Lạm phát của Đức dự báo tiếp tục ở mức cao trong năm 2023

Viện Kinh tế Thế giới Kiel và Viện nghiên cứu kinh tế Ifo nâng mức dự báo lạm phát của Đức năm 2023 lên lần lượt 4,2% và 3,3% do tác động của giá năng lượng tăng cao, cuộc xung đột ở Ukraine.
Lạm phát của Đức dự báo tiếp tục ở mức cao trong năm 2023 ảnh 1Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp xe ô tô của Hãng Porsche ở Stuttgart, miền Nam Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức dự báo lạm phát ở nước này sẽ vẫn ở mức cao trong năm 2023, do tác động của giá năng lượng tăng cao, cuộc xung đột ở Ukraine và tình trạng tắc nghẽn nguồn cung.

Ngày 15/6, Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW Kiel) và Viện nghiên cứu kinh tế Ifo đã nâng mức dự báo lạm phát của Đức năm 2023 lên lần lượt 4,2% và 3,3%.

Phó Chủ tịch kiêm trưởng bộ phận dự báo tại IfW Kiel, Stefan Kooths, cho rằng các quyết định gần đây của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nhằm bình thường hóa chính sách tiền tệ được đưa ra "quá muộn" và cho đến nay vẫn chưa đủ quyết liệt.

Tuần trước, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhận định lạm phát cao là một thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và ngân hàng này dự kiến tăng lãi suất vào mùa Hè năm nay.

[Tỷ lệ lạm phát của kinh tế Đức tiếp tục tăng lên mức cao mới]

Theo số liệu chính thức, giá tiêu dùng của Đức trong tháng 5/2022 đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức lạm phát cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên ở nước này vào mùa Đông năm 1973-1974. Viện Ifo dự báo lạm phát của Đức trong cả năm 2022 đạt 6,8%, trong khi IfW Kiel dự báo lạm phát ở mức 7,4%.

Ifo đồng thời hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Đức trong năm 2022 từ 3,1% xuống 2,5%, mặc dù dự báo các yếu tố tiêu cực như tắc nghẽn nguồn cung và giá nguyên vật liệu cao có thể trở nên ít nghiêm trọng hơn trong nửa cuối năm.

Trong khi đó, IfW Kiel dự báo nền kinh tế Đức chỉ tăng trưởng 2,1% trong năm nay, song nhận định ngành công nghiệp nước này vẫn trong tình trạng tốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.