1/3 số ca mắc bệnh đột quỵ là ở những người trẻ. Việc xây dựng các đơn vị đột quỵ chuyên sâu sẽ làm cải thiện tỷ lệ tử vong, tăng cơ hội hồi phục tốt cho người bệnh đột quỵ não.
Khoảng 200.000 người Việt Nam mắc bệnh đột quỵ mỗi năm ảnh 1Cơ sở vật chất và máy móc tại Trung tâm Đột quỵ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam có khoảng 200.000 người mắc bệnh đột quỵ hàng năm. Điều đáng lo ngại là bên cạnh bệnh không lây nhiễm, những người mắc bệnh đột quỵ đang gia tăng lên một cách nhanh chóng, trong đó 1/3 số trường hợp mắc bệnh đột quỵ là ở những người trẻ tuổi (từ 40-45 tuổi).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại buổi lễ Lễ khai trương và cắt băng khánh thành Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) diễn ra sáng 9/11 tại Hà Nội.

[Quốc tế hỗ trợ Việt Nam điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV]

Theo Thứ trưởng Sơn, bệnh đột quỵ gây ra những biến chứng về não rất nguy hiểm. Trên thế giới có 15 triệu người mắc bệnh đột quỵ hằng năm, trong đó có 5 triệu người sống, 5 triệu người tử vong, còn lại 5 triệu người phải chịu nhiều di chứng nặng nề do bệnh đột quỵ gây ra.

Hiện nay, trên cả nước có hơn 10 trung tâm chữa bệnh đột quỵ. Ngành y tế đang đề nghị thành lập các trung tâm chữa bệnh đột quỵ tại các bệnh viện để có biện pháp chăm sóc toàn diện nhằm tiếp nhận bệnh nhân sớm, điều trị toàn diện và khắc phục kịp thời những di chứng của bệnh gây ra khi bệnh nhân được đưa tới viện muộn.

Phát biểu tại buổi lễ, giáo sư Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay bệnh đột quỵ đang là vấn đề thời sự của thế giới, việc xây dựng các đơn vị chữa bệnh đột quỵ chuyên sâu sẽ cải thiện tỷ lệ tử vong, tăng cơ hội hồi phục tốt cho người bệnh đột quỵ não.

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, hàng năm cấp cứu và điều trị cho khoảng 6.000-8.000 người bị đột quỵ. Tuy nhiên, người bệnh đột quỵ chưa được điều trị tập trung, nằm rải rác tại nhiều khoa, phòng trong Bệnh viện như Khoa Cấp cứu, Khoa Thần kinh, Viện Tim mạch, Khoa Hồi sức tích cực, Khoa phẫu thuật thần kinh… do đó không tập trung được nguồn lực và chưa thống nhất chung được quy trình điều trị nên chưa đạt được hiệu quả điều trị tối ưu cho bệnh nhân đột quỵ.

Khoảng 200.000 người Việt Nam mắc bệnh đột quỵ mỗi năm ảnh 2Cắt băng khánh thành Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: PV/Vietnam+)
 

Việc tiếp cận xử trí và điều trị bệnh nhân đột quỵ hiện nay tại Bệnh viện Bạch Mai đã phát triển, tiếp cận nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến trên thế giới.

Đó là những kỹ thuật như: kỹ thuật tiêu huyết khối, lấy huyết khối cơ học (phối hợp với Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh), mở nửa sọ giảm áp cho người bệnh đột quỵ thiếu máu não, các phẫu thuật mở sọ lấy máu tụ, kẹp clipping cho túi phình động mạch vỡ (phối hợp với khoa Phẫu thuật Thần kinh) trong chảy máu dưới nhện, các kỹ thuật hồi sức sọ não chuyên sâu như dẫn lưu não thất, theo dõi áp lực nội sọ, đo oxy não...

Nhiều nghiên cứu quốc tế về đột quỵ đã thực hiện hàng năm, có hàng chục bài báo quốc tế về đột quỵ đã được bác sỹ chuyên về đột quỵ của Bệnh viện Bạch Mai công bố trên các tạp chí uy tín như Scopus, ISI…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục