Năm nay, “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” diễn ra từ ngày 10/11 đến ngày 10/12 với chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.”
Để hiểu rõ hơn về thực trạng, nguyên nhân của sự phân biệt, kỳ thị đối với người nhiễm HIV và các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) về vấn đề này.
- Cục trưởng có thể cho biết vì sao năm nay tại Việt Nam, “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” lại tập trung vào chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”?
Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: Hơn 30 năm đương đầu với đại dịch HIV/AIDS, bên cạnh nhiều thành tựu đã đạt được trong phòng, chống HIV/AIDS thì tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Một số quốc gia vẫn còn những quy định cấm người nhiễm HIV nhập cảnh và cư trú hoặc tồn tại tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành giới liên quan đến HIV/AIDS.
Kỳ thị và phân biệt đối xử là một trong những rào cản quan trọng khiến những người có hành vi nguy cơ cao và những người nhiễm HIV không dám tiếp cận đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có các dịch vụ dự phòng, can thiệp giảm hại, xét nghiệm và điều trị HIV.
Chính vì kỳ thị, phân biệt đối xử mà làm cho việc phát hiện người nhiễm HIV trong cộng đồng rất khó khăn. Nhiều người đã được phát hiện nhiễm HIV, nhưng do lo sợ kỳ thị, phân biệt đối xử mà không dám sử dụng dịch vụ điều trị ARV...
Một số nơi, kỳ thị, phân biệt đối xử là rào cản lớn đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học hành, lao động... đã được pháp luật các quốc gia quy định.
Để tiến đến kết thúc đại dịch HIV/AIDS, Chương trình phối hợp về HIV/AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS) đã đưa ra Mục tiêu “ba không,” bao gồm: Không có trường hợp nhiễm HIV mới; không có người tử vong vì HIV/AIDS; và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS.
Chính vì tầm quan trọng này nên “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” tập trung vào chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” nhằm tăng hiểu biết của toàn xã hội về HIV/AIDS, không kỳ thị, phân biệt đối xử với những người không may bị nhiễm HIV, qua đó, giúp cho những người nhiễm HIV được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS.
- Xin Cục trưởng cho biết về thực trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV tại nước ta?
Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: Trong nhiều năm qua, các hoạt động truyền thông-thay đổi hành vi liên quan đến HIV/AIDS được triển khai rộng rãi.
Nhân dân đã có thông tin, hiểu biết về HIV/AIDS, ví dụ HIV/AIDS là gì, các đường lây nhiễm HIV/AIDS... Nhờ đó, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử đối với HIV/AIDS đã được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, với nhiều biểu hiện khác nhau, từ ngấm ngầm đến công khai, thô bạo.
Tại gia đình, có những người nhiễm HIV phải ăn riêng, ở riêng, sinh hoạt riêng; hoặc nếu ở chung thì những người khác trong gia đình cũng hạn chế hoặc miễn cưỡng giao tiếp với người nhiễm HIV. Có những gia đình còn cấm đoán người khác trong gia đình tiếp xúc với người nhiễm HIV, hoặc tìm cách đưa người nhiễm HIV vào các cơ sở tập trung.
Tại cộng đồng, mọi người thường cấm hoặc hạn chế con cái, người thân, họ hàng tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS; không sử dụng các dịch vụ, hàng hóa mà người nhiễm HIV hoặc gia đình họ cung cấp, nhất là dịch vụ ăn uống; không đến dự tang lễ của người nhiễm HIV/AIDS, hoặc không mời người nhiễm HIV đến tham dự những sự kiện hiếu, hỷ trong cộng đồng.
Có những trường hợp vứt bỏ các vật dụng mà người nhiễm HIV đã sử dụng, như cốc uống nước, bát đũa người nhiễm HIV đã dùng để ăn...
Tại các cơ sở y tế, một số nhân viên y tế cũng ngại, miễn cưỡng khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, nhất là người bệnh giai đoạn cuối, với nhiều biến chứng, lở loét...
Tại nơi học tập, làm việc, người nhiễm HIV thường bị xa lánh, những người xung quanh ngại tiếp xúc, không muốn làm việc, học tập cùng người nhiễm HIV. Có những trường hợp gây sức ép, tạo cớ để người nhiễm HIV xin nghỉ việc, nghỉ học hoặc bắt buộc thôi việc, thôi học với lý do không chính đáng.
- Theo ông, nguyên nhân của thực trạng trên là gì?
Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: Có nhiều nguyên nhân gây ra kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Nguyên nhân phổ biến nhất là do HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dẫn đến chết người; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắcxin phòng bệnh nên khi nhiễm HIV thì không có cơ hội chữa khỏi, có người coi là “bản án tử hình,” “vô phương cứu chữa.”
Bên cạnh đó là do sự thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS. Nhiều người nghĩ rằng HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường, như ăn uống chung, dùng chung đồ sinh hoạt...
Nhiều người cho rằng HIV/AIDS là gắn liền với các tệ nạn xã hội, như tiêm chích ma túy, người mua, bán dâm... Chỉ vướng vào các tệ nạn này thì mới bị nhiễm HIV/AIDS, coi HIV/AIDS là tệ nạn xã hội, nhiễm HIV là có tội, có lỗi.
Một nguyên nhân nữa là do một thời gian dài khi đại dịch mới bắt đầu, việc truyền thông về HIV/AIDS đã rất nhấn mạnh sự nguy hiểm của HIV/AIDS, đưa những hình ảnh bệnh nhân nặng, gày còm, lở loét.. tạo cho nhân dân suy nghĩ rất ghê sợ về bệnh này.
Bên cạnh đó, không giải thích rõ ràng về các đường lây và khả năng lây nhiễm của HIV. Từ đó, đã tạo cảm giác sợ hãi quá mức đối với người dân, kiến họ xa lánh, kỳ thị và đó cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Một nguyên nhân rất quan trọng nữa, đó chính là sự lo lắng, sợ hãi, không vượt qua được mặc cảm bệnh tật của người nhiễm HIV. Đã có nhiều tấm gương của người nhiễm HIV vượt qua được rào cản mặc cảm, sẵn sàng bộ lộ tình trạng nhiễm HIV của mình cho mọi người xung quanh biết, sau đó tích cực tham gia các hoạt động xã hội, xóa bỏ kỳ thị, tự mình hòa nhập cộng đồng.
Trái lại, rất nhiều người khác không vượt qua được mặc cảm, tìm mọi cách dấu giếm tình trạng nhiễm HIV của mình, và chịu sống trong mặc cảm, lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử.
- Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV sẽ dẫn đến những hệ lụy gì thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: Kỳ thị và phân biệt đối xử là nguyên nhân rất quan trọng làm hạn chế khả năng tiếp cận đến các dịch vụ về HIV/AIDS, như các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS.
Vì lo sợ kỳ thị, phân biệt đối xử mà nhiều người, đặc biệt là những nhóm người nguy cơ cao, không dám đi xét nghiệm HIV/AIDS, khiến cho việc phát hiện HIV rất khó khăn. Khi bị nhiễm HIV mà không được phát hiện thì sẽ rất nguy hiểm, gây lây nhiễm HIV cho người khác trong xã hội.
Ngày nay, đã có thuốc điều trị cho người nhiễm HIV. Một người nhiễm HIV, nếu được điều trị sớm và tuân thủ điều trị đầy đủ thì vẫn sống khỏe mạnh, tránh được tử vong và giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho người khác.
Tuy vậy, nhiều người đã được xét nghiệm, phát hiện là mình nhiễm HIV, nhưng do lo sợ bị phân biệt đối xử nên cố gắng giấu giếm, không dám đi đến cơ sở y tế để điều trị, hoặc chỉ đến điều trị khi bệnh đã quá nặng.
Việc không điều trị hoặc điều trị muộn vừa nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh, dẫn đến bệnh nặng, tử vong, đồng thời cũng nguy hiểm cho cộng đồng vì làm lây nhiễm HIV cho người khác. Chính vì dấu diếm tình trạng bệnh tật, không dám tiếp cận với chương trình phòng chống HIV/AIDS nên người bệnh không được tư vấn về kỹ năng phòng lây truyền HIV cho người khác thì có thể vô tình làm lây nhiễm HIV người khác.
Kỳ thị và phân biệt đối xử còn là rào cản to lớn đối với việc hưởng đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV, bao gồm quyền học tập, lao động và sinh hoạt như những người không nhiễm HIV. Đây là những quyền mà người nhiễm HIV được pháp luật bảo vệ.
Luật Phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam cũng đã có nhiều điều khoản nghiêm cấm việc kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Có thể khẳng định rằng các biện pháp tách biệt, cấm đoán, kỳ thị và phân biệt đối xử không làm hạn chế được dịch HIV/AIDS mà trái lại càng làm cho dịch HIV/AIDS ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn. Chính vì vậy, chúng ta không nên kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
- Cục trưởng có thể cho biết rõ hơn về các hoạt động sẽ được triển khai trong “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014”?
Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: Tháng hành động quốc gia năm nay sẽ tổ chức nhiều hoạt động ở cả trung ương và các địa phương. Trọng tâm của các hoạt động là nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV.
Ở Trung ương, nhiều hoạt động thiết thực sẽ được tổ chức trong Tháng Hành động như các đồng chí lãnh đạo cấp cao đi thăm và tặng quà cho trẻ em nhiễm HIV; tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và người nhiễm HIV; tổ chức các đêm diễn kịch tuyên truyền về HIV/AIDS tại Nhà hát Âu Cơ; tổ chức gặp mặt các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các phóng viên báo chí Trung ương và khu vực Hà Nội, các tổ chức Phi chính phủ trong nước và quốc tế nhân Tháng Hành động; tổ chức mit-tinh, diễu hành tại Sân thể thao Quần Ngựa...
Các địa phương cũng tổ chức các buổi gặp mặt các nhóm tự lực, nhóm “Bạn giúp bạn;” tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ với những người dễ bị cảm nhiễm với HIV, tuyên truyền vận động họ tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh, tiếp tục thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; tổ chức các hội thảo chuyên đề phù hợp với bối cảnh dịch HIV/AIDS địa phương, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hiệu quả, các điển hình trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường các hoạt động truyền thông đại chúng, chú trọng đến những người dễ tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.
Tổ chức míttinh và diễu hành quần chúng hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS tại các địa phương; tổ chức các đêm giao lưu văn nghệ truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, nhất là ở xã, phường, thôn, ấp, bản... Từ đó, tác động đến nhận thức của nhân dân, góp phần chống kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
- Để đảm bảo tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS, Chính phủ nước ta đã có những giải pháp như thế nào, thưa Cục trưởng?
Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: Ngày 16/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020. Đề án đề cập đến hai nhóm giải pháp chính đó là huy động các nguồn lực và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực huy động được.
Đối với huy động nguồn lực, Việt Nam cần tiếp tục tăng chi ngân sách nhà nước Trung ương cho phòng chống HIV/AIDS. Mặc dù sau năm 2015 có thể không còn chương trình mục tiêu quốc gia riêng cho phòng chống HIV/AIDS nhưng Nhà nước cần có cơ chế tài chính mới để tiếp tục đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS.
Các địa phương cần xây dựng đề án đảm bảo tài chính và tăng chi ngân sách địa phương cho phòng chống HIV/AIDS tại địa phương mình, đặc biệt là các tỉnh, thành phố có nguồn thu ngân sách lớn.
Tính đến tháng 9/2014, có 10 tỉnh phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho phòng chống HIV/AIDS của tỉnh, 24 tỉnh đang trình ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và 29 tỉnh đang lấy ý kiến góp ý của các Sở, ngành trong tỉnh. Đồng thời, xã hội hóa, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước cho phòng chống HIV/AIDS; xem xét thu một phần chi phí cho điều trị methadone để có thể duy trì hoạt động của các cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế; tiếp tục kêu gọi các nguồn lực từ các nhà tài trợ quốc tế.
Bên cạnh huy động các nguồn lực, Việt Nam cần phải sử dụng các nguồn tài chính hiện có một cách hiệu quả nhất như tập trung nguồn lực vào các địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS để tăng hiệu quả hoạt động; tập trung các hoạt động can thiệp vào những người có HIV dương tính và một số nhóm nguy cơ cao nhất (gồm nghiện chích ma túy, phụ nữ có quan hệ tình dục với người nghiện chích có HIV dương tính, phụ nữ mại dâm và tình dục đồng giới nam).
Đồng thời, triển khai các can thiệp có hiệu quả cao, như truyền thông thay đổi hành vi, dự phòng (phát bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị methadone), tăng cường tư vấn xét nghiệm và mở rộng điều trị ARV; tăng cường lồng ghép các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS (như tư vấn xét nghiệm, điều trị methadone, điều trị ARV); lồng ghép các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vào hệ thống y tế sẵn có; phân cấp các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS xuống tuyến cơ sở, xét nghiệm chẩn đoán, phát thuốc ARV, phát thuốc methadone...
- Trân trọng cảm ơn Cục trưởng./.