Nền kinh tế Iran đang xuất hiện nhiều dấu hiệu phục hồi

Trong 8 tháng đầu năm nay theo niên lịch của Iran (bắt đầu từ tháng Ba), nhiều lĩnh vực kinh tế đã tăng trưởng so với năm trước, trong đó có thị trường, khai mỏ và thương mại.
Nền kinh tế Iran đang xuất hiện nhiều dấu hiệu phục hồi ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark, Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 18/12, truyền thông nhà nước Iran dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Công nghiệp, Mỏ và Thương mại nước này, Reza Rahmani cho biết những tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran đã “xuống đến mức thấp nhất” và nền kinh tế Iran đang cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi.

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn đánh giá của Bộ trưởng Rahmani cho biết nhiều lĩnh vực kinh tế của Iran trong năm qua đã thay đổi với sự giúp sức của các lực lượng trẻ.

Trong 8 tháng đầu năm nay theo niên lịch của Iran (bắt đầu từ tháng Ba), nhiều lĩnh vực kinh tế đã tăng trưởng so với năm trước, trong đó có thị trường, khai mỏ và thương mại.

Ngoài ra, lương thực, ximăng và hóa dầu cũng nằm trong số những ngành tăng trưởng trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, ông Rahmani thừa nhận Iran gặp nhiều vấn đề cần điều chỉnh thị trường bằng những quy định hạn chế mới.

Theo ông Rahmani, các doanh nghiệp Iran đã làm hết sức mình để duy trì hoạt động dưới sức ép của các lệnh trừng phạt từ Mỹ, ngăn chặn tình trạng trì trệ và thiếu hụt trên thị trường.

Cụ thể, Bộ trưởng Rahmani cho biết Tehran thực hiện chính sách nói "không" với các sản phẩm ngoại nhập mà Iran có thể sản xuất, đầu tư 10 tỷ USD cho nhập khẩu phục vụ sản xuất nội địa.

Bộ trưởng Rahmani cho biết thêm với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp quốc phòng và khối doanh nghiệp tư nhân, Iran đã cung ứng được phần lớn các linh kiện sản xuất trong nước và hoàn thiện rồi chuyển giao khoảng 10.000 phương tiện.

Chế tạo ôtô là ngành công nghiệp lớn thứ hai của Iran sau dầu mỏ và khí đốt với doanh thu đạt khoảng 12 tỷ USD.

Lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Iran, chiếm 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 4% lực lượng lao động của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Sự phát triển của ngành này cũng góp phần kích thích sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ.

Ngoài ra, theo ông Rahmani, trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Iran sang các nước láng giềng đã tăng tới 16%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.