Bài 9: Xử lý sai phạm làm méo mó đô thị: Không có vùng cấm

'Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ triệt để

Tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” mà người đứng đầu đất nước nhấn mạnh được minh chứng bằng việc nhiều cán bộ cấp cao đã bị kỷ luật,...
Lời chia sẻ của người đứng đầu đất nước càng trở nên thấm thía và chắc chắn “cuộc chiến chống tham nhũng” sẽ còn diễn ra như kỳ vọng của nhân dân. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Bài 9: Xử lý sai phạm làm méo mó đô thị: Không có vùng cấm

Từ quyết tâm đẩy lùi tham nhũng đã được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai,” nhân dân cả nước kỳ vọng sẽ được đẩy mạnh vào lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, qua đó xử lý dứt điểm các “siêu, đại” dự án sai phạm, lấy lại niềm tin nhân dân.

Kỷ luật cán bộ thật đau xót, nhưng không thể không làm...

Sau 4 năm phát động phong trào chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhân dân cả nước đã thấy sự thay đổi trong cách điều hành, quản lý và loại bỏ các cán bộ “sâu mọt” đã gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Người dân, cử tri tin tưởng vào người đứng đầu của đất nước.

Tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” mà người đứng đầu đất nước nhấn mạnh được minh chứng bằng việc nhiều cán bộ cấp cao đã bị kỷ luật, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự về những sai phạm của mình.

Thực tế cho thấy ngoài những lãnh đạo cộm cán đã phải vào “lò chống tham nhũng” như Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng,... thời gian qua, nhân dân cả nước cũng đã chứng kiến hàng loạt vụ đại án liên quan đến đất đai, xây dựng, nhiều người từng là lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành phố đã bị kỷ luật, chịu án phạt.

Đơn cử như vụ việc sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm-“siêu dự án” để xảy ra nhiều vi phạm, làm biến dạng đô thị, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ và chính quyền thành phố, gây bức xúc trong xã hội khiến người dân phải khiếu kiện tới gần 20 năm, mới đây, Ban Bí thư đã quyết định kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015 bằng hình thức khiển trách.

Theo đó, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải bằng hình thức Cách chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015; ông Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Tại kỳ họp 44, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã xem xét, kết luận một số nội dung trong đó có nội dung liên quan đến những vi phạm, khuyết điểm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. Qua xem xét, giải quyết tố cáo đối với ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy và ông Trần Ngọc Căng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy ông Lê Viết Chữ và ông Trần Ngọc Căng đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, đến mức phải xem xét kỷ luật.

[Tổng Bí thư: Làm mạnh hơn công tác phòng chống tham nhũng]

Cũng tại kỳ họp, căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng do đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong vụ án hình sự xảy ra tại Quân chủng Hải quân.

Ngoài ra, một loạt “đại” dự án khác cũng đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm rõ, kiên quyết xử lý sai phạm như 8B Lê Trực hay HH Linh Đàm…

Công tác phá dỡ tầng 18 công trình sai phạm tại số 8B Lê Trực. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (thành phố Đà Nẵng) đã nêu lên thực trạng sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý tài sản công diễn ra hầu khắp các địa phương ở nhiều cấp, kéo dài trong nhiều năm nhưng chậm được phát hiện và chấn chỉnh để đề ra biện pháp ngăn chặn, thiệt hại ở mức độ đặc biệt lớn, đặc biệt nghiêm trọng.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, có dự án từ quy mô ban đầu vài trăm nhân khẩu, sau nhiều lần điều chỉnh, quy mô đã lên đến 6.000-7.000 nhân khẩu, những dự án như vậy xảy ra ở nhiều nơi, quy mô lớn gấp nhiều lần và để lại những hậu quả nặng nề cho cuộc sống của người dân.

Điều đáng lo là, “đằng sau câu chuyện ‘điều chỉnh đúng quy trình’ là bóng dáng của nhóm lợi ích, trong khi dự án đi sai mục đích phát triển chung, phá vỡ quy hoạch, chính quyền địa phương thì luôn khẳng định sẽ xử lý nghiêm nhưng rồi, đô thị thì biến dạng, không gian sống của người dân bị xâm phạm, Nhà nước mất cán bộ… còn chủ đầu tư vô can, các thực thể vi phạm vẫn tồn tại lồ lộ, sừng sững, đầy thách thức,” đại biểu Nguyễn Bá Sơn nhận định.

Mặc dù vậy, theo ý nhiều cử tri và thực tế ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, những vụ việc nêu trên cũng mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm với hàng loạt “siêu, đại” dự án sai phạm đã góp phần lấp lấn biển, “tận diệt” tài nguyên thiên nhiên và làm méo mó quy hoạch, biến dạng đô thị, cần phải đưa ra để xử lý.

[Làm tốt công tác nhân sự, ngăn hiện tượng 'cua cậy càng, cá cậy vây']

Và mặc dù vẫn còn có những vụ việc chưa đi tới hồi kết đang chờ hướng xử lý cuối cùng, nhưng việc kỷ luật nhiều quan chức cao cấp có sai phạm trong việc quản lý, xây dựng, sử dụng đất trong vài năm trở lại đây là chỉ dấu cho thấy có nhiều hy vọng cho việc ngăn chặn tiêu cực trong tham nhũng làm tổn hại đến lợi ích dân tộc.

Nói về những cán bộ cấp cao đã bị kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn chia sẻ: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta.”

Lời chia sẻ của người đứng đầu đất nước càng trở nên thấm thía và chắc chắn “cuộc chiến chống tham nhũng” sẽ còn diễn ra như kỳ vọng của nhân dân.

Lòng dân ủng hộ, không bỏ ai ở lại phía sau...

“Xử lý cán bộ như thế đủ nghiêm chưa? Lần trước toàn nói là tắm từ vai xuống, giờ là từ đầu xuống. Lòng dân ủng hộ, đang làm rồi phải làm tiếp, không dừng lại. Cho nên tôi nói hình ảnh cả lò nóng lên, tất cả vào cuộc là thế,” chia sẻ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và quận Tây Hồ (Hà Nội) trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, ngày 12/10/2017 đã tiếp thêm niềm tin cho cử tri và nhân dân cả nước trong công cuộc chống tham nhũng.

Nhân dân cả nước kỳ vọng sẽ xử lý dứt điểm các “siêu, đại” dự án sai phạm, lấy lại niềm tin nhân dân. (Ảnh: CTV)

Mới đây, trong cuộc chiến chống lại COVID-19, tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi càng sáng rõ hơn bởi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trí, sức mạnh của “ý Đảng, lòng dân.” Cũng nhờ tinh thần đó, Việt Nam đã vượt qua khó khăn, chiến thắng được đại dịch.

Những cán bộ tham nhũng liên quan đến đất đai, quy hoạch xây dựng, tài nguyên quốc gia cho tới thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 cũng đã bị đưa vào “lò chống tham nhũng” xử lý.

Tuy nhiên, bên cạnh việc xử lý cán bộ, người dân cũng mong chờ sự công bằng về quyền lợi của chính mình, bởi nhiều vụ án vẫn chưa thấy hướng xử lý khắc phục hậu quả, đền bù thiệt hại mà người dân bị ảnh hưởng.

Đơn cử như sai phạm của loạt dự án nhà ở do Tập đoàn Mường Thanh xây dựng ở Hà Nội, khiến hàng vạn hộ dân đến nay vẫn chưa có sổ đỏ. Nhiều cử tri cho rằng sai phạm thuộc về chủ đầu tư và các cơ quan liên quan đến việc quản lý, cấp phép.

Vì thế, nếu buộc công trình phải khắc phục, cắt ngọn thì việc giải quyết đền bù cho người dân ra sao, cơ chế nào để giúp người dân đã bỏ tiền tỷ ra mua nhà có được quyền sở hữu chính đáng tài sản của mình?

Hay như “siêu dự án” Khu đô thị mới Thủ Thiêm, do chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh quy hoạch trái với quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khiến 160ha đất tái định cư bị bỏ ra ngoài quy hoạch chung 1/5.000 và đưa 80ha đô thị chỉnh trang (trong đó có diện tích đất của người dân) nằm ngoài ranh giao đất của Chính phủ vào quy hoạch 1/5.000 đẩy trăm người dân mất đất, mất chỗ ở và phải đi khiếu nại tới gần 20 năm… cách nào để khắc phục hậu quả, đền bù cho họ?

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, ông Nguyễn Tấn Cứu-một trong số hơn 100 người dân bị mất đất vì “siêu dự án” Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho rằng: “Chúng tôi đã khiếu nại gần 20 năm qua, chưa có cơ quan nào dám lên tiếng, nhưng lần này Đảng, Nhà nước đã đưa công khai tên họ ông Lê Thanh Hải và những người liên quan ra ánh sáng với các mức án kỷ luật. Người dân chúng tôi rất mừng vì Đảng, Nhà nước đã thấu hiểu lòng dân. Tuy nhiên đó là mặt xử lý Đảng thôi, còn về mặt khắc phục hậu quả thì chính quyền chưa nói tới.”

Có chung nỗi đau mất đất, mất nhà, bà Nguyễn Thị Tám cho hay: “Bây giờ hướng xử lý của Đảng đã rõ ràng, những người vi phạm cũng đã bị xử lý. Tuy nhiên, quyền lợi của chúng tôi đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Vì vậy, chúng tôi mong các cấp lãnh đạo yêu cầu những người đã sai phạm thì phải khắc phục hậu quả, để quyền lợi của người dân chúng tôi được giải quyết thỏa đáng” và “không ai bị bỏ lại phía sau,” bởi vì sai phạm của một số cán bộ, lãnh đạo./.

[Bài 1: ‘Siêu dự án’ hô biến mất nhà cửa của dân nghèo thành thị]

[Bài 2: Xây trước, xin sau và cái bóng của ‘nhóm lợi ích’]

[Bài 3: ‘Chiếc áo đô thị’ chật hẹp: Mỗi mảnh ghép một nỗi lo…]

[Bài 4: ‘Quy hoạch miệng, dự án ma’: Mê hồn trận giúp ‘con voi chui lọt lỗ kim’]

[Bài 5: Dự án kinh doanh núp áo du lịch tâm linh ‘tận diệt’ tài nguyên]

[Bài 6: Hệ lụy điều chỉnh quy hoạch: Tư nhân làm, ngân sách chịu!]

[Bài7: Trôi nổi quả bóng trách nhiệm: Cấp trên làm sai, cấp dưới chịu tội]

[Bài 8: Buông lỏng kỷ cương trật tự xây dựng: ‘Anh em song sinh’ với tham nhũng]

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục