Nhiều ý kiến từ phía cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia cho rằng việc ngành hàng không "đi trước một bước" với việc dỡ bỏ hạn chế bay quốc tế từ 15/2 được đánh giá sẽ giúp ngành du lịch không bị chậm chân trong cạnh tranh thu hút khách du lịch quốc tế.
Thậm chí, nhiều chuyên gia nhận định nếu chuẩn bị kỹ lưỡng, Việt Nam có thể chiếm lĩnh thêm nhiều thị trường mới, khách hàng mới.
Khôi phục sớm để không chậm chân với thế giới
Tại buổi Tọa đàm “Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới” do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức vào chiều 24/2 tại Quần thể du lịch FLC Quy Nhơn (Bình Định), ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam Hàng không, cho rằng dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam được hơn 2 năm đã tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động kinh tế-xã hội trong cả nước.
Trong số đó, du lịch và hàng không là hai ngành chịu thiệt hại lớn nhất. Hoạt động của các doanh nghiệp hàng không đã bị ảnh hưởng trên cả mạng bay nội địa và quốc tế; kết quả sản xuất kinh doanh giảm sút, tình trạng tài chính các doanh nghiệp trong ngành gặp muôn vàn khó khăn.
“Gần đây, Nhà nước đã quyết định mở lại các đường bay thương mại quốc tế từ 15/2 để phục hồi giao thương, du lịch và chuẩn bị mở cửa du lịch từ 15/3/2022. Những quyết định này đã tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn các hoạt động bay, không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không khu vực và thế giới có đường bay đi đến Việt Nam,” ông Nề nói.
Tuy nhiên, ông Nề thừa nhận việc mở lại đường bay quốc tế cũng đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam nói chung, với ngành hàng không và du lịch, đặc biệt là khó khăn do thị trường cần có giải pháp khôi phục và kích cầu trở lại; khó khăn do kiểm soát và đảm bảo an toàn cho hành khách và cộng đồng trong tình hình diễn biến dịch bệnh còn phức tạp.
"Xác định dịch bệnh chỉ kéo dài trong thời gian nhất định nên chúng ta đã chuẩn bị nhân lực để khai thông lại bay thương mại quốc tế. Đây là một tín hiệu tích cực cho hàng không và du lịch," ông Nề nhấn mạnh.
[Hàng không Việt mở lại bay quốc tế đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ]
Thông tin thêm, ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết tính tới thời điểm hiện tại, hàng không Việt Nam mở lại bay thương mại quốc tế đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đánh giá năm 2022 việc khôi phục ngành hàng không, du lịch hoàn toàn không phải cơ hội nữa mà là hiện hữu, ông Đăng dẫn chứng về các con số Cục Hàng không đưa ra các kịch bản dự báo tăng trưởng. Trong kịch bản trung bình, năm 2022, thị trường hàng không Việt Nam đón 42-43 triệu hành khách, mới chỉ được hơn 50% so với năm 2019 nhưng con số này vẫn là khá ấn tượng khi so với 2 năm dịch vừa qua. Trong số 43 triệu lượt này, Cục Hàng không dự báo sẽ có khoảng 8 triệu khách quốc tế, trong đó có 6 triệu khách du lịch.
Tuy nhiên, ông Đăng cũng cho rằng các đường bay quốc tế mới chỉ tập trung đến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, còn những điểm du lịch như Quy Nhơn, Phú Quốc, Đà Nẵng, Vân Đồn, các hãng hàng không nước ngoài vẫn chưa khai thác. Cục Hàng không cũng đã nhận được rất nhiều đề nghị từ quốc tế mở lại đường bay đến nước ta ở khu vực miền Trung để khôi phục lại hoạt động du lịch, đây là tín hiệu đáng mừng.
Nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa ngành hàng không và du lịch như đôi cánh của con chim, hai cỗ bánh của chiếc xe, ông Đăng khẳng định: “Hai ngành này muốn tồn tại phải dựa vào nhau để phát triển. Trong lượng khách hàng không vận chuyển thì có tới 70% lượng khách du lịch. Việc hàng không mở đường bay, tăng tần suất sẽ tạo điều kiện lớn cho du lịch phát triển. Du lịch phát triển lại mang nguồn khách rất lớn, hỗ trợ cho ngành hàng không.”
Thông thoáng để tạo động lực phát triển
Chia sẻ thêm quan điểm về mở cửa hàng không, du lịch, ông Lương Hoài Nam, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Du lịch Gotadi, nhấn mạnh chúng ta đừng coi COVID-19 như rào cản để hạn chế mở cửa. Thay vào đó, Chính phủ nên mở một cách thật thông thoáng để hàng không đón khách quốc tế, trong đó điều kiện tiên quyết là phục hồi chính sách visa như trước dịch ngay lập tức và công bố luôn.
Ngoài 13 nước được miễn visa cũ, ông Nam kiến nghị nước ta cần mở rộng diện miễn visa cho toàn bộ khối EU, Australia, Newzeland,… Với Mỹ, Trung Quốc, nếu không miễn thì đề nghị xem xét visa dài hạn 5 năm, 10 năm,… thì mới mong cạnh tranh được với du lịch quốc tế.
Theo ông Bùi Doãn Nề, hiện nay rào cản lớn nhất cần tháo gỡ không chỉ đối với ngành hàng không Việt Nam mà cả đối với các nước trên thế giới là cần khôi phục lại các hoạt động như trước đại dịch. Các quy định tạo rào cản giữa các nước như xét nghiệm, cách ly,… cần phải tạo được sự đồng thuận và thống nhất.
[Cần làm gì để không bỏ lỡ ‘thời cơ vàng' của du lịch Việt Nam?]
Nhấn mạnh việc cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng để đón đầu sự phục hồi; các chính sách thu hút du lịch, hỗ trợ các hãng hàng không, ông Nề đề nghị Việt Nam cần tận dụng tốt sự phục hồi và tháo gỡ các rào cản để sớm lấy lại vị thế 1 trong 5 nước tăng trưởng hàng không nhanh nhất thế giới như trước đại dịch và dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng.
Tiến sỹ Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, cho rằng tại Việt Nam hiện nay, Chính phủ đang muốn thông qua hai lĩnh vực này để tuyên bố với thế giới về việc Việt Nam đã an toàn và dần phục hồi đồng thời cũng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam có sức chống chịu tốt.
“Hiện nay, đóng góp của ngành hàng không và du lịch rất lớn nên phải mở cửa sớm để khai thông, tạo động lực phát triển. Đợt dịch vừa qua đã khiến nhiều cuộc tiếp xúc trực tiếp bị gián đoạn... Sau hai năm đứt gãy, việc khôi phục hàng không, du lịch sẽ tạo hứng khởi mới cho sự phục hồi của nền kinh tế,” ông Thiên cho hay.
Là hãng hàng không đã nối lại nhiều đường bay quốc tế và nội địa, theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways, hai năm vừa qua khi thị trường hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là dịp để Bamboo Airways củng cố lại hệ thống (mạng bay, tối ưu hoá đội bay, nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyển đổi số) chuẩn hoá nhân sự..., để sẵn sàng mở cửa.
“Bamboo Airways có lợi thế là tận dụng được hệ sinh thái của Tập đoàn FLC. Chúng tôi có sân golf, resort nên các dịch vụ này có thể kết nối và bổ trợ cho nhau để thu hút khách du lịch,” ông Trọng nói./.