Lập riêng tàu đưa đoàn chuyên gia từ Trung Quốc tới Quảng Ngãi

Lập tàu vận chuyển đoàn chuyên gia từ Trung Quốc tới Quảng Ngãi

Đoàn chuyên gia Trung Quốc vừa được đón thẳng từ Đồng Đăng, Lạng Sơn đưa về khu công nghiệp Dung quất, Quảng Ngãi bằng tàu hỏa với những quy trình khắt khe để phòng chống dịch COVID-19.
Lập tàu vận chuyển đoàn chuyên gia từ Trung Quốc tới Quảng Ngãi ảnh 1Đường sắt lập riêng tàu để vận chuyển đoàn chuyên gia từ Trung Quốc sang Quảng Ngãi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội vừa có Công điện gửi các đơn vị liên quan về việc lập tàu vận chuyển đoàn gồm 56 chuyên gia Trung Quốc đến Quảng Ngãi, Việt Nam.

Theo đó, ngày 5/8, tại Hà Nội lập tàu 7003 từ Hà Nội đến Đồng Đăng (Lạng Sơn); tiếp đó, lập tàu ĐĐ8 tại Đồng Đăng với lý trình Đồng Đăng-Hà Nội, sau đó sẽ từ Hà Nội để nguyên đoàn toa xe tàu ĐĐ8 chạy tàu SE23 từ Hà Nội đến Quảng Ngãi.

Các toa xe khách có đánh số thứ tự, vận chuyển chuyên gia Trung Quốc và cán bộ y tế, lực lượng hộ tống đoàn. Giờ đón đoàn chuyên gia Trung Quốc lên tàu là 12 giờ ngày 5/8. Tàu SE23 đến Quảng Ngãi sẽ giải thể, sau khi đoàn xe được Sở Y tế Quảng Ngãi phun khử trùng và kéo rỗng từ Quảng Ngãi ra Hà Nội.

Đoàn tàu sẽ có 3 toa xe chở chuyên gia Trung Quốc (toa 1 đến 3) được bố trí 2 nhân viên tác nghiệp trong suốt quá trình chạy tàu từ Đồng Đăng đến Quảng Ngãi. Các nhân viên này phải trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ y tế, không được di chuyển lên xuống tàu và sang các toa xe còn lại trong đoàn tàu, sau khi đến Quảng Ngãi các nhân viên này sẽ được Sở Y tế Quảng Ngãi cách ly theo quy định.

Trong suốt quá trình chạy tàu từ ga Đồng Đăng đến ga Quảng Ngãi không được mở cửa lên xuống của 3 toa xe chở chuyên gia Trung Quốc. Cửa thông từ toa số 3 sang toa số 4 chỉ được mở khi lấy suất ăn và trả xe đẩy.

Phía ngành đường sắt cũng yêu cầu các đơn vị như ga Đồng Đăng, Hà Nội, Nghĩa Bình, Quảng Ngãi phải lên phương án lập hành lang dẫn khách và phong tỏa khu vực đoàn khách đi lại. Tại ga Đồng Đăng và Quảng Ngãi không để người không phận sự và khu vực đón khách trong thời gian đón đoàn chuyên gia Trung Quốc; tại ga Hà Nội có phương án hạn chế hành khách, nhân viên đai tại qua vị trí tàu ĐĐ8 và SE23 đỗ.

[Chủ tịch đường sắt: Nhanh cũng mất tới 3-4 năm mới khôi phục như trước]

Trước đó, vào ngày 11/6, ngành đường sắt cũng đã vận chuyển 150 chuyên gia đi ôtô từ cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, sau chuyển hành khách lên tàu hỏa tiếp tục hành trình từ Hà Nội đi Quảng Ngãi.

Sau khi đoàn chuyên gia và nhân viên phục vụ xuống ga Quảng Ngãi, tất cả được đưa đi cách ly 14 ngày theo quy định nhằm phòng, chống dịch COVID-19. Đoàn toa xe cũng được cơ quan y tế Quảng Ngãi phun khử trùng.

Trong thời gian qua, ngành đường sắt tiếp tục dừng chạy hàng loạt các đoàn tàu do hành khách sụt giảm bởi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở một số tỉnh, thành.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết những kịch bản mà ngành đường sắt đưa ra đã liên tục bị thay đổi. Chắc chắn năm nay, VNR sẽ chịu thiệt hại tác động kép của dịch và thi công cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên và hành khách đi tàu, Tổng công ty Đường sắt yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch COVID-19 tại các nhà ga và trên các đoàn tàu.

VNR lập 2 tổ thường trực tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, cử nhân viên y tế túc trực thường xuyên nhằm kiểm soát và kịp thời phát hiện nếu có trường hợp khách có biểu hiện nhiễm bệnh, hướng dẫn hành khách khai báo y tế điện tử, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang… trước khi lên tàu.

Đối với nhân viên trên tàu, VNR chỉ đạo tất cả nhân viên đeo khẩu trang khi tác nghiệp, quan sát hành khách có biểu hiện nghi nhiễm COVID-19. Toàn bộ các đoàn tàu khách sau khi về ga đều phải phun thuốc khử trùng, lau rửa bên trong và bên ngoài trước khi chở khách chuyến tiếp theo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục