Khởi động chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm

Gia đình nhà thơ mong muốn tìm những chất liệu văn học phù hợp và hình thức thể hiện đương đại nhằm chia sẻ dự án Hoàng Cầm 100 năm theo lăng kính của những người trưởng thành yêu văn chương.
Khởi động chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm ảnh 1Nhà thơ Hoàng Cầm. (Nguồn: Báo Nhân dân)

Nhân 11 năm ngày mất của nhà thơ Hoàng Cầm (6/5/2010-6/5/2021), gia đình nhà thơ giới thiệu đến công chúng Dự án Hoàng Cầm 100 năm (viết tắt là HC100) với chuỗi các sự kiện và sản phẩm nghệ thuật được tổ chức để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi nhân (1922-2022).

Chị Huệ Chi, cháu nội của nhà thơ Hoàng Cầm, cho biết đây là dự án với chuỗi sự kiện và sản phẩm nghệ thuật được khởi động từ năm 2021, với mong muốn không chỉ là hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ mà còn là nguồn cảm hứng để các bạn trẻ tiếp cận và học hỏi chất liệu giàu có từ nền văn học nghệ thuật Việt Nam 1922-2022 và sáng tạo nên nhiều sản phẩm có giá trị.

Gia đình nhà thơ Hoàng Cầm hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng.

Theo chị Huệ Chi, trong kho tàng hơn 70 năm thơ, kịch thơ, truyện ngắn, tác phẩm của nhà thơ Hoàng Cầm, gia đình nhà thơ mong muốn tìm những chất liệu văn học phù hợp và hình thức thể hiện đương đại nhằm chia sẻ dự án Hoàng Cầm 100 năm theo lăng kính của những người trưởng thành yêu văn chương, đồng thời tìm hướng đi khác trong tôn vinh nghệ thuật-văn hóa xứ Kinh Bắc nói riêng, nước Việt trong 100 năm qua.

Dự án không dừng lại ở việc tìm ra và kỷ niệm những cộc mốc hay thành tựu trong cuộc đời của thi sỹ Hoàng Cầm trong vai trò là người nghệ sỹ, nhà thơ, nhà sáng tạo, nhà biên kịch, nhà hoạt động nghệ thuật mà còn mở ra những luồng suy nghĩ mới về sức ảnh hưởng của các bộ môn nghệ thuật và sự tương tác của từng bộ môn với nhau, tổng hòa tạo nên một nền nghệ thuật Việt Nam đặc sắc trong thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.

Từ hội họa, âm nhạc, truyện, thơ, kịch, các tác phẩm cùng một dòng chảy của lịch sử đất nước, người thưởng lãm sẽ tìm thấy trong thơ có nhạc, trong tranh có chuyện, trong kịch có tự sự thế thời, không gian nghệ thuật rực rỡ có một không hai, nơi mà các bộ môn nghệ thuật hòa quyện tạo nên bức tranh về văn hóa đậm sắc và vô cùng thú vị.

[Giải thưởng văn học trẻ được kỳ vọng mang lại sức sống mới cho văn đàn]

Các hoạt động trong dự án sẽ được kết hợp giữa âm nhạc thế giới, nhạc cụ dân tộc với những hồn thơ độc đáo, thơ mới, thơ siêu thực Việt Nam; được diễn kịch thơ bằng ngôn ngữ và đam mê của người trẻ thông qua vũ kịch; là cuộc dạo chơi "về Kinh Bắc" thông qua tranh, thơ, nhạc, hội họa…

Đại diện gia đình nhà thơ Hoàng Cầm chia sẻ gia đình mong muốn những bạn bè, người yêu thơ Hoàng Cầm ủng hộ, cổ vũ và gửi về cho dự án những chất liệu, tài liệu nghệ thuật, văn học, bản ghi, hình ảnh… mà họ đang lưu giữ để làm dày thêm những tư liệu về thi sỹ Hoàng Cầm.

Nhà thơ Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1922 trong một gia đình nhà Nho lâu đời tại xã Phúc Tằng, nay là thôn Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Quê gốc của ông ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Nhà thơ Hoàng Cầm nổi tiếng với vở kịch thơ “Hận Nam Quan,” “Kiều Loan” và các bài thơ “Lá diêu bông," “Bên kia sông Đuống", trong đó, bài thơ “Bên kia sông Đuống” được chọn vào giảng dạy trong giáo trình trung học phổ thông.

Năm 2007, nhà thơ Hoàng Cầm được nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với các tập thơ “Bên kia sông Đuống,” “Lá diêu bông," “99 tình khúc." Ông mất năm 2010 tại Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục